Chị Hằng trong những ngày đã thoát cơn nguy hiểm.
Chị Phan Thị Thu Hằng (người Việt ở Ba Lan) vừa trải qua thời gian dài chiến đấu với vi-rút SARS- CoV- 2. Hiện chị đang trong giai đoạn điều trị hậu Covid-19.
Không ngờ Covid-19 âm thầm xâm nhập vào cơ thể
Chị Hằng kể, Covid-19 âm thầm lặng lẽ đến 'kết bạn', xâm nhập sâu vào cơ thể chị khi nào không hề hay biết.
Chị chỉ nhớ, thứ 6 ngày 26/3 chị đi làm như thường lệ, đôi lúc có cảm giác hơi sởn gai lạnh ở sống lưng và 2 bàn tay, ngoài ra không có bất cứ biểu hiện triệu chứng gì khác.
Tối về cảm giác hơi mệt, đau mỏi người, nhưng nghĩ do mấy ngày liền hàng về dồn dập, làm nhiều nên mới bị đau mỏi.
Thứ 7 (27/3) chị Hằng đi làm như mọi ngày, đôi lúc chị thấy ngứa cổ họng và ho hắng nhẹ, thỉnh thoảng đau đầu và nhức nóng 2 hốc mắt, tối ngủ thì cảm thấy rất lạnh nhưng vẫn toát mồ hôi.
Chủ nhật (28/3) người mệt mỏi hơn nhiều, dù không bị mất mùi, không mất vị, không đau bụng, không sốt nóng nhưng chị quyết định gọi nhân viên y tế đến nhà test. 20 phút sau, chị Hằng nhận kết quả dương tính với SARS- CoV- 2.
“Mình bắt đầu đi vào cuộc chiến tay đôi với SARS- CoV- 2 tại nhà”, chị Hằng nhớ lại.
Vốn có thể trạng tốt, không có bệnh lý nền, suốt thời gian dài sang Ba Lan sinh sống, chị chưa từng phải nằm viện vì ốm đau ngoài 3 lần sinh con.
Với sự tham vấn của nhiều nguồn khác nhau, chị Hằng tự thấy mình bị nhẹ, không quá nặng nên tự tin ở nhà chữa trị theo sự chỉ dẫn của tất cả người nhà, người thân, người quen, những người đã từng bị nhiễm bệnh.
Nhưng chỉ đến ngày thứ 2 (29/3) và thứ 3 (30/03) điều trị ở nhà chị bắt đầu thấy rét lạnh hơn, đau nhức mỏi hơn, ho nhiều hơn dù không mất mùi vị, không đau bụng đi ngoài, không sốt cao.
Dẫu ăn không thấy ngon chị Hằng vẫn cố ăn để uống các loại thuốc kháng sinh, giảm ho, hạ sốt và bổ sung thêm vitaminC, Omega3 + D3 + K2, kẽm, canxin… Khi thấy mệt mỏi nhiều chị Hằng pha gói muối điện giải ORSALIT uống để bù nước cho cơ thể.
Chị luôn cố gắng uống thật nhiều nước ấm nóng, và không để cơ thể bị lạnh. Súc miệng 3 lần/ngày bằng nước diệt khuẩn, ngoài ra chị súc họng thêm bằng nước muối pha loãng. Xịt họng, thỉnh thoảng 3-4 tiếng thấy ngứa cổ, đau rát họng quá thì lại ngậm thêm viên ngậm. Nhưng đến ngày thứ 4 (31/03) nồng độ oxy trong máu của chị hạ thấp dần xuống 90, sau đó dưới 90, nhiệt độ cơ thể luôn thấp hơn 36 độ, người đau buốt nhức sau lưng vùng 2 bên phổi, 2 bên thận, khó thở, tức ngực, rất đau đầu.
10 ngày liền phải thở Oxy qua ống, túi, nhiều lúc rơi vào trạng thái lơ mơ
Lúc này, chị Hằng mới gọi điện cho Ban liên lạc người Việt ở Ba Lan, ngay sau đó, chị được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Banacha - một trong những bệnh viện lớn nhất của Thành phố Warszawa.
Những ngày đầu nằm trong viện chị Hằng rơi vào trạng thái lơ mơ, không tỉnh táo, đôi khi lịm thiếp đi hoặc tỉnh dậy không biết tại sao lại ở viện.
“Cơ thể, tay chân người chị lúc nào cũng rất lạnh, dù luôn luôn mặc giữ ấm, đắp 2 chăn, nhân viên y tế tiêm ven các loại thuốc kháng sinh, giảm đau và truyền nhiều loại thuốc vào ven, cả thuốc làm cho ấm người lên nhưng chị vẫn chỉ thấy lạnh toát.
Nguy kịch nhất của chị rơi vào ngày và đêm thứ 6 (mùng 2/4) sang ngày thứ 7 (mùng 3/4) vì huyết áp của chị luôn chỉ đo được 60 đến 67 / trên 40 đến 42. Nhiệt độ cơ thể thì không đủ 35 độ.
Oxy trong máu nhảy lên, tụt xuống thất thường dưới 80 rồi dưới 70. Chị rét run cầm cập, ngột ngạt khó thở, hụt hơi, đuối sức, đau nhói co thắt nơi lồng ngực, nhức buốt đầu, trán, gáy và mang tai.
Cả đêm đó chị được các y bác sĩ, điều dưỡng trông coi, túc trực, canh chừng, theo dõi, đo đạc, chăm sóc, vừa truyền ven vừa bắt uống nước ấm liên tục”, chị Hằng kể lại.
Những ngày sau đấy, tình trạng sức khoẻ chị được cải thiện dần dần lên. Nhưng mỗi khi thiếp lịm đi rồi thức dậy, chị vẫn không tỉnh táo. Không biết mình đang ở đâu, tại sao mình lại ngủ, sao lại nằm ở đây và nằm từ bao giờ?.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra nhưng cũng rất nhanh sau đó, tâm trí người phụ nữ Việt xa xứ lại rơi vào trạng thái khi trống rỗng, vô thức.
“Toàn thân từ đầu đến chân rơi vào trạng thái vô định, lơ lửng, nhẹ bẫng, không trọng lượng, tay chân thấy thừa thãi, vô dụng, cứ như đồ giả gắn vào cơ thể cho đầy đủ.
Tay thì tê bì, lóng ngóng không cầm chặt đồ vật sử dụng, dễ làm rơi đổ. Chân bước đi có lúc như không chạm đất, không chắc chắn vững trãi được, cứ ríu chân này giẫm lên chân kia và hay bị trẹo lật ngửa sang 2 bên.
Có những hôm cả bác sĩ, y tá, điều dưỡng lay gọi chị thức dậy, khi choàng tỉnh chị thấy như mình vừa thoát ra khỏi một thế giới hoàn toàn khác với những gì đang diễn ra ở đây.
Những thời điểm chị nguy kịch, suy kiệt, bị đau buốt từng khớp xương, nhức nhói từng thớ thịt, ho không dừng dứt được cơn, khó thở, tức ngực như bị bóp nghẹt sắp đứt hơi, hoa mắt chóng mặt, ù tai, choáng váng quay cuồng, đau buốt chạy từ sau gáy, mang tai, thái dương, trán, đầu muốn nổ tung.
Những khi ấy xâm chiếm bủa vây chị là cảm giác không còn đủ sức lực, ý chí nghị lực để chiến đấu với bệnh tật, buông xuôi đầu hàng số phận”, chị Hằng yếu ớt kể lại.
Mỗi đêm sau khi truyền thuốc vào ven, nhiều hôm phải lấy máu, y tá điều dưỡng đều cho chị Hằng uống thêm thuốc an thần để có thể chìm vào giấc ngủ dễ hơn, nhưng có những đêm đầu óc của chị rất căng buốt, nhói và đau, không thể nhắm mắt vào để ngủ được.
10 ngày liền chị Hằng luôn phải thở Oxy qua ống, túi và dây, ngoài truyền thuốc, đạm liên tục với liều lượng lớn qua ven, thì mỗi ngày chị còn phải tiêm thêm 1 mũi trợ tim chống đông máu, chống đột quỵ vào bụng quanh vùng rốn.
Sau 13 ngày chiến đấu với dịch bệnh, chị Hằng được xét nghiệm lại. “Âm tính. Tôi đúng là từ cõi chết trở về”, chị Hằng kể.
Nhiều ký ức bị mất
Sau đó, chị Hằng được chuyển sang khoa điều trị di chứng hậu Covid-19 ở một khoa khác tại bệnh viện. Tại đây chị được xét nghiệm, được chiếu chụp rất kỹ. Sau đó, chị được bác sĩ kê đơn thuốc về điều trị tại nhà.
“Tuy nhiên, yêu cầu được đặt ra là tôi phải gọi điện thông báo, đăng ký đến bác sĩ gia đình thăm khám, kiểm tra, theo dõi.
Tuần đầu về nhà tôi vẫn có những cơn ho kéo dài không ngưng dứt, nhưng bớt khó thở hơn, bớt đau thắt ở lồng ngực nơi trái tim, bớt đau buốt đầu.
Nhưnng giấc ngủ vẫn chỉ là 2-3 tiếng /1 ngày đêm như trong viện, tôi không thể nào ngủ hơn.
Đêm cứ thiu thiu chìm vào giấc ngủ thì toàn thân lại đầm đìa mồ hôi như tắm. Chân tay run rẩy phải dậy thay quần áo, sấy người sấy tóc, sấy tay chân, có đêm mình phải thay quần áo mấy lần, và sau đó khó vào giấc trở lại được.
Tay chân mình yếu ớt tê rút, không có lực, 2 bàn tay không nắm chặt được các ngón tay lại vào trong lòng bàn tay, cứ lỏng lẻo và rão ra. Chân vẫn tê bó bước đi bấp bênh, hay bị lật ngửa sang 2 bên”, chị Hằng nói.
Lúc này ăn uống với chị Hằng vẫn là cực hình khi miệng vẫn đắng chát, toàn bộ vòm trên khoang miệng bị nhiệt đau đớn, cổ họng rát cháy.
“Tôi chỉ nuốt đồ ăn lỏng, nhũn, mềm cũng đau. Quai hàm như bị sái, thậm chí gáy cũng đau, trán và đầu cũng giật giật đau, tai thì ù thông thống lên tận đỉnh đầu. Nhưng khi đã ở ngưỡng cửa của cái chết, nên tôi buộc phải cố nuốt”, chị Hằng nói.
Trong tuần này, sức khoẻ của chị Hằng ổn định dù chưa phục hồi nhiều, các cơn ho giảm và chỉ còn đau tê nhức các khớp xương tay chân, dọc cột sống từ hông, thắt lưng, lên bả vai.
Ngày 4/5, chị Hằng có lịch đi bác sĩ, bác sĩ kiểm tra và tiếp tục kê đơn thêm mấy loại thuốc kháng sinh đồng thời hẹn sau khi hết thuốc đến bệnh viện kiểm tra lại. Ngay tối hôm đó, chị lại bị sốt, ho hắng trở lại, đau đầu, đặc biệt là tay chân, người lưng tê bó rút đau đến nỗi đêm nằm người không cọ cựa xoay sở được, sáng ra thì không nhấc được người dậy nổi, các khớp đốt ngón tay buốt đau tê cứng. Tình trạng ấy kéo dài suốt hai ngày.
“Thực sự là sau khi mắc Covid-19 sức khỏe tôi suy kiệt, trí nhớ bị giảm sút rất nhiều, nhiều ký ức bị mất đến giờ vẫn chưa thể nhớ lại được”, chị Hằng nói.
Từ trải nghiệm của bản thân mình, chị khuyên mọi người nên tuân thủ các biện pháp phòng dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Nếu chẳng may mắc Covid-19 không quá lo lắng, hoang mang, hoảng sợ nhưng tuyệt đối không nên chủ quan, lần khần hay chậm trễ làm mất cơ hội chữa trị.