Hoda Kotb, nhà báo từng đoạt giải thưởng và là biên tập viên của chương trình Today thuộc đài NBC (Mỹ) rất thích chụp ảnh tự sướng.
Cô thường xuyên chụp ảnh với các đồng nghiệp, những người nổi tiếng, người thân, đặc biệt là bạn trai để đăng tải lên mạng xã hội Instagram.
Vì thế, nói về độ chuyên nghiệp trong việc tạo dáng chụp ảnh tự sướng, không ai có thể vượt nổi Hoda. Cô biết chọn góc chụp đẹp nhất như cằm hơi cúi, máy ảnh ở phía trên đầu và luôn để hở răng.
Nhà báo Hoda Kotb thường xuyên chụp ảnh tự sướng để đăng lên Instagram.
Những ngày gần đây, cô thấy đau cùi chỏ.
"Tôi đi khám ở bác sĩ chỉnh hình và ông ấy hỏi liệu tôi có chơi tennis hay bóng bàn không. Tôi trả lời không, tôi chỉ selfie thôi", Kotb kể.
Và vị bác sĩ kết luận cô bị đau cùi chỏ do nghiện chụp ảnh tự sướng. Ông chỉ khuyên nữ nhà báo chườm đá và tập thể dục khuỷu tay.
"Khi bạn chụp một bức ảnh, cánh tay phải dơ cao lên, sau đó là gập lại một cách bất bình thường. Và bạn chỉ bấm, bấm, bấm và chỉ nghĩ mất khoảng 20, 30 hay 40 giây mà thôi. Nhưng thế cũng đủ gây ra hội chứng cùi chỏ tự sướng", cô nói.
Hiểm họa khôn lường của việc phong trào chụp ảnh tự sướng
Ngày nay, xu hướng chụp ảnh tự sướng ngày càng lan rộng, đặc biệt là ở giới trẻ.
Với những cô gái ở độ tuổi 16-25, họ dành trung bình khoảng 5 giờ chụp ảnh tự sướng cho 1 tuần. Trung bình, 1 ngày, có khoảng 93 triệu bức ảnh tự sướng được thực hiện.
Thế nhưng các chuyên gia cảnh báo đã đến lúc xếp nó vào danh sách rủi ro mà mạng xã hội mang đến cho sức khỏe con người.
Đau cùi chỏ
Bị hội chứng "cùi chỏ tự sướng" là do sử dụng khuỷu tay quá nhiều
Theo bác sĩ Jordan Metzl, chuyên gia y tế thể thao tại Bệnh viện New York, Mỹ, bạn bị hội chứng "cùi chỏ tự sướng" do sử dụng khuỷu tay quá nhiều như đánh máy, nhắn tin và đặc biệt là chụp ảnh selfie.
Tất cả các hoạt động này đều để lại hậu quả, giống như bị viêm gân hoặc đau cổ tay.
"Về cơ bản, tương tác quá mức giữa thiết bị điện tử và cơ thể con người dẫn đến chấn thương. Điều đó có nghĩa nếu làm gì đó quá nhiều, bạn sẽ bị đau đớn.
Khi sử dụng điện thoại di động quá nhiều, chúng ta sẽ bị viêm gân ngón cái vì bấm điện thoại liên tục. Nếu chơi tennis quá nhiều, bạn sẽ bị đau cùi chỏ tennis. Tương tự, chụp ảnh tự sướng cũng gây ra cơn đau như thế", bác sĩ Metzl giải thích.
May mắn thay, phương pháp điều trị hội chứng "cùi chỏ tự sướng" tương đối đơn giản. Những người thường xuyên selfie có thể chườm đá với tập kéo giãn nhẹ nhàng, có thể uống thuốc giảm đau nếu tình trạng nghiêm trọng.
Còn cách phòng bệnh là hãy cân bằng sức nặng ở trên cánh tay.
"Mỗi lần chụp ảnh, bạn hãy nâng phần cùi chỏ lên cao một chút hoặc khởi động để làm nóng cơ bắp để đỡ đau hơn", bác sĩ Metzl đùa vui.
Lão hóa da
Các nhà nghiên cứu phát hiện anh sáng HEV là ánh sáng màu xanh phát ra từ các thiết bị như điện thoại, máy tính xách tay hay máy tính bảng gây hại cho da nguy hiểm như các tia UVA và UVB.
Nghiêm trọng hơn, ánh sáng HEV còn có khả năng xuyên qua da mạnh hơn cả tia tử ngoại, nên các loại kem chống nắng hiện nay đều trở nên vô tác dụng trước tác nhân nguy hiểm này.
Vì thế, những người hay chụp ảnh tự sướng sẽ gặp nguy cơ bị lão hóa da nhanh hơn.
Tử vong
Tuy nhiên, đó chỉ là hậu quả "nhẹ nhàng" mà phong trào chụp ảnh tự sướng gây ra. Theo một thống kê gần đây, riêng năm 2014, có 49 người trên thế giới chết vì selfie, trong đó, hơn 73% là nam giới, ở độ tuổi 21.
Đó là lý do vì sao, theo các nhà nghiên cứu, tỉ lệ người chết vì chụp ảnh tự sướng còn nhiều hơn số người bị cá mập tấn công chết người năm 2015.
* Tổng hợp từ nhiều nguồn