Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ gọi việc tạm dừng là "một hành động thường xuyên" cho phép chính phủ có thể xem xét vấn đề "một cách minh bạch và hiệu quả", cũng như đáp ứng các mục tiêu chiến lược của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden.
Những giao dịch mua bán với các nước vùng Vịnh Ba tư cùng với thỏa thuận được chính quyền Tổng thống Donald Trump thông qua phút cuối cho phép chuyển giao vũ khí cho Ai Cập và Philipines - đã vấp phải sự phản đối của các nhà lập pháp Mỹ.
Các giấy tờ hoàn tất thương vụ trị giá 23 tỷ USD trong đó bán 50 phi cơ chiến đấu mới cho UAE, được ký kết vào hôm 19/1 – một ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống Biden.
Thỏa thuận đạt được từ hè năm ngoái khi UAE đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel theo Hiệp ước Abraham. Hiệp ước này được ông Trump coi là một trong những thành tựu ngoại giao lớn nhất của mình và là một trong những nỗ lực chủ chốt để tập hợp các lực lượng đồng lòng đối phó với Iran.
Hôm thứ Tư (27/1), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay, chính quyền Biden ủng hộ các hiệp ước. Tuy nhiên, ông nói, "chúng tôi cũng sẽ cố gắng đảm bảo sự thấu hiểu toàn diện đối với các cam kết đã được thiết lập xung quanh các hiệp định đó".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (ảnh: Washington Post)
Ngoài bán vũ khí cho UAE, ông Trump cũng thuyết phục được Sudan tham gia bình thường hóa quan hệ với Israel bằng cách đồng ý rút nước này khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố. Morocco tham gia hiệp ước sau khi được chính quyền Trump thừa nhận chủ quyền với khu vực Tây Sahara. Một đồng minh khác của Arab Saudi cũng kí kết hiệp ước là Bahrain.
Trước động thái mới nhất từ Washington, Đại sứ UAE tại Mỹ Yousef al-Otaiba viết trên Twitter: "UAE hiểu được việc chính quyền mới muốn tái xem xét các chính sách".
Theo ông, hợp đồng F-35 "không đơn giản mang ý nghĩa bán thiết bị quân sự cho một đối tác". "Nó không chỉ đảm bảo sự tương kết [của Mỹ] với một đồng minh phòng thủ khu vực chủ chốt, mà còn cho phép UAE đảm nhận thêm các trọng trách về an ninh tập thể trong khu vực, giảm bớt gánh nặng của Mỹ trước các thách thức toàn cầu khác".
"Với cùng các thiết bị và hoạt động huấn luyện", ông Otaiba nói, "quân đội Mỹ và UAE khi hợp tác với nhau sẽ trở nên hiệu quả hơn ở bất kỳ thời điểm và địa điểm nào".
Thỏa thuận "khủng" cũng bao gồm các máy bay tàng hình Reaper và các thiết bị quân sự hiện đại khác. Như vậy, UAE sẽ là quốc gia Arab duy nhất sẽ sở hữu các máy bay tối tân F-35.
Mặc dù quy mô hợp đồng với UAE lớn hơn nhưng thỏa thuận giữa Mỹ và Arab Saudi lại gây tranh cãi nhiều hơn. Theo thỏa thuận, một số lượng bom trị giá gần 500 triệu USD sẽ được sản xuất tại Arab Saudi.
Thông báo về vụ mua bán đã được gửi tới Quốc hội Mỹ từ cuối tháng Mười hai. Các nghị sỹ có 30 ngày để thông qua nghị quyết phản đối với hạn cuối là 21/1.
Là đối tượng cần tăng cường quan hệ trong chính sách của chính quyền Trump nhưng Arab Saudi lại phải đối mặt với sự chỉ trích từ cả hai đảng của Mỹ liên quan tới cuộc chiến tranh mà nước này đang tham gia tại nước láng giềng Yemen.
Các máy bay của Saudi sử dụng bom do Mỹ sản xuất đã liên tục tấn công vào các mục tiêu dân sự tại Yemen nhằm tiêu diệt các tay súng Houthi (được Iran chống lưng). UAE cũng nằm trong liên minh quân sự do Saudi dẫn đầu tại Yemen.
Kể từ sau khi nhà báo tờ Washington Post là Jamal Khashoggi bị ám sát tại lãnh sự quán Saudi ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 2018, mối quan hệ của Washington với đồng minh lâu năm, Saudi, trở nên căng thẳng. Cơ quan tình báo Mỹ kết luận chính Thái tử Mohammed bin Salman là người ra lệnh ám sát Khashoggi.
Năm 2019, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó Mike Pompeo đã đưa ra một tuyên bố khẩn cấp "làm ngơ" trước sự phản đối của quốc hội Mỹ trước một hợp đồng mua bán vũ khí lớn với Saudi.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden từng nhiều lần nói rằng, ông muốn xem xét lại hiệp định an ninh của Mỹ với Arab Saudi, đồng thời sẽ cấm mọi sự hỗ trợ và bán vũ khí của Mỹ được sử dụng trong cuộc chiến Yemen.
Tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ, ông Blinken cho hay, tình hình Yemen là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông.
Mặc dù lực lượng Houthis đã có "hành động gây hấn nghiêm trọng" khi chiếm đóng Yemen, bao gồm cả việc tấn công Arab Saudi và vi phạm nhân quyền. Nhưng cùng lúc chúng ta cũng chứng kiến một chiến dịch do Arab Saudi dẫn đầu đã góp phần đáng kể gây nên điều được nhiều người đánh giá là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới hiện nay", ông Blinken nhấn mạnh.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, khoảng 24 triệu người Yemen – tương đương 80% dân số, đang tồn tại nhờ vào viện trợ nhân đạo.