Theo Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng quý 1/2022 vừa được Hội đồng Vàng Thế giới công bố, lượng tiêu thụ vàng trang sức tại Việt Nam hiện đã bắt đầu phục hồi.
Theo đó, nhu cầu mua vàng trang sức của nước ta đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, lên gần 6 tấn. Đây là mức tăng lần đầu tiên kể từ năm ngoái, hai quý liền kề trước đó con số này bị giảm. Thậm chí, mức tăng trưởng này cũng là mức tăng theo quý cao nhất kể từ năm 2007.
Tổ chức này nhận định các yếu tố đã hỗ trợ sự phục hồi này chính là các lễ hội diễn ra dịp đầu năm mới, bao gồm Tết Nguyên đán vào tháng Hai, lễ Tình nhân và ngày vía Thần Tài. Sự phục hồi này còn được ghi nhận mạnh mẽ, khi lên bằng với mức kinh doanh trước Covid-19. Yếu tố kinh tế cũng thúc đẩy khi GDP tăng trên 5% trong quý đầu tiên.
Ngược chiều so với Việt Nam, tiêu thụ vàng trang sức hồi quý 1 năm nay tại đảo quốc Indonesia giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn dưới 6 tấn.
Theo nhận định của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu đồ trang sức của nước này bị ảnh hưởng do sự lan rộng của biến thể Omicron; tỷ lệ lây nhiễm được báo cáo mỗi ngày đạt mức cao nhất vào tháng Hai, dẫn đến việc áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế về khoảng cách xã hội ở một số khu vực.
Dẫu vậy, tổ chức này vẫn tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng tích cực hơn tại đảo quốc vào quý 2 nhờ tỷ lệ nhiễm đã giảm và các hoạt động mua sắm lễ hội có thể làm gia tăng nhu cầu sắm vàng trang sức.
Thị trường vàng trang sức tại Việt Nam sôi động trong quý 1/2022 nhờ loạt sự kiện đón năm mới Nguyên đán. Ảnh: Dy Khoa.
Tại Thái Lan, đồ trang sức vẫn có sức mua kém hơn trước đại dịch nhưng cũng đã có quý 1 khá khả quan. Người dân nước này đã mua hơn hai tấn vàng trang sức, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. "Nền kinh tế mở cửa và hoạt động du lịch trở lại đã kích thích nhu cầu, mặc dù người tiêu dùng vẫn hạn chế mua lượng lớn", Hội đồng Vàng Thế giới nhận định trong báo cáo.
Nhu cầu trang sức ở Singapore tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, lên gần 3 tấn. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, đây là con số theo quý cao nhất kể từ quý cuối cùng của năm 2019. Việc nới lỏng hơn nữa các hạn chế và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với đồ trang sức.
Tại Malaysia, giá vàng có diễn biến tăng cao nhưng bất chấp điều này, nhu cầu trang sức tại đây đã tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 3 tấn. Con số này cao hơn 20% so với mức trung bình quý trong 5 năm qua.
Người Việt Nam mua vàng miếng gấp 7 lần một số nước
Về vàng miếng, nhu cầu của Việt Nam đã tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 14 tấn. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, các yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ người dân mua vàng nhiều gồm sự gia tăng của lạm phát và vị thế của tiền đồng.
Các quốc gia khác trong khu vực thua xa tổng vàng mua vào trong quý 1 so với thị trường Việt Nam. Trong đó, Indonesia giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 5 tấn. Giá vàng trong nước cao và sự gia tăng của Omicron khiến nhiều nhà đầu tư suy tính hơn về việc mua vàng miếng.
Tương tự, vàng miếng tại Thái Lan cũng giảm 74% mua vào so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn dưới hai tấn cho cả quý 1 năm nay. Theo báo cáo, người tiêu dùng Thái Lan đã mua ròng trong 5 quý gần đây nhưng sự tăng giá đột biến đã khiến nhiều nhà đầu tư bán ra, chốt lời.
Nhu cầu mua vàng miếng của Việt Nam cũng tăng mạnh. Ảnh minh họa: Dy Khoa.
Cũng có khối lượng mua vào đạt 2 tấn trong quý 1 nhưng thị trường vàng miếng Singapore lại có mức tăng trưởng lên đến 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nhu cầu theo quý cao nhất kể từ quý 4/2016.
"Những lo ngại về lạm phát và sự biến động trên thị trường chứng khoán ở các thị trường mới nổi có thể làm tăng hấp dẫn của vàng", báo cáo nhận định về thị trường đảo quốc Sư tử có đoạn.
Tương tự, nhu cầu đầu tư tại Malaysia cũng phục hồi, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng xấp xỉ 2 tấn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ tương đối thấp. Tuy nhiên, báo cáo cũng lạc quan khi nước này đã dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19.
Từ đó, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch và lo ngại về lạm phát có thể đã thúc đẩy phục hồi về mức trước đại dịch.