Nguồn cung khí đốt của Nga dần dịch chuyển khỏi phương Tây

Mai Trang |

Theo Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom, các lô hàng khí đốt từ Nga đến các quốc gia không thuộc cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) đã giảm hơn 40%, trong khi xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc đang tăng lên.

Gazprom hôm 1/11 thông báo, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của tập đoàn năng lượng này cho các quốc gia không thuộc CIS, cộng đồng bao gồm hầu hết các nước EU, đã giảm 42,6% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10 so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn cung khí đốt của Nga dần dịch chuyển khỏi phương Tây - Ảnh 1.

Nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang phương Tây đang giảm dần. Ảnh: Sputnik

Theo báo cáo của Gazprom, lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang các nước không thuộc CIS là 91,2 tỷ m3, thấp hơn 67,6 tỷ m3 so với trong 10 tháng đầu năm 2021.

“Gazprom cung cấp khí đốt theo các đơn hàng đã được xác nhận”, tập đoàn năng lượng của Nga cho biết trong một bài đăng trên Telegram.

Vào năm 2021, Gazprom đã tăng xuất khẩu khí đốt sang các nước ngoài CIS thêm 5,8 tỷ m3, lên đến 185,1 tỷ m3.

Trong khi đó, xuất khẩu khí đốt từ Nga sang Trung Quốc thông qua đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia tiếp tục tăng theo hợp đồng song phương dài hạn của công ty Nga. Theo Gazprom, việc giao hàng qua đường ống dẫn khí đốt lớn thường xuyên vượt quá nghĩa vụ hợp đồng hàng ngày.

Gazprom bắt đầu bơm khí đốt đến Trung Quốc qua đường ống Sức mạnh Siberia dài 3.000 km vào năm 2019. Công suất của Sức mạnh Siberia là 61 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, bao gồm 38 tỷ m3 để xuất khẩu.

Nga và Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một tuyến khí đốt lớn khác qua Mông Cổ mang tên Soyuz Vostok. Gazprom đang hoàn thiện các chi tiết xây dựng cuối cùng cho dự án này.

Đường ống Soyuz Vostok là một phần trong dự án đường ống Sức mạnh Siberia 2. Theo Gazprom, đường ống sẽ có thể cung cấp tới 50 tỷ m3 khí đốt hàng năm cho Trung Quốc.

Nga đang trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Trung Quốc. Vào tháng 7 năm nay, nhập khẩu năng lượng Nga của Trung Quốc đã tăng 7% so với năm 2019. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, Trung Quốc mua thêm 50% LNG và 6% than từ Nga so với cùng kỳ năm 2021./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại