17h20 phút ngày 5/5/2016, chủ nhiệm khoa răng bệnh viện Nhân dân tỉnh Quảng Đông - bác sĩ Trần Trung Vĩ bị bệnh nhân cũ chém trọng thương ngay tại nhà với hơn 30 nhát dao trên khắp cơ thể.
Đến ngày 7/5, bệnh viện trên ra thông báo dù đã được toàn thể bác sĩ trong viện tham gia cấp cứu nhưng người này vẫn không qua khỏi và đã qua đời.
Trước đó, vào ngày 21/3/2106, một bác sĩ khác ở tỉnh An Huy cũng đã bị một bệnh nhân chém trọng thương sau đó tử vong trong bệnh viện.
Bác sĩ Trần Trung Vĩ đã tử vong sau 2 ngày bị bệnh nhân cũ chém hơn 30 nhát lên người.
Đối với phần lớn các y bác sĩ tại Trung Quốc, sự việc mới nhất vừa xảy ra với bác sĩ Trần là một sự uy hiếp lớn đến tinh thần của họ. Nhiều người hoang mang sau này, nếu không may phải đối mặt với những vụ việc bạo lực như thế, họ cần phải làm gì?
Vấn đề này đã được báo chí Trung Quốc nêu bật một cách nghiêm túc trong vài ngày trở lại đây: Nếu bi kịch tương tự tái phát, các y bác sĩ cần làm gì để bảo vệ an toàn tính mạng?
Hiệp hội bác sĩ Trung Quốc mới đây đã công bố một báo cáo cho hay, có đến 60% nhân viên hoạt động trong ngành y ở Trung Quốc từng gặp phải các tình huống bạo lực ở các mức độ khác nhau liên quan đến yếu tố ngành nghề.
Bạo lực ở đây bao gồm cả bảo lực về ngôn ngữ và cả những tổn thương về mặt thể xác và vấn đề này vẫn đang tái diễn một cách trầm trọng.
Chưa bao giờ, báo chí Trung Quốc dồn dập đưa tin về các vụ bạo lực trong môi trường y tế nhiều và gay gắt như hiện nay.
Làm thế nào để giảm thiểu hoặc loại bỏ vấn đề bạo lực đối với nhân viên ngành y, đồng thời duy trì được y đức, tinh thần trách nhiệm với nghề, với người bệnh trong trạng thái luôn phải làm việc dưới áp lực cao?
Đó chính là một thách thức không hề nhỏ đối với mỗi y bác sĩ ở Trung Quốc trong lúc này.
Ảnh minh họa cho thực trạng y bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tấn công tại Trung Quốc hiện nay.
Dự đoán, phản ứng nhanh trước nguy cơ giúp Mỹ giảm thiểu được 80% ca bạo lực y tế
Có đến 77,02% các bác sĩ khoa thần kinh ở Trung Quốc cho rằng môi trường y tế hiện nay rất kém và 73,5% số bác sĩ từng đối mặt với các vụ việc bạo lực. Đây là kết quả của một cuộc điều tra được thực hiện với các bác sĩ nội khoa thần kinh ở Trung Quốc, công bố hồi năm 2015.
Từ những con số này, có thể thấy rằng đối với một cán bộ y tế, ngoài chức trách chữa bệnh cứu người, “phòng ngừa bạo lực” dường như cũng đang trở thành một phần công việc quan trọng không thể tách rời.
Thực tế phũ phàng này cũng đang thể hiện một bị kịch lớn trong quan hệ giữa bác sĩ và người bệnh tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tại Mỹ, cũng với vấn đề tương tự, trong vòng 40 năm qua, việc dự đoán và phản ứng kịp thời đã giúp những người hoạt động trong ngành y ở nước này giảm thiểu được 80% số vụ bạo lực nhằm vào thể xác.
Những bài học về đoán biết ý đồ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, tự vệ... giúp giới y bác sĩ Mỹ giảm thiểu được 80% số vụ bạo lực trong 40 năm qua.
Khi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như: đi lại liên tục, rung đùi, nhịp hô hấp thay đổi..., họ đã hình thành nên những cảm xúc lẫn lộn như lo lắng, sợ hãi, tức giận...
Thế nhưng, bác sĩ hầu như khó có thể chú ý đến những biểu hiện nhỏ đó nên bạo lực sẽ không được kiểm soát sớm.
Trên thực tế, trong quá trình hình thành nguy cơ rủi ro, các bác sĩ hoàn toàn có thể áp dụng nhiều biện pháp để hóa giải tình huống nguy hiểm nếu họ được dạy cách ứng phó với nguy hiểm một cách bài bản.
Bồi dưỡng kiến thức hóa giải nguy cơ rủi ro cho bác sĩ
“Sự việc như thế này, tôi đã từng gặp nhiều lần. Thậm chí, tôi cũng đã từng cùng người nhà bệnh nhân lên đồn công an để giải quyết tranh chấp. Chúng tôi đã giải thích cho người nhà bệnh nhân về những khúc mắc trong quá trình chữa bệnh cứu người.
Bệnh viện không phải là nơi có thể đảm bảo tính mạng cho tất cả mọi người nhưng họ không chịu hiểu và lẽ tất nhiên, tranh chấp đã nổ ra”, bác sĩ Triệu Tính Tuyền - Chủ nhiệm nội khoa thần kinh bệnh viện Thiên Đàn, Bắc Kinh cho hay.
Một buổi bồi dưỡng kỹ năng dành cho các bác sĩ nhằm đối phó với các nguy cơ phi bạo lực từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại bệnh viện Thiên Đàn, Bắc Kinh.
“Rất nhiều bác sĩ bị đánh nhưng không biết cách tránh. Đây là một thiếu sót nghiêm trọng. Các bác sĩ tối thiểu cần có ý thức tự bảo vệ mình chứ không phải là hi sinh thân mình để hòa giải xung đột”, bác sĩ Triệu cho biết thêm.
Trước vấn đề trầm trọng đang xảy ra, nhà chức trách cũng như giới y bác sĩ ở quốc gia đông dân nhất thế giới lập tức nghĩ đến những bài học cơ bản nhằm đối phó với bạo lực bộc phát.
Các bác sĩ Trung Quốc hiện rất cần được bồi dưỡng cả những kỹ năng đối phó cơ bản trong tình huống cấp thiết để bảo toàn tính mạng.
Có lẽ không thừa nếu không muốn nói là vô cùng cần thiết khi các tân sinh viên trường y vừa chân ướt chân ráo bước chân vào giảng đường trường đại học.
Song song với kiến thức y thuật, kiến thức ứng phó nhanh với những rủi ro bất chợt cũng cần được đẩy mạnh từ giảng đường đến bệnh viện. Có như vậy, các y bác sĩ ở Trung Quốc mới đảm bảo có thể tránh được những bi kịch như vừa xảy ra với bác sĩ Trần Trung Vĩ.