Nguy cơ nghiêm trọng về chạy thận ở Thái Bình: 'Bất lực thực sự! Chúng tôi báo động rồi!'

Bích Hiền - Ngọc Minh |

Tỷ lệ bệnh nhân có phản ứng bất thường trong quá trình lọc máu là 5 - 6% - một con số cao khủng khiếp khiến nhân viên y tế và lãnh đạo bệnh viện đứng ngồi không yên.

Nhật ký lọc máu: Những con số báo động

Ngày 12/8, 7 bệnh nhân lọc máu tại khoa Thận nhân tạo – BV Đa khoa Thái Bình có những diễn biến bất thường, đồng loạt có những triệu chứng sốt, rét run.

7 ca bệnh trong một ngày là đỉnh điểm của đợt theo dõi kéo dài suốt từ 6/5, xoá bỏ sự hy vọng thấp thỏm của các nhân viên y tế tại đây sau 7 ngày không có ca bệnh diễn biến bất thường nào.

Nhìn vào "nhật ký lọc máu" của khoa Thận nhân tạo được ghi từ thời điểm 6/5/2019, có thể thấy những trường hợp có phản ứng bất thường trong quá trình lọc máu như kể trên là rất nhiều. Liên tục có những ngày gặp 3 – 5 trường hợp.

Nguy cơ nghiêm trọng về chạy thận ở Thái Bình: Bất lực thực sự! Chúng tôi báo động rồi! - Ảnh 2.

Nhật ký lọc máu của khoa Thận nhân tạo – BV Đa khoa tỉnh Thái Bình dày đặc những ca bệnh gặp phản ứng bất thường trong quá trình lọc máu (Ảnh: BVCC)

Theo đại diện của bệnh viện cho biết, trước thời điểm tháng 5, bệnh viện không làm thống kê nhưng có thể thấy các trường hợp có phản ứng sốt, rét run ít hơn và diễn ra rải rác. Từ tháng 5 trở đi đã xuất hiện những chùm ca bệnh đồng loạt xảy ra phản ứng.

Theo thống kê của bệnh viện, tỷ lệ bệnh nhân có phản ứng bất thường trong quá trình lọc máu tính từ ngày 6/5 trở lại đây là 5% đến 6% - một con số cao khủng khiếp khiến nhân viên y tế tại khoa, lãnh đạo khoa và ban giám đốc bệnh viện đứng ngồi không yên.

Lãnh đạo BVĐK tỉnh Thái Bình: "Chúng tôi báo động quá rồi!"

BSCKII Lại Đức Trí, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Bình khẳng định, đây là tình trạng đáng báo động của bệnh viện.

Ông cho biết, BV nhận thức rất rõ về việc không đảm bảo an toàn, đã báo cáo Sở y tế bằng văn bản và mời Giám đốc Sở tham gia một số cuộc họp của bệnh viện. Bệnh viện cũng chuẩn bị công văn để cấp báo với Bộ Y tế về sự việc.

"Ngay thời điểm tháng 5/2019 chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội, Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế). Bệnh viện Bạch Mai đã cử đoàn chuyên gia xuống làm việc 10 ngày. 

Theo ý kiến chuyên gia, bệnh viện đã khắc phục một số việc  như: thay toàn bộ hệ thống đường ống dẫn nước (hệ thống cũ không đạt yêu cầu); Tiến hành khử khuẩn sục rửa trang thiết bị liên quan tới chạy thận dưới sự giám sát của chuyên gia.

Sau khi, đã hoàn tất các công việc trên các thông số đạt yêu cầu chúng tôi đã tiếp tục cho bệnh nhân chạy tiếp. Tuy nhiên, diễn biến rất phức tạp sau 3-4 ngày bệnh nhân lại xuất hiện rải rác tại thời điểm xen kẽ, không có quy luật. 

Chúng tôi cũng đã thống kê để xem tình trạng bất thường của bệnh nhân rơi vào ca chạy, máy nào để tìm ra quy luật do yếu tố nào để tìm nguyên nhân. Quá trình thống kê chúng tôi thấy có sự không đồng nhất, việc tìm nguyên nhân là rất khó. Tiếp đó chúng tôi có báo cáo sở y tế để xin chỉ đạo vì nhận thấy sự không an toàn cho bệnh nhân chạy thận" - ông Trí cho biết.

ThS.BS Lê Thị Phương, Trưởng Khoa Thận nhân tạo cũng cho biết, bệnh viện đã cố gắng khắc phục bằng mọi cách nhưng vẫn còn hiện tượng rét run của bệnh nhân. Mọi biện pháp áp dụng đều chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn, lâu nhất là được 10 ngày.

Gần đây nhất, được sự tư vấn của các chuyên gia, bệnh viện đã tiến hành thay toàn bộ quả lọc của máy thận. Từ hôm đó đến nay đã được 1 tuần không còn hiện tượng bất thường nhưng các bác sĩ vẫn đang tiếp tục theo dõi và chưa dám khẳng định điều gì chắc chắn cả.

Nguy cơ nghiêm trọng về chạy thận ở Thái Bình: Bất lực thực sự! Chúng tôi báo động rồi! - Ảnh 4.
Nguy cơ nghiêm trọng về chạy thận ở Thái Bình: Bất lực thực sự! Chúng tôi báo động rồi! - Ảnh 5.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cho biết, kể từ khi xảy ra hiện tượng nhiều bệnh nhân có dấu hiệu bất thường, bệnh viện đã tiến hành rất nhiều xét nghiệm nước để tìm nguyên nhân. Kết quả của các xét nghiệm nước đến nay đều có chỉ số tốt, tuy nhiên, một bản xét nghiệm cho thấy nước lấy ở vị trí một số máy thận không đảm bảo an toàn (những chỗ in đậm) - Ảnh BVCC

Bệnh nhân sợ chết nhưng vẫn cần chạy thận, bệnh viện chỉ có thể chọn phương án: "xấu" hoặc "đỡ xấu"

Ngày 19/8, VTV phát một phóng sự ngắn về tình trạng hoang mang của bệnh nhân khi điều trị tại khoa Thận nhân tạo, BV Đa khoa tỉnh Thái Bình. Một số bệnh nhân cho biết, họ gặp tình trạng sốt rất nhiều lần trong thời gian ngắn (5 - 6 lần), nhiều bệnh nhân trong cùng ca chạy cũng gặp hiện tượng sốt như họ.

Một bệnh nhân cho biết, dù biết tiếp tục điều trị là không an toàn nhưng do sức khoẻ yếu nên không thể chuyển sang cơ sở y tế khác để điều trị, đành phải chấp nhận "chết cũng phải chịu".

Tiếp xúc với phóng viên báo Trí Thức Trẻ, bệnh nhân Q (35 tuổi, Thái Bình) đã có 9 năm chạy thận chia sẻ trong khoảng thời gian gần đây từ tháng 5/2019 – 8/2019, anh đã có 3 lần bị sốt và rét run. "Khi tôi có tình trạng sốt nóng và rét run bác sĩ đã tiêm thuốc cho tôi (khi đó vẫn chạy lọc máu). Trong 3 lần đó, có 1 lần bác sĩ phải dừng máy chạy thận vì tôi rét nặng", anh Q chia sẻ.

Nguy cơ nghiêm trọng về chạy thận ở Thái Bình: Bất lực thực sự! Chúng tôi báo động rồi! - Ảnh 7.

Bệnh nhân Q

Theo anh Q, anh đã được bệnh viện thông tin hệ thống chạy thận đang không an toàn, bác sĩ có giải thích và khuyên anh tìm cơ sở khác. Tuy nhiên, sức khoẻ yếu điều kiện của anh không cho phép đi xa và cũng không tìm được cơ sở khác tiếp nhận.

PGĐ Bệnh viện Thái Bình: Người nhà tôi cũng đang chạy thận trên khoa...

- Phóng viên hỏi: Thưa ông, nếu người nhà của ông đang phải chạy thận chu kỳ nhưng hệ thống chạy thận của bệnh viện không đảm bảo an toàn và chưa tìm ra nguyên nhân, liệu ông có cho người nhà của mình chạy thận không?

Ông Lại Đức Trí, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Bình: Nếu như tôi liên hệ được hoặc có một nơi khác tiếp nhận người nhà của tôi, thì tôi sẽ chọn phương án chuyển đi nơi khác.

Không phải "nếu" mà trên thực tế, tôi cũng đang có người nhà chạy thận trên khoa, đã liên hệ với các bệnh viện khác nhưng các nơi đó đều đã ở trong tình trạng chạy hết ca. Thế là họ đã hỏi ý kiến của tôi.

Tôi khuyên, nếu đi được thì tốt, không đi được nếu chọn phương án không chạy thì sẽ nguy hiểm, còn nếu chạy chưa an toàn. Tôi cũng chỉ hỗ trợ được vậy, không thể hỗ trợ được hơn.

Nhưng chúng tôi vẫn thấy vẫn còn loé lên các thông số an toàn và đã chuẩn bị phương án. Trong cả hai tình huống xấu tôi khuyên người nhà tôi chọn phương án đỡ xấu hơn.

"Bệnh nhân thận mãn tính như chúng tôi đã mắc bệnh thì phải phó thác tất cả cho bác sĩ. Chúng tôi coi bệnh viện là nhà, bác sĩ là người thân chúng tôi đã ở đường cùng rồi không chạy thì chết".

Trường hợp D (62 tuổi) bệnh nhân chạy thận được 6 năm tại Bệnh viện đa khoa Thái Bình cũng chưa từng gặp triệu chứng sốt và rét run. Chỉ khoảng thời gian gần đây, ông D mới bị triệu chứng sốt và rét run.

Ông Lại Đức Trí, PGĐ Bệnh viện, cho biết bệnh viện đã họp hội đồng người bệnh và thông báo rất rõ hiện nay bệnh viện đã làm rất nhiều giải pháp, khắc phụ theo hướng tư vấn của chuyên gia nhưng chưa dứt được các triệu chứng bất thường ở bệnh nhân.

"Chúng tôi đã thông báo những vấn đề có thể xảy ra với người bệnh nếu chạy thận. Đồng thời bệnh viện có hướng dẫn bệnh nhân nếu có quê ở địa bàn khác có đơn bị lọc máu, bệnh viện sẽ giúp đỡ liên lạc về địa bàn để họ được chạy thận.

Bệnh viện đã luôn khuyến cáo bệnh nhân chạy thận nhân tạo đi nơi khác và tạo điều kiện cho bệnh nhân đi. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân  đi các cơ sở khác là không nhiều. Trong số 210 bệnh nhân đang điều trị tại đây, chỉ có 5 bệnh nhân chuyển đi".

Trước câu hỏi, vì sao không đảm bảo được an toàn cho người bệnh mà không đóng cửa khoa Thận nhân tạo để khắc phục triệt để, ông Trí cho biết không thể làm việc đó vì không có nơi nào tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo có đặc thù 1 tuần phải chạy 3 lần/tuần. Nếu đóng cửa khoa để chờ tìm ra nguyên nhân bệnh nhân sẽ không thể chờ được.

Trước sự lựa chọn hẹp chỉ có 2 phương án "xấu" và "xấu hơn", Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã lựa chọn phương án "đỡ xấu" là tiếp tục mở cửa đón bệnh nhân nhưng đưa ra một bản cam kết: Nếu bệnh nhân chấp nhận tiếp tục lọc máu tại bệnh viện thì phải chấp nhận mọi rủi ro xảy ra, còn nếu không có thể chuyển sang điều trị tại cơ sở khác. 

Tuy nhiên, như đã phản ánh ở trên, nhiều bệnh nhân nhận thức được tình trạng nguy hiểm nhưng vẫn chấp nhận ở lại.

Bệnh viện kêu cứu, Sở Y tế Thái Bình: "Chúng tôi vẫn kiểm soát được tình hình"

PV: Ông đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiều bệnh nhân gặp dấu hiệu bất thường khi lọc máu chu kỳ tại khoa Thận nhân tạo, BV Đa khoa tỉnh Thái Bình?

Ông Phạm Văn Dịu, giám đốc Sở Y tế Thái Bình: Sau khi xác định có nhiều bệnh nhân có hiện tượng sốt nhẹ, rét run, Thái Bình đã làm hết sức là mời chuyên gia của bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Thận Hà Nội, viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) về tư vấn và tìm giải pháp. Hiện tại ngành y tế Thái Bình vẫn đang kiểm soát tốt được tình hình.

Các dấu hiệu theo dõi ghi nhận được chưa có gì là nguy cơ, chỉ có người hơi rét, người rét hơn một chút, có người hơi sốt… quan trọng là phải theo dõi để xử lý kịp thời. Sở Y tế đã chỉ đạo tăng cường nhân lực để theo dõi bệnh nhân, nếu có trường hợp xấu xảy ra có thể xử lý kịp thời. Quan trọng nhất là xử lý kịp thời, nếu để quá ra thì tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng.

PV: Thưa ông, tuy khẳng định đang kiểm soát tốt tình hình, nhưng rủi ro y tế vẫn có thể xảy ra, nhất là trong điều kiện không đảm bảo được an toàn điều trị như phía BV công nhận. Trong trường hợp xảy ra tình huống xấu ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân, ông có lo ngại nhân viên y tế của mình sẽ phải đối diện với các vấn đề pháp lý giống như vụ tai biến chạy thận ở Hoà Bình không?

Ông Phạm Văn Dịu, giám đốc Sở Y tế Thái Bình: Đúng là không thể nói trước được, nhưng chúng tôi đã rút kinh nghiệm từ Hoà Bình nên ngay quy trình chúng tôi đã làm hết sức chặt chẽ từ các khâu chỉ định, giám sát… đều đúng với quy trình, định hướng. Thứ 2 chúng tôi cũng sẵn sàng trong vấn đề xử lý tình huống xảy ra. Thứ 3, chúng tôi sẽ sớm tiến hành bỏ hệ thống chạy thận cũ đi, thay mới toàn bộ vì tìm nguyên nhân rất khó. Thứ 4 là chúng tôi lúc nào cũng có chuyên gia hỗ trợ. Với tinh thần như vậy, tôi tin là tình hình sẽ ổn.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại