Nguy cơ chiến tranh không gian Nga – Mỹ và những hậu quả không tưởng

Đức Trí |

Thời gian qua, Nga và Mỹ đã “ngầm” phô diễn một kịch bản về chiến tranh không gian, hậu quả của cuộc chiến này có thể sẽ làm con người trở về thời kỳ nguyên thủy.

Gần đây, các phương tiện truyền thông Nga đã phân tích về viễn cảnh chiến tranh giữa Nga và Mỹ trên lĩnh vực không gian và mạng, điều này làm dấy lên sự chú ý của thế giới. Theo báo cáo, cả hai bên đang đẩy mạnh để giành được đỉnh cao công nghệ trong lĩnh vực này, hoặc lên kế hoạch phát động các cuộc chiến tranh quy mô nhỏ, cường độ thấp trong không gian và có sự kiềm chế.

Sự hủy diệt tương tự như chiến tranh hạt nhân

Nga và Mỹ là những quốc gia đầu tiên trên thế giới công khai thành lập lực lượng tác chiến không gian và mạng. Trong đó, Nga đã thành lập một bộ chỉ huy lực lượng vũ trụ và một tập đoàn quân không gian để đảm nhận nhiệm vụ trinh sát không gian và quản lý quỹ đạo, cũng như các nhiệm vụ phòng thủ không gian.

Lực lượng vũ trụ Mỹ áp dụng cấu trúc kép "Bộ tư lệnh Lực lượng Không gian – quân đội không gian" để thực hiện các nhiệm vụ như chiến tranh trên quỹ đạo và chiến tranh điện tử trong không gian. Mỹ hiện sở hữu 133 lực lượng đặc nhiệm không gian mạng với tổng số hơn 6.100 người, chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ tấn công và phòng thủ trên không gian mạng.

Nguy cơ chiến tranh không gian Nga – Mỹ và những hậu quả không tưởng - Ảnh 1.

Nguy cơ chiến tranh không gian Nga – Mỹ và những hậu quả không tưởng

Theo truyền thông Nga, cả hai nước đều đã thành lập lực lượng chuyên nghiệp, mặc dù đều quảng cáo là nhằm “nâng cao khả năng phòng thủ quốc gia”, nhưng trên thực tế, cả hai đều "công khai hoặc bí mật" thực hiện các hoạt động tác chiến không gian.

Hiện tại, Hiệp ước về không gian bên ngoài là văn bản pháp lý duy nhất có sự ràng buộc chính thức đối với các hoạt động quân sự không gian, Hiệp ước này đã hạn chế việc chế tạo vũ khí trong lĩnh vực không gian, nhưng trong lĩnh vực không gian mạng thì chỉ dựa trên "quy tắc ngầm" được chấp nhận giữa các bên cạnh tranh.

Các chuyên gia Nga phân tích rằng, dựa trên "những ràng buộc mong manh", một khi hai nước "kéo dài" cuộc chiến ra không gian rộng lớn ngoài vũ trụ thì sức tàn phá của nó tương tự như một "cuộc chiến tranh hạt nhân".

Truyền thông Nga đã đưa ra một số kịch bản có thể xảy ra. Trong số đó, các cuộc tấn công mạng do xung đột thông thường và chiến tranh không gian là "rủi ro nhất". Trong chiến trường không gian, các cuộc tấn công vào các vệ tinh viễn thám, dẫn đường và liên lạc sẽ hoàn toàn là nguyên nhân gây ra chiến tranh.

Sau khi một bên bị tấn công mất "tài nguyên không gian chiến lược", bên đó có thể sử dụng các phương tiện bao gồm cả lực lượng hạt nhân để trả đũa. Đồng thời, "rác thải chiến trường không gian” cũng không thể kiểm soát được và điều này sẽ gây ra một thảm họa khác.

Không gian mạng là một chiến trường đặc thù, "ngọn lửa chiến tranh" có thể bùng phát đến tất cả các cơ sở hạ tầng quan trọng như lưới điện, giao thông, tài chính… Cuộc chiến này chỉ diễn ra trong chớp nhoáng, khi toàn bộ bị tê liệt, con người có thể phải đối mặt với thời kỳ nguyên thủy.

Đối kháng có giới hạn

Theo báo cáo, Nga và Mỹ có thể duy trì kiềm chế và quản lý các hành vi trên chiến trường thông qua phương thức răn đe, cảnh báo. Thời gian qua, hai nước đã "ngầm" phô diễn kịch bản về một cuộc chiến không gian song phương trước thế giới. Mỹ đang thực hiện chuyến bay thử nghiệm của máy bay chiến đấu không gian X-37B trnee quỹ đạo lần thứ 6.

Máy bay này có thể hoàn thành việc thay đổi quỹ đạo nhanh chóng và cơ động ở độ cao từ 200 km đến 750 km, đồng thời đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo, thời gian hành trình trên quỹ đạo có thể đạt 2 năm. Trong khi đó, Nga tuyên bố rằng vũ khí laser Peresvet có thể phá hủy vệ tinh của đối phương ở không gian ngoài trái đất.

Với tư cách là cường quốc vũ trụ, Nga và Mỹ có nguồn tài nguyên dồi dào về không gian, và sự đối đầu quy mô lớn không nằm trong lợi ích cốt lõi của hai nước. Suy cho cùng, một khi xảy ra chiến tranh không gian, nhân loại sẽ thụt lùi trong nhiều thập kỷ. Đây là điều mà không bên nào muốn thấy.

Còn trong lĩnh vực không gian mạng, hai nước sẽ tiếp tục duy trì hình thái đối đầu, nhưng chỉ ở bên “miệng hố chiến tranh”.

Các chuyên gia Nga cho rằng, Mỹ sẽ không phát động tấn công mạng nhằm vào Nga, chủ yếu là do nước này “không muốn xé rách mặt” với Nga và “trình độ kỹ thuật vẫn đang gặp phải một nút thắt lớn”. Việc Nga kiên quyết “trộn lẫn” chiến tranh mạng với chiến tranh thông tin, chiến tranh điện tử và chiến tranh hỏa lực là một cách thức quan trọng để thể hiện sức mạnh trước Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại