Nhiều người coi việc mua gì đó đầu năm là điều rất quan trọng bởi nó là món hàng đầu tiên họ mang về nhà.
Món hàng mua đầu năm được coi là mua để lấy hên, lấy lộc, bởi “của mua là của được”. Món hàng này mang nhiều ý nghĩa tâm linh hơn là thực dụng. Người ta hay mua muối ngay sáng sớm mùng 1 Tết với hàm ý cả năm đậm đà, ý vị. Còn trong ngày cuối năm, người xưa hay mua vôi để quét lại nhà, cổng với hy vọng tránh được những điều xui rủi, hay ngụ ý làm nhà làm cửa.
Vì sao đầu năm mua muối?
Việc mua muối đầu năm thường bắt đầu trong buổi sớm mùng 1 Tết. Vì lẽ đó, ngay từ sáng mồng 1 Tết, tại các vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiều người đi bán muối dạo qua khắp các con phố, đường làng hoặc mang thúng muối ra bán ngay trước cổng chùa.
Hầu hết mọi người đều háo hức mua một vài đồng muối lấy may cho cả năm, và không ai kỳ kèo mặc cả bao giờ. Người ta gọi muối bán trong ngày đầu năm mới là “muối lộc”.
Đầu năm mua muối - món hàng mua đầu năm được coi là mua để lấy hên, lấy lộc.
Người xưa quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, văn hóa tình cảm, nó mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái.
Nhiều người chỉ hiểu một cách đơn giản: Muối là mặn. Mua muối đầu năm là mua sự mặn mà về gia đình trong cả năm. Trong đời sống hàng ngày của người dân, muối có một vị trí rất quan trọng và chỉ đứng sau gạo nên bát muối được mua sẽ đong đầy tới tận ngọn chứ không gạt ngang miệng bát.
Cũng có người quan niệm rằng hạt muối có sự kết tinh cao, màu trắng trong tượng trưng cho sự sạch sẽ và tinh khiết cũng là biểu trưng cho tình cảm tốt đẹp.
Hạt muối tuy nhỏ nhoi, ít giá trị kinh tế nhưng mang trong mình ý nghĩa văn hóa phi vật thể thiêng liêng. Bởi thế, người ta thường rắc muối ra đường và xung quanh nhà với mong muốn bình yên.
Tại các đình chùa, sáng mùng 1 Tết, người ta thường bày bán muối bên cạnh hoa quả, vàng mã, đèn hương… để sau khi vào lễ Phật, lúc ra về các bà, các chị mau một gói muối với hy vọng một năm mới mọi việc tốt đẹp và may mắn.
Hơn nữa ý nghĩa của việc “mua muối đầu năm” là cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, hà tiện”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà.
Vì sao cuối năm mua vôi?
Trong quan niệm dân gian Việt Nam, vôi là thứ có tác dụng trừ tà, ngăn ma quỷ. Trong chuyện về sự tích cây nêu, khi loài người cùng nhau chống quỷ dữ sau thời gian bị chúng hành hạ, quấy nhiễu, đức Phật mách cho họ cách thắng địch: Ném tỏi, rắc vôi bột về phía lũ quỷ.
Đoàn quân của quỷ rầm rộ kéo đến, tưởng có thể dễ dàng nghiền nát con người yếu đuối, không ngờ lại kinh hoàng bỏ chạy tháo thân khi bị ném các thứ “bùa” kể trên. Chúng chạy tít về phía biển Đông và không bao giờ dám quay lại đòi làm chúa tể trên đất của con người - vốn có sự bảo vệ của thần phật nữa.
Cuối năm mua vôi là để xóa đi những điểu không hay trong năm cũ, thể hiện một sự khởi đầu, bắt đầu lại để sửa chữa những sai lầm, khôi phục lại những thất bát đã qua.
Tuy nhiên, dân gian cũng cho rằng, vào cuối năm, khi ông Công ông Táo về chầu trời, lũ quỷ có thể thừa cơ quay lại gây rối. Để tự bảo vệ mình, nhiều gia đình mua vôi bột về rắc 4 góc vườn rồi rắc ra phía cổng, với ý đuổi quỷ ra khỏi lãnh thổ của mình, cũng là xua đuổi những rủi ro, đen đủi của năm cũ.
Ngày trước, vào cuối năm, nhiều gia đình cũng mua vôi về quét lại tường nhà, cổng, vừa là làm mới nhà cửa, tạo vẻ khang trang đón Tết, vừa có tác dụng đuổi tà ma.
Mặc dù có tác dụng như vậy nhưng vôi không được dùng vào dịp đầu năm, bởi đây là dịp kiêng màu trắng, màu của tang tóc, bạc bẽo.
Hiện nay, tục lệ này ngày nay ít có người quan tâm, đặc biệt là các bạn trẻ. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn luôn giữ gìn những thói quen và tập tục đẹp đẽ đã có từ lâu đời của người Việt ta.