Thời xưa, do không có các biện pháp phòng tránh và dự báo hiện đại như ngày nay nên người Trung Quốc thường đúc kết các kinh nghiệm thông qua các câu thành ngữ, tục ngữ truyền miệng dễ nhớ, dễ hiểu.
Một trong số những câu thành ngữ hàm ý nhắc nhở mọi người cẩn thận là "Ong tháng 7, rắn tháng 8, tháng 9 đừng đùa với lươn".
Ý nghĩa khoa học sâu xa chứa trong câu thành ngữ này là gì?
Trước hết, cần hiểu rõ các tháng mà người Trung Quốc xưa nhắc đến trong câu thành ngữ này là các tháng âm lịch. Thời gian từ tháng 7 âm lịch đến tháng 9 âm lịch là khoảng thời gian cuối mùa Hè và đầu mùa Thu.
Đây là khoảng thời gian cực kỳ đặc biệt đối với các loài động vật, nhất là đối với 3 loài động vật có mặt trong câu thành ngữ này vì lúc này nhiệt độ cao hơn, thích hợp cho sự sinh sôi, phát triển.
Theo kinh nghiệm dân gian, tất cả các loài động vật đều có những quy tắc và quy định riêng để sinh tồn. Trong suốt cả năm, có những thay đổi theo mùa rất rõ ràng về thời điểm giao phối, khi nào đẻ trứng và khi nào đi săn.
Trong tự nhiên, dù là loài nào thì cũng có hai thời kỳ không nên quấy rầy chúng nhiều nhất, một là thời kỳ động dục, hai là thời kỳ sinh sản. Lúc này, cảm xúc của chúng rất bất ổn, hung hãn hơn bình thường. Chúng sẽ ra sức hành động để bảo vệ đàn con và gần như cảm thấy thù địch với bất cứ sinh vật nào quấy rầy chúng.
Cụ thể như thế nào?
1. Ong tháng 7
Loài ong mà người xưa nhắc đến ở đây là ong bắp cày (Vespa mandarinia, ong bắp cày châu Á khổng lồ) - loài được mệnh danh là 'ong sát thủ' khi sở hữu nọc độc chết người cùng sự hung dữ bản năng.
Tháng 7 âm lịch hàng năm là mùa sinh sản cao điểm của ong bắp cày. Giống như nhiều loài động vật, ong bắp cày sẽ thiếu kiên nhẫn và hung hãn hơn trong thời kỳ sinh sản. Mặt khác, chúng cũng sẽ trở nên rất thận trọng để đảm bảo an toàn cho đàn con của chúng.
Một câu nói phổ biến ở các vùng nông thôn là ong bắp cày sẽ không chủ động tấn công con người. Chúng chỉ đánh trả khi con người tấn công, quấy rầy chúng.
Trong thời kỳ sinh sản của ong bắp cày, khi con người thường làm những việc tưởng chừng như bình thường, thì đối với chúng đó là lại hành động mang đến sự nguy hiểm hoặc mang tính khiêu khích.
Ví dụ, bình thường nếu bạn đi ngang qua tổ ong bắp cày ngay trước cửa nhà, bạn sẽ không bị đốt. Tuy nhiên, trong thời gian chúng sinh sản, hành động đó khiến chúng nghĩ rằng bạn sắp chọc phá tổ của chúng, chúng sẽ đáp trả một cách hung hãn nhất có thể.
Do đó, để tránh trở thành nạn nhân của ong bắp cày với nọc độc có thể gây ra tình trạng phản vệ - một phản ứng dị ứng có khả năng gây tử vong - ở người (theo Britannica), hãy chủ động tránh xa tổ của loài ong này bất kỳ tháng nào trong năm, đặc biệt là tháng 7 âm.
Bách khoa toàn thư tiếng anh Britannica cho biết, khoảng 30 đến 50 người tử vong mỗi năm ở Nhật Bản do vết chích của ong bắp cày châu Á khổng lồ, thường là do sốc phản vệ.
2. Rắn tháng 8
Rắn độc là loài động vật nguy hiểm. Đối đầu với chúng vào bất cứ thời gian nào trong năm cũng không phải là ý tưởng hay. Tuy nhiên, đụng độ và khiêu khích loài rắn độc vào tháng 8 âm lịch là một việc cực kỳ tồi tệ. Vì sao?
Đầu tiên, tháng 8 âm lịch thông thường rơi vào tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch. Đây là cao điểm thu hoạch vụ mùa lúa hè thu ở hầu hết các vùng nông thôn, người dân lúc này rất dễ gặp rắn ngoài đồng, mương nước...
Thứ hai, cũng như nhiều loài động vật khác như ếch và dơi, rắn cũng ngủ đông. Loài động vật máu lạnh, ưa nóng này rất thích những đêm hè ấm áp. Chúng sẽ bò ra khỏi hang để đi săn mồi, tiêu thụ càng nhiều protein càng tốt, sẵn sàng cho mùa sinh sản đến. Do đó, những người ra ngoài vào ban đêm sẽ có nguy cơ gặp rắn cao hơn.
Thứ ba, tùy theo loài, một số loài rắn độc đang ở thời kỳ sinh sản cao điểm vào tháng 8 âm. Tương tự như loài ong bắp cày đã nói ở trên, trong thời kỳ sinh sản, loài rắn trở nên thận trọng và hung dữ hơn bình thường. Chúng có xu hướng tấn công con người để bảo vệ ổ của chúng.
Các loài rắn độc thường xuất hiện ở các vùng nông thôn, ở các khu vực ngoài đồng, bụi rậm có thể kể đến rắn hổ mang, rắn cạp nong (rắn đen vàng), rắn cạp nia... Nọc độc của các loài rắn này có độc tính cực mạnh, thường tấn công hệ thần kinh và phá hủy tế bào rất nhanh.
Nếu không được can thiệp y tế kịp thời, một người trưởng thành có thể tử vong sau khi bị chúng cắn. Đặc biệt, độc tố sẽ phát tác mạnh khi chúng tức giận và chủ động tấn công.
3. Lươn tháng 9
Lươn Monopterus là chi cá chình đầm lầy có nguồn gốc từ châu Á. Trong ấn tượng của mọi người, con lươn rất nhỏ, con to cùng lắm chỉ nặng 1-2 kg, nhiều người đi bắt lươn nhưng chưa từng nghe đến tác hại gì từ lươn. Nhưng người xưa vẫn khuyên chúng ta nên tránh xa lươn vào tháng 9 âm lịch, tại sao?
Điều đầu tiên cần làm rõ là, lươn là loài sinh sản lưỡng tính. Khi còn non, chúng là cái. Khi trưởng thành, một số con cái biến thành con đực. Lươn sinh sản quanh năm. Tháng 3 đến tháng 9 âm lịch là thời kỳ sinh sản cao điểm của lươn.
Lươn mới sinh là con cái và sẽ bắt đầu đẻ trứng khi cơ thể đạt 30-40 cm, thời gian này là từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch hàng năm. Sau khi đẻ trứng, con cái sẽ dần dần biến thành con đực và ngày càng lớn hơn (chiều dài cơ thể đạt 54 cm). Con đực khi đó bắt đầu quá trình bảo vệ trứng để chúng có cơ hội phát triển thành những con lươn nhỏ. Lúc này đã gần đến tháng 9 âm lịch.
Lươn đực trưởng thành khi đó có nhiệm vụ bảo vệ đàn con và trở nên rất hung dữ. Vốn là loài ăn thịt nên răng của lươn rất sắc nhọn. Nếu cảm thấy bị quấy rầy, làm phiền, bản năng làm cha mẹ của chúng trỗi dậy mạnh mẽ, lươn sẽ cắn người và sẽ không dễ dàng buông ra.
Ngoài ra, do tháng 9 âm lịch, thời tiết đã mát mẻ/lạnh hơn, nên phần lớn lươn nhỏ sợ lạnh đã chui sâu vào hang. Ở mép hang phần lớn là những con lươn đực to lớn.
Do đó, để không bị lươn tấn công, người xưa khuyên không nên đi bắt lươn vào mùa sinh sản, đặc biệt là vào tháng 9 âm lịch hàng năm.
Vế thứ ba của câu thành ngữ này ẩn chứa một ý nghĩa khác nữa là, tháng 9 âm lịch là vào thời điểm cuối Thu, nước ở dưới ruộng, mương lúc này khá lạnh. Nếu một người lội bùn nước đi bắt lươn vào đêm sẽ dễ bị cảm lạnh, ốm bệnh. Nên tránh.
Nhìn chung, câu thành ngữ này vẫn có ý nghĩa tham khảo nhất định cho đến tận bây giờ. Dù là ong bắp cày, rắn độc hay lươn trưởng thành thì chúng ta cũng không nên khiêu khích hay đụng đến chúng tại bất kỳ thời điểm nào trong năm, đặt biệt là vào tháng 7, 8, 9 âm lịch.
Tham khảo: Sina, Sohu, 163, Britannica