Đã 6 đời tổng thống Mỹ có ý tưởng lập lực lượng không gian và theo thời gian, chiến lược này đã nhiều lần được điều chỉnh nhưng tư tưởng xuyên suốt vẫn là phải xây dựng được một lực lượng tác chiến vũ trụ mạnh, đủ sức bảo đảm an ninh cho nước Mỹ trong mọi tình huống.
Quân chủng mới có nhiệm vụ tấn công từ trên không gian các mục tiêu mặt đất và đánh chặn các tên lửa đạn đạo của đối phương, kiểm soát được toàn bộ không gian ngoài Trái Đất, hình thành quyền lực tuyệt đối bá chủ không gian vũ trụ.
Tổng thống Trump và Sắc lệnh thành lập Quân chủng Vũ trụ Mỹ. Ảnh: Reuters.
Dưới thời Tổng thống Trump, ý tưởng thành lập Quân chủng Vũ trụ được công khai từ giữa năm 2018, tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, quân chủng thứ 6 của các lực lượng vũ trang Mỹ (sau Lục quân, Hải quân, Không quân, Lính thủy đánh bộ, và Tuần duyên) mới chính thức hình thành.
Theo Đạo luật An ninh Quốc gia về năm tài khoá 2019, Lầu Năm Góc sẽ hoàn thiện và triển khai các công trình phục vụ cho việc phát triển Quân chủng vũ trụ và kết thúc vào năm 2022.
Đạo luật trên cũng chỉ rõ sự cần thiết và cấp bách trong việc nghiên cứu các loại vũ khí triển khai sẵn ở ngoài vũ trụ, bay lơ lửng trên đầu các quốc gia được Mỹ coi là mối đe doạ như Iran hay Triều Tiên và sẵn sàng tấn công phủ đầu khi cần.
Nhà Trắng cho rằng việc lập Lực lượng Không gian là cần thiết bởi các đối thủ của Mỹ, nhất là Nga và Trung Quốc đang tạo ra sự đe dọa an toàn không gian, chế tạo vũ khí để ngăn chặn, phá hoại các vệ tinh chuyên dụng của Mỹ trên quỹ đạo.
Các vệ tinh không gian giúp theo dõi lực lượng đối phương, chụp ảnh do thám và phát hiện các vụ phóng tên lửa; nếu mất chúng, việc chiến đấu dưới mặt đất sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Giúp Mỹ tăng uy lực quân sự
Ý tưởng thành lập lực lượng không gian của ông Trump nhận được sự ủng hộ của nhiều chính khách Mỹ.
Theo Cơ quan nghiên cứu chiến lược Mỹ (RAND), việc thành lập Quân chủng Vũ trụ sẽ giúp quân đội Mỹ khắc phục hạn chế cơ cấu tổ chức chỉ huy phân tán; Tổng thống Trump sẽ kiểm soát tốt hơn các lực lượng vũ trang; nâng cao năng lực tiến công nhanh trên phạm vi toàn cầu nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho Mỹ và đồng minh; giúp Mỹ mở rộng lực lượng quân sự, duy trì vị thế bá chủ thế giới.
Theo một số chuyên gia quân sự, quân đội Mỹ cần duy trì ưu thế trong không gian - điều kiện cần thiết cho hoạt động tác chiến, tương tự cách không quân Mỹ kiểm soát bầu trời trước khi bộ binh tiến vào chiến trường; ưu thế trong vũ trụ của Mỹ có thể bị suy giảm khi lĩnh vực này bị dàn trải. Mặt khác, khai thác vũ trụ giờ không còn là lĩnh vực hòa bình, xung đột trên Trái Đất có khả năng sẽ khơi mào chiến tranh không gian.
Theo văn bản được Trump ký, lực lượng vũ trụ của Mỹ sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo năng lực quân sự của Mỹ trên không gian, bao gồm các vệ tinh để thiết lập Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS), các cảm biến giúp theo dõi các vụ phóng tên lửa, hỗ trợ tác chiến và chiến đấu.
Theo Defense News, bên cạnh ngân sách 2 tỉ USD, khoảng 15.000 người trong các lĩnh vực liên quan sẽ được điều chuyển trong giai đoạn 5 năm đầu. Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, chi phí ban đầu ước khoảng 72 triệu USD nhằm thành lập bộ chỉ huy với 200 nhân sự trong năm 2020. Khi lực lượng được củng cố, ngân sách sẽ tăng lên khoảng 500 triệu USD/năm.
Chiến đấu cơ F-35 thuộc Không quân Mỹ.Ảnh: Wikipedia.
Việc thành lập Quân chủng Vũ trụ gặp không ít chỉ trích từ một số nhà lập pháp và các quan chức quốc phòng Mỹ. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đã công khai phản đối rằng điều này không chỉ làm tăng chi phí mà thậm chí còn có thể giảm hiệu quả tập trung hợp đồng tác chiến giữa các quân chủng.
Bộ trưởng Không quân Wilson, Tham mưu trưởng Không quân Goldfein và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Dunford cho rằng, việc này chỉ lãng phí ngân sách và thời gian, không quân đủ sức thực hiện các nhiệm vụ không gian.
Thực tế là cho tới nay, tuy chưa có quân chủng riêng phụ trách bảo vệ không gian nhưng vẫn có Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ (lập 1982, nằm trong quân chủng Không quân), đặt trụ sở tại căn cứ không quân Peterson ở Colorado, quản lý 30.000 binh sĩ.
Lực lượng này gồm Trung tâm hệ thống Không gian và tên lửa, Cục Quản lý vệ tinh quốc phòng, các đơn vị này sử dụng radar giám sát mọi cuộc phóng tên lửa đạn đạo nhằm ngăn chặn các vụ tập kích nước Mỹ.
Đồng thời, theo nhiều chuyên gia, Quân chủng vũ trụ Mỹ sẽ không dễ hình thành, tiến trình lập quân chủng thứ 6 sẽ không đơn giản.
Ngoài không quân, hải quân Mỹ cũng có một đơn vị không gian - Bộ tư lệnh Hệ thống chiến tranh hải quân và Không gian, lục quân Mỹ có Bộ tư lệnh Phòng thủ tên lửa và Không gian. Việc chuyển đổi trách nhiệm, nhân lực, ngân sách từ Bộ tư lệnh Không gian Không quân sang Quân chủng Vũ trụ cần có sự can thiệp của Quốc hội.
Hiện tại, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ vẫn chưa xác định chính xác những nhiệm vụ cụ thể cũng như thành phần cơ cấu tổ chức và số lượng quân số của Quân chủng Vũ trụ mà Trump muốn thành lập. Các chuyên gia phân tích quân sự quốc tế cho rằng, sẽ có 2 mô hình cho lực lượng mới: 1.
Quân chủng Vũ trụ sẽ được thành lập bên trong lực lượng Không quân Mỹ - có quyền tự chủ ra quyết sách một cách độc lập nhưng vẫn nằm trong Bộ Không quân; 2. Quân chủng Vũ trụ độc lập hoàn toàn với Không quân Mỹ.
Chính quyền Trump vẫn chưa có quyết định cuối cùng là sẽ lựa chọn phương án nào, tuy nhiên, điều quan trọng là người đứng đầu quân chủng mới phải có chân trong Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân thì việc thành lập quân chủng mới này mới có ý nghĩa thực tế.
Thỏa thuận không gian (OST) năm 1967 cấm các nước thành viên, trong đó có Mỹ, triển khai vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt trên quỹ đạo quanh Trái Đất. Các quốc gia cũng không được phép thử vũ khí trên không gian, hay xây dựng căn cứ quân sự trên Mặt Trăng và các hành tinh khác.
Theo tờ National Review, các cực Mặt Trăng là mối quan tâm mang tính khoa học và cả thương mại và cũng rất quan trọng về mặt quân sự ở chỗ, chúng cung cấp một vị trí ổn định để từ đó có thể liên tục "nhìn xuống" Trái Đất. Do đó, chúng sẽ tạo ra một vị trí lý tưởng cho các cảm biến, thậm chí cả vũ khí trong tương lai.
Lo ngại chiến tranh không gian
Việc Mỹ thành lập Quân chủng Vũ trụ làm dấy lên lo ngại về việc quân sự hóa, kích hoạt một cuộc đua vũ trang và thậm chí là chiến tranh không gian. Đài Phát thanh quốc tế Pháp coi đây là phiên bản 2.0 của Dự án Chiến tranh giữa các vì sao của thập niên 80 thế kỷ trước;
Thông tấn xã Đức cho rằng "Mỹ muốn làm siêu cường vũ trụ"; Truyền thông Australia nói Mỹ muốn bố trí vũ khí lên không gian vũ trụ, ngoài việc làm cho loài người lo ngại về bom hạt nhân treo trên đầu, còn dẫn đến sự chấm dứt giấc mơ thám hiểm tầng không gian bên ngoài Trái Đất…
Trong khi Liên Hợp Quốc kiên quyết phản đối quân sự hóa không gian tầng ngoài, việc Mỹ công khai tuyên bố lập Lực lượng Không gian là chỉ dấu mới về cuộc đọ sức quân sự trên không gian vũ trụ.
Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Nga - Tướng Gerasimov chỉ trích ý định của Mỹ sử dụng không gian vũ trụ cho mục đích quân sự là nhằm mục đích tạo điều kiện tiên quyết cho hoạt động quân sự hóa không gian.
Nga cho rằng nếu quân chủng mới thành lập của Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên vũ trụ, nhân loại có thể đối mặt thảm họa diệt vong.
Theo nhận định của Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng Nga Korotchenko, Mỹ đang có một kế hoạch khác - muốn kích thích sự cảnh giác của những đối thủ và gây ra một cuộc đua vũ trang mới, khốc liệt hơn. Đặc biệt, Mỹ cần cuộc chạy đua vũ trang mới để khiến kinh tế Nga và Trung Quốc phải theo đuổi và kiệt sức.
Korotchenko cho rằng, sự xuất hiện Lực lượng Vũ trụ của Mỹ là mối đe dọa không chỉ đối với Nga mà đối với toàn thế giới, bởi Mỹ sẽ đưa các thiết bị kỹ thuật quân sự vào vũ trụ, sử dụng chiến thuật mới để kiểm soát từ quỹ đạo và tiến hành triển khai các hệ thống vũ khí có độ chính xác cao mới có thể xóa sổ các mục tiêu trên mặt đất.
Còn Sputnik lưu ý, Hiệp ước quốc tế về Cấm triển khai vũ khí nguyên tử trên vũ trụ vẫn đang có hiệu lực, Mỹ có khả năng vi phạm hiệp ước này khi thành lập Lực lượng Vũ trụ.
Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) cho rằng, hành động của Mỹ là độc nhất vô nhị, không chỉ nhằm từ trên không gian tấn công các mục tiêu ở mặt đất và đánh chặn các tên lửa của đối phương mà còn có dã tâm bá chủ toàn bộ tầng không gian bên ngoài Trái Đất, từ không gian chinh phục các nước khác. Trung Quốc lập tức chủ trương nghiên cứu về mức độ nguy hại mà hành động của Mỹ gây ra.
Đối sách của Trung Quốc dựa trên nguyên tắc: từ bỏ mọi ảo tưởng, kiên quyết phát triển năng lực đáp trả việc Mỹ xác lập bá quyền không gian; không triển khai chạy đua vũ trang không gian toàn diện với Mỹ.
Việc Mỹ lập quân chủng mới có thể dẫn đến cuộc cách mạng về công nghệ không gian, Trung Quốc cần điều động cả lực lượng nhà nước lẫn lực lượng dân gian cùng dốc sức nghiên cứu công nghệ đó.
Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, một điều chắc chắn là vũ trụ sẽ trở thành vị trí trung tâm trong lĩnh vực đảm bảo an ninh quốc gia của các nước. Khi Mỹ áp dụng các bước đi mới để mở rộng các khả năng của mình trên vũ trụ, các quốc gia khác sẽ thực sự có thái độ nghiêm túc với động thái này của Mỹ.
Cuộc đua mới trong lĩnh vực vũ trụ có thể sẽ chỉ xuất hiện trong tương lai nhưng chắc chắn động thái của Mỹ sẽ khiến các quốc gia khác thúc đẩy chương trình vũ trụ riêng của mình. Sớm hay muộn, loài người cũng sẽ chứng kiến cuộc "chạy đua vũ trụ 2.0".