Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội

D.Hải |

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 554 trường hợp mắc sởi, 150 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 158 trường hợp mắc tay chân miệng và 46 trường hợp mắc ho gà.

Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 18 đến 24/3/2019) số ca mắc sốt xuất huyết và ho gà có xu hướng tăng.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 554 trường hợp mắc sởi, 150 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 158 trường hợp mắc tay chân miệng và 46 trường hợp mắc ho gà, nhưng chưa có trường hợp tử vong.

Theo các chuyên gia y tế, chiếu theo quy luật thông thường từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm, dịch bệnh sốt xuất huyết mới xuất hiện. Đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Tuy nhiên, hiện nay mới tháng 3 nhưng dịch bệnh sốt xuất huyết đã gia tăng.

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội - Ảnh 1.

Sở Y tế Hà Nội nhận định, tuần qua sốt xuất huyết có dấu hiệu tăng cao, do vậy Sở yêu cầu các quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn không được chủ quan và chủ động lên phương án phòng, chống dịch bệnh.

Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tham mưu cho chính quyền huy động lực lượng và nguồn lực triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh.

Hiện các đơn vị đã tăng cường công tác giám sát côn trùng và giám sát véc tơ truyền bệnh. Qua việc tiếp tục giám sát tại 24 điểm nguy cơ trong tuần qua cho thấy, hiện các chỉ số lăng quăng, bọ gậy và muỗi truyền bệnh còn ở ngưỡng thấp.

Bộ Y tế khuyến cáo cho mọi người dân, mỗi hộ gia đình chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

- Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại