Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, một viện nghiên cứu hàng đầu Trung Quốc đang thiết kế mô hình nhà máy điện hạt nhân kích thước nhỏ nhất thế giới, cho phép đặt vừa trong một công-ten-nơ để vận chuyển và lắp đặt trên một hòn đảo nhân tạo (phi pháp-PV) ở biển Đông trong vòng 5 năm tới.
Trung Quốc nhiều khả năng trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng loại công nghệ quân sự này trên đất liền.
Mặc dù có thể giúp lọc một lượng lớn nước biển thành nước ngọt phục vụ sinh hoạt, "pin hạt nhân" của Trung Quốc cũng làm dấy lên quan ngại về tác động nghiêm trọng đến môi trường.
Chỉ cần một trong các lò phản ứng này vướng phải "vấn đề thảm họa" thì chất thải phóng xạ sẽ ảnh hưởng không chỉ đến các quốc gia xung quanh mà còn tràn ra thế giới thông qua dòng hải lưu mạnh của khu vực.
Một nhà nghiên cứu môi trường biển giấu tên từ Đại học hàng hải Trung Quốc cảnh báo rằng việc xả nước thải nóng và nhiễm xạ từ một nhà máy hạt nhân xuống đại dương sẽ làm biến đổi hệ sinh thái của toàn bộ khu vực xung quanh một hòn đảo. Kết quả là các sinh vật biển sẽ chết, hoặc bị nhiễm xạ.
"Rất nhiều loài cá và sinh vật biển sẽ không thể thích nghi được với sự biến đổi đột ngột của môi trường đến từ các nhà máy khử muối và nhiệt độ nước tăng lên do các lò phản ứng hạt nhân."
"Nếu một thảm họa hạt nhân xảy ra ở biển Đông, nó sẽ không ảnh hưởng tức thì đến con người sinh sống trên đất liền, nhưng chất thải phóng xạ sẽ xâm nhập cơ thể các loài cá cùng sinh thực vật dưới biển, và cuối cùng chắc chắn sẽ hiện diện trên bàn ăn của mọi người," nhà nghiên cứu người Trung Quốc cho biết.
Theo chuyên gia này, trước khi lắp đặt bất kỳ loại nhà máy hoặc lò phản ứng hạt nhân (trái phép-PV) nào ở các đảo đá tại biển Đông, chính phủ Trung Quốc phải đánh giá không chỉ lợi ích chính trị, kinh tế và quân sự, mà cả những ẩn họa với môi trường.
Thảm họa rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, Nhật Bản hồi tháng 3/2011 là minh chứng rõ ràng nhất để Bắc Kinh nhìn vào.
Cuối năm 2012, hàm lượng chất phóng xạ trong cơ thể một con cá hồi bắt được ở con sông gần nơi xảy ra sự cố hạt nhân cao hơn 100 lần so với mức bình thường, theo thông tin của Bộ môi trường Nhật.
Tháng 3/2013, Tokyo Electric Power - đơn vị điều hành nhà máy Fukushima - xác nhận nồng độ phóng xạ cedium trong cơ thể một con cá bắt được ở gần nhà máy cao hơn bình thường 5.000 lần. Hoạt động đánh bắt cá ngoài khơi bờ biển tỉnh Fukushima bị cấm hoàn toàn.
Đến năm 2015, phóng xạ từ nhà máy này được các nhà khoa học phát hiện ở dọc bờ biển Canada.