Nếu không làm được điều này thì có rủi ro Mỹ và Trung Quốc có thể leo thang đến mức xung đột quân sự.
Nguy cơ thảm họa Mỹ-Trung ở tầm thế chiến
"Trừ khi có một số nền tảng hợp tác, nếu không thế giới sẽ rơi vào một thảm họa có thể sánh với Thế chiến I," ông Kissinger nói tại phiên khai mạc Diễn đàn kinh tế mới Bloomberg. Ông cho rằng những công nghệ quân sự sẵn có ngày này sẽ khiến khủng hoảng "khó kiểm soát hơn" những thời kỳ trước đây.
"Mỹ và Trung Quốc lúc này đang ngày càng trượt dài về phía đối đầu, và hai nước đang thực thi ngoại giao theo cách thức đối đầu," nhà ngoại giao 97 tuổi nêu. "Điều nguy hiểm là một số khủng hoảng sẽ xảy ra và vượt qua mức độ lời nói, mà diễn biến thành xung đột quân sự thực tế."
Kissinger là người đứng sau những nỗ lực ngoại giao mở đường cho chuyến thăm Trung Quốc lịch sử của Tổng thống Mỹ Richard Nixon vào năm 1972, đưa quan hệ Mỹ-Trung từ đối địch trở lại quỹ đạo hòa xịu, tiến đến bình thường hóa năm 1979. Ông mong rằng mối đe dọa chung từ đại dịch Covid-19 sẽ là mở đầu cho những thảo luận chính trị giữa hai nước sau khi ông Joe Biden nhậm chức ngày 20/1/2021.
Ông Kissinger (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Getty)
Quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, bất chấp song phương đạt được thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" vào tháng 1 vừa qua. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc rồi lan ra toàn cầu, làm chết hơn 1.3 triệu người và làm suy yếu các nền kinh tế trên khắp thế giới, Tổng thống Donald Trump đã leo thang chỉ trích nhằm vào Bắc Kinh.
Căng thẳng Mỹ-Trung cũng dâng cao trong hàng loạt vấn đề khác gồm Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương, tình hình biển Đông và biển Hoa Đông,... Chính quyền Trump mới đây đã áp lệnh cấm đầu tư vào 31 thực thể Trung Quốc bị Washington cáo buộc là có liên hệ với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
"Cách thức đàm phán của ông Trump mang tính đối kháng nhiều hơn..." ông Kissinger từng đánh giá trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của ông Trump. "Điều quan trọng là ông ấy nhấn mạnh mối quan ngại sâu sắc của người Mỹ đối với sự tiến triển không cân bằng của kinh tế thế giới. Tôi cho rằng đây là điều quan trọng, nhưng sau đó tôi sẽ thiên về cách tiếp cận khác biệt hơn."
Cơ chế để duy trì tiếng nói giữa lãnh đạo Mỹ-Trung
Quan hệ lao dốc trong năm nay làm dấy lên nhiều dự báo Mỹ-Trung đang dần sa vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới - Kissinger nói, bổ sung rằng hai nước cần phải "nhất trí rằng dù có bất đồng thế nào, họ cũng không tìm đến xung đột quân sự".
Để đạt được điều này, Mỹ và Trung Quốc cần bắt tay xây dựng "một thể chế, trong đó có một số lãnh đạo mà Tổng thống [Mỹ] tin tưởng và một số lãnh đạo mà Chủ tịch [Trung Quốc] Tập [Cận Bình] tin tưởng, được chỉ định làm đại diện cho nguyên thủ của họ để duy trì liên lạc song phương".
Quan hệ với Trung Quốc có thể là nghị trình chủ chốt của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden. Ông Biden được kỳ vọng tìm ra hướng đi hạ nhiệt căng thẳng trong các lĩnh vực như tương lai công nghệ 5G, tình hình biển Đông hay vấn đề Hồng Kông.
Ông Biden có kinh nghiệm nhiều năm làm việc với phía Trung Quốc, dù vậy thái độ của ông trở nên cứng rắn hơn trong quá trình tranh cử. Ông thường chỉ trích các chính sách quyết liệt của Bắc Kinh tại khu vực, hay thậm chí có đánh giá không tích cực về ông Tập tại cuộc tranh luận ứng viên hồi tháng 2.
Chủ tịch Trung Quốc hồi tuần trước kêu gọi Mỹ-Trung củng cố hợp tác và tránh đối đầu.
"Mỹ và Trung Quốc chưa từng đối mặt với những nước có quy mô tương đương với họ," Kissinger chỉ ra. "Đây là trải nghiệm đầu tiên. Và chúng ta cần tránh diễn biến thành xung đột, cũng như hy vọng đưa tới những nỗ lực hợp tác."
Đánh giá một số đề xuất của ông Biden liên quan đến Trung Quốc, cựu Ngoại trưởng Mỹ thúc giục Washington thận trọng với ý tưởng tạo dựng một liên minh nhằm vào Bắc Kinh.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus