Năm 1998, bộ phim Hoàn Châu cách cách từng khắc họa thành công nhân vật Lệnh Phi. Bà được miêu tả là người nhân hậu, thông minh, luôn giúp đỡ Tử Vy cùng Tiểu Yến Tử. Gần đây, Diên Hi công lược ra mắt, nhân vật Lệnh Phi lại chiếm được tình cảm của khán giả nhờ tài trí hơn người.
Sau những lần được tái hiện trên màn ảnh, trong mắt khán giả Lệnh Quý Phi là phi tần được nhiều sủng ái từ hoàng đế. Những năm cuối đời, bà là người được lòng Càn Lòng nhất.
Lệnh Phi chưa được phong hậu khi còn sống.
Thế nhưng một câu hỏi đến giờ vẫn khiến nhiều chuyên gia sử trăn trở: “Vì sao Càn Lòng không lập Lệnh Phi thành hoàng hậu sau khi hai hoàng hậu tiền nhiệm không còn?”.
Bí ẩn giai đoạn là cung nữ
Trong Thanh sử, Lệnh Quý Phi là Hiếu Nghi Thuần hoàng hậu. Nhưng thời gian còn sống, bà chưa bao giờ được phong hậu. Bà được lập hậu sau khi con trai là Vĩnh Diêm đăng cơ lấy hiệu Gia Khánh.
Lệnh Phi (Ngụy Giai Thị, tức nhân vật Ngụy Anh Lạc trong Diên Hi công lược) sinh năm 1727, năm Ung Chính thứ năm. Xét về tuổi tác, bà kém Càn Long 16 tuổi. Cha bà là Ngụy Thanh Thái, nội quản lĩnh. Gia đình bà chỉ thuộc tầng lớp nô bộc phục vụ hoàng thất.
Theo một số ghi chép sử sách, Ngụy Giai Thị thuộc về nội vụ phủ nên vào cung theo diện cung nữ. Theo quy định thời Càn Long, cung nữ nhập cung phải có độ tuổi từ 13 đến 17. Nhiều nhà sử học cho rằng đây cũng là giai đoạn Ngụy Giai Thị tiến cung.
Ngụy Anh Lạc từng là cung nữ 4 năm.
Các nhà sử học cũng cho rằng bà từng hầu cận ở cung của hoàng hậu lúc bấy giờ là Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu.
“Hiện nay, không có nhiều ghi chép để lại về việc Lệnh Phi từng làm cung nữ. Nhưng trong ngự bút để lại của Càn Long trên lăng mộ Hiếu Hiền Hoàng hậu có viết Ngụy Giai Thị là bạn của Hoàng hậu. Đây có lẽ là lý giải cho giai đoạn cung nữ của Lệnh Phi”, Baidu cho hay.
Sủng phi 10 năm sinh 6 người con
Ngụy Giai Thị được miêu tả có dung nhan tú mỹ, tấm lòng thiện lương nên sớm được Càn Long yêu mến.
Năm Càn Long thứ 10 (1745), Ngụy Giai Thị chính thức trở thành phi tử hoàng đế. Bà được phong là Quý Nhân và sau đó là được lập “Tần”. Năm đó, chỉ có ba người được Càn Long phong tần.
Năm Càn Long thứ 13 (1748), bà được tấn phong là Lệnh Phi. Thời gian bà được sắc phong từ “tần” đến “phi” vẻn vẹn có ba năm.
Chữ Lệnh được lấy theo nghĩa “kinh thi phong nhã” với hàm ý khen Nguy Giai Thị đẹp người đẹp nết.
Năm Càn Long thứ 25, bà trở thành Quý Phi. 5 năm sau, Lệnh Phi chính thức trở thành hoàng quý phi. Lúc này, Hiếu Hiền hoàng hậu đã qua đời từ lâu. Kế hoàng hậu bị thất sủng, đày vào lãnh cung. Càn Long không lập hậu nên mọi việc trong cung đều do Hoàng quý phi quyết định. Bà trở thành người cai quản lục cung trong 10 năm cho đến khi qua đời.
Càn Long yêu nhất là hoàng hậu Phú Sát (Hiếu Hiền hoàng hậu).
Lệnh Phi là phi tần có nhiều con nhất với hoàng đế trong lịch sử Thanh triều. 10 năm bên Càn Long, bà sinh 6 người con, 4 hoàng tử và hai công chúa.
Lệnh Phi qua đời ở tuổi 48. Ngay sau đó, bà được thụy xưng là Lệnh Ý hoàng quý phi. Bà được an táng tại Dụ lăng cung, ngay cạnh lăng mộ của Càn Long.
Di thể của bà sau khi mất còn để lại nhiều nghi hoặc. Năm 1928, nhóm kẻ trộm mộ xâm nhập Dụ lăng đã phát hiện một quan tài ở phía tây được cho là Lệnh Ý Hoàng quý phi. Di thể mặc áo vàng, cơ thể không hư thối, răng chưa rụng hết sau nhiều năm an táng.
Được sủng nhưng tình yêu của đế vương còn là dấu hỏi
Lệnh Phi được hợp táng cùng Càn Long ở địa cung. Bà còn được bồi táng thêm 76 kiện, chỉ kém một kiện so với nghi thức hoàng hậu.
Sau khi bà mất, con trai bà là Vĩnh Diễm được truyền ngôi và trở thành hoàng đế Gia Khánh. Lệnh Ý Hoàng quý phi được truy phong hoàng hậu. Nhưng đến giờ, nhiều ý kiến cho rằng sự sủng ái của Càn Long với Lệnh Phi chỉ là nghĩa khó là tình.
“Càn Long cả đời yêu sâu đậm hoàng hậu đầu tiên, Hiếu Hiền hoàng hậu. Nếu như Càn Long thực tâm yêu Lệnh phi đã không để bà 10 năm sinh 6 người con, càng không bỏ qua tước hiệu hậu. Dù hoàng quý phi là vai vế lớn nhưng vẫn không phải hoàng hậu”, cây viết Sử Hoa nghi hoặc.
Thanh sử biên triều cũng nhận định: “Người Càn Long yêu nhất là hoàng hậu đời thứ nhất, Hiếu Hiền hoàng hậu. Người ông tin cậy nhất là Lệnh Phi”.
Những lý giải vì sao Lệnh Phi chưa bao giờ được phong hậu còn là dấu hỏi lớn với lịch sử Thanh triều.
Nhiều ý kiến giải thích về việc Càn Long không phong hậu cho Ngụy Giai Thị. Đầu tiên là gốc gác của bà. Tổ tiên bà vốn thuộc Hán quân tương hoàng kỳ. Sau đó được cất nhắc gia nhập Tương Hoàng Kỳ Mãn Châu (nhà Thanh). Với xuất thân là người Hán cộng thêm gia thế hạng nô bộc, Lệnh Ý hoàng quý phi khó có thể trở thành hậu tại Thanh triều.
Lịch sử nhà Thanh cho thấy Hiếu Ý Nhân hoàng hậu với xuất thân nhà Hán cũng không được phong hậu khi được sủng ái. Bà là hoàng hậu thứ ba của Khang Hi, được truy phong một ngày trước khi qua đời. Trước đó, nhiều năm bà chỉ là Hoàng quý phi.
Cũng có luồng ý kiến cho rằng Càn Long ở thế bảo vệ cho hoàng đế tương lai nên không sắc phong Ngụy Giai Thị. Càn Long có nhiều con trai và các cuộc tranh đấu ngôi vị giữa các hoàng tử là rất lớn. Việc để Lệnh Phi thành hoàng hậu có thể khiến Vĩnh Diễm rơi vào thế nguy hiểm.
“Càn Long cho rằng lập Thái tử quá sớm đối với quốc gia mà nói hại nhiều hơn lợi. Nếu lập Lệnh Phi làm hoàng hậu cũng ngầm ý nói Vĩnh Diễm tương lai thành Thái tử. Càn Long không muốn bại lộ chuyện này khiến hai mẹ con rơi vào đấu tranh quyền lực”, một nhà nghiên cứu lịch sử nói trên Sohu.
Một nguyên nhân thứ ba thường được nhắc đến là sự sĩ diện của Càn Long. Sau Hiếu Hiền hoàng hậu, ông từng lập Nhàn Phi thành Kế hoàng hậu. Cuối cùng, Kế hoàng hậu lại bị thất sủng, giam ở lãnh cung. Dân gian đồn thổi vì Kế hoàng hậu tàn phai hương sắc nên bị vua xa lánh.
Lúc đó, Càn Long tức giận nói: “Hoàng hậu lập thế nào là theo luật, không phải thấy đẹp là sắc phong. Trẫm là người quang minh chính đại, trên có thể thấu trời, dưới đối với nhân dân, thiên hạ hậu thế tuyệt không xấu hổ”.
Vì vậy, Càn Long dù sủng Lệnh phi cũng khó có thể lập một phi tần trẻ làm hậu.