Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 11/5, ông Đặng Tất Thắng, Chủ tịch Quỹ đầu tư tư nhân ATB Investment & Partners, cho biết, đã xin lỗi trên trang cá nhân vì tự thấy những lời trên mạng xã hội là sai. Ông nói: “Khen chê là quan điểm cá nhân” và “không muốn ồn ào nữa”.
Ảnh chụp màn hình lời xin lỗi của ông Đặng Tất Thắng
Trên trang Facebook cá nhân (Thang Dang) ông Thắng (từng làm lãnh đạo Hãng hàng không Bamboo) viết rằng, Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh là người “bất tài” và “không có đức”. Vị này viết: “Chủ tịch có biết gì về nghề đâu ngoài đi ăn cướp...”, “làm những chuyện kinh doanh mờ ám”, “Chủ tịch ngân hàng mà như thế, bảo sao dân cổ đông mất niềm tin”, “tôi mà gửi tiền vào Sacombank, tôi đi rút tiền ngay sáng nay”...
Tuy nhiên, sau đó, chính ông Thắng đã xóa bài có những từ trên khỏi trang cá nhân và viết: “Trong 1 phút quá cảm xúc nên tôi đã công khai thông tin qua trang cá nhân Facebook” và “những nhận định này có thể làm ảnh hưởng tới Sacombank và tâm lý các lãnh đạo, cổ đông, khách hàng của ngân hàng này. Tôi xin được công khai xin lỗi trên Facebook với những pháp danh và pháp nhân này”.
Sacombank sau đó có văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị xử lý về hành vi “đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, xâm phạm uy tín, hình ảnh của cá nhân, tổ chức”. Sacombank cho biết đã gửi văn bản tới Sở Thông tin & Truyền thông thành phố Hà Nội và cơ quan chức năng về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, xâm phạm uy tín, hình ảnh của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội.
Theo phía Sacombank, những lời lẽ nêu trên là hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, hình ảnh của lãnh đạo, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của ngân hàng.
Ngày 11/5, đại diện Sacombank cho biết không chấp nhận lời xin lỗi trên Facebook cá nhân của ông Thắng vì thiếu chân thành. “Chúng tôi chờ thông tin chính thức từ phía Sở Thông tin & Truyền thông và sẽ làm tới cùng việc này”, một đại diện Sacombank nói.
Theo luật sư Nguyễn Đức Bình (Đoàn Luật sư Hà Nội), Điều 34 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”. Theo đó, cá nhân được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình và người thực hiện hành vi bôi nhọ danh dự, uy tín của cá nhân khác là vi phạm pháp luật. Hành vi bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín của cá nhân khác tùy từng mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Tuy nhiên, theo luật sư Bình, việc xử lý hình sự khó bởi phải xác minh cụ thể thiệt hại. Còn về xử lý hành chính, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Cụ thể, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng và bị buộc gỡ bỏ các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.