Người Việt Nam ngày càng chuộng xe ngoại nhập? Doanh số liên tục vượt xe lắp ráp, xe Trung Quốc đổ bộ mạnh

Khánh Vy |

Xe nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh đang đe dọa xe sản xuất và lắp ráp trong nước.

Người Việt Nam ngày càng chuộng xe ngoại nhập? Doanh số liên tục vượt xe lắp ráp, xe Trung Quốc đổ bộ mạnh- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2024, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại của Việt Nam đạt hơn 17.000 chiếc, tương đương hơn 343 triệu USD, tăng 8,5% về lượng, tăng 10,6% về kim ngạch so với tháng 6.

Lũy kế từ đầu năm, nước ta nhập khẩu tổng cộng 91.637 ô tô nguyên chiếc các loại, trị giá hơn 1,89 tỷ USD, tăng 14,8% về lượng , tăng nhẹ 0,9% về kim ngạch so với cùng kỳ. Giá nhập khẩu trung bình đạt hơn 20.600 USD/chiếc (518 triệu đồng/chiếc), giảm 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Người Việt Nam ngày càng chuộng xe ngoại nhập? Doanh số liên tục vượt xe lắp ráp, xe Trung Quốc đổ bộ mạnh- Ảnh 2.

Indonesia là thị trường cung cấp ô tô nguyên chiếc lớn nhất cho Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, đạt 38.040 chiếc, tương đương 557,3 triệu USD, có giá 14.650 USD/chiếc (tương đương 367 triệu đồng/chiếc), tăng 29% về lượng, tăng 39% về kim ngạch và tăng 8% về giá so với cùng kỳ.

Thị trường nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lớn thứ 2 của Việt Nam là Thái Lan, đạt 32.717 chiếc trong 7 tháng đầu năm, trị giá 628,6 triệu USD, giảm 9,3% về lượng và giảm 17,5% về kim ngạch so với 7T/2023. Giá nhập khẩu bình quân đạt 19.213 USD/chiếc (482 triệu đồng/chiếc), giảm 9% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, Trung Quốc đang là thị trường tích cực đẩy mạnh xuất khẩu ô tô sang Việt Nam kể từ đầu năm. Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu 17.235 chiếc trong 7T/2024, tương đương 521,6 triệu USD, giá đạt 30.267 USD/chiếc (760 triệu đồng/chiếc), tăng 168% về lượng, tăng 108% về kim ngạch nhưng giảm 22,4% về giá so với cùng kỳ. Đây cũng là thị trường nhập khẩu ô tô lớn thứ 3 của Việt Nam.

Riêng tháng 7, Việt Nam nhập từ quốc gia tỷ dân hơn 2.524 chiếc ô tô, đạt gần 66,4 triệu USD, tăng 327% về lượng và tăng 156% về kim ngạch so với tháng 7/2023.

Người Việt Nam ngày càng chuộng xe ngoại nhập? Doanh số liên tục vượt xe lắp ráp, xe Trung Quốc đổ bộ mạnh- Ảnh 3.

Làn sóng xe đến từ Trung Quốc đang có nhiều ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam. Nhiều thương hiệu Trung Quốc đã ra mắt khách Việt các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng và công nghệ như BYD, Chery, Lynk&Co, Wuling, Haval,... Hầu hết trong số đó đều là xe điện, xe hybrid.

Dù vậy, các hãng xe đến từ Trung Quốc đang phải chịu áp lực về thuế nhập khẩu. Tùy theo mẫu mã, ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu lên tới 49%, trong khi xe đến từ các nước Đông Nam Á đang được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%.

Cùng với đó, quan niệm, hàng hóa, sản phẩm từ Trung Quốc giá rẻ nhưng chất lượng thấp, trạm sạc còn thiếu vẫn là yếu tố khiến người dùng còn cân nhắc.

Doanh số xe nhập khẩu vượt xe lắp ráp trong nước

Không chỉ nhập khẩu, lượng tiêu thụ loại xe này cũng đang đe dọa xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo số liệu bán hàng được Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, doanh số xe trong tháng 7/2024 đạt tổng cộng 28.920 ô tô các loại. Trong đó, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc chiếm 15.132 xe, tăng hơn 11% so với tháng trước, trong khi xe lắp ráp chỉ đạt 13.788 chiếc, tăng 6,3%. 

Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp người tiêu dùng trong nước mua sắm các dòng xe nhập khẩu nhiều hơn.

Tính chung 7 tháng đầu năm, doanh số xe lắp ráp đạt 81.637 chiếc, giảm 12% so với cùng kỳ. Còn nhóm ô tô nhập khẩu đã bàn giao 82.167 xe cho khách hàng trong nước, tăng tới 19%. Có thể thấy, xe nhập khẩu chính thức vượt mặt xe sản xuất, lắp ráp trong nước về doanh số thay vì kém khoảng cách lớn như các năm trước.

Người Việt Nam ngày càng chuộng xe ngoại nhập? Doanh số liên tục vượt xe lắp ráp, xe Trung Quốc đổ bộ mạnh- Ảnh 4.

Người Việt Nam ngày càng chuộng xe ngoại nhập? Doanh số liên tục vượt xe lắp ráp, xe Trung Quốc đổ bộ mạnh- Ảnh 5.

Lý giải cho việc doanh số bán xe nhập khẩu tăng hơn so với xe lắp ráp trong nước là do, trong khi chính sách giảm lệ phí trước bạ chưa rõ ràng, người tiêu dùng đã quyết định chuyển sang mua xe nhập khẩu nguyên chiếc thay vì chờ đợi, mặc dù chất lượng xe lắp ráp trong nước đã được cải thiện đáng kể.

Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến các tính năng an toàn, tiện nghi và công nghệ trên ô tô trong khi xe nhập khẩu thường được trang bị nhiều tính năng hiện đại hơn so với xe lắp ráp trong nước, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Đặc biệt, thị trường xe nhập khẩu có sự đa dạng về mẫu mã, từ các dòng xe đô thị nhỏ gọn đến các dòng xe SUV, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Những yếu tố này đã tác động tích cực đến doanh số của xe nhập khẩu, đồng thời gây áp lực không nhỏ lên các nhà sản xuất ô tô lắp ráp trong nước.

Bên cạnh đó, các đại lý xe nhập khẩu cũng liên tục tung các chương trình ưu đãi khủng với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Điều này đã đánh thẳng vào túi tiền của người tiêu dùng, khiến họ quan tâm hơn đến các mẫu xe nhập khẩu.

Các dự báo cho thấy, ô tô nguyên chiếc từ Indonesia và Thái Lan sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Hiện các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào Indonesia và Thái Lan, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu xe giá rẻ sang các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Năm 2024, xe sản xuất lắp ráp trong nước ước đạt sản lượng 340.000 chiếc, tương đương với sản lượng của năm 2023 và giảm khoảng 100.000 chiếc so với năm 2022. Với sản lượng sụt giảm mạnh, nếu không có chính sách cụ thể xe Việt sẽ dễ bị thất thế trước xe ngoại nhập trên chính sân nhà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại