Người Việt mỗi ngày dành 7 tiếng vào Internet, có đáng lo?

Minh Hà |

Theo số liệu mới nhất, có đến 57% dân số Việt Nam sử dụng mạng xã hội, trong đó phần lớn là sử dụng mạng xã hội qua smartphone.

Tại cuộc toạ đàm "Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam" do Bộ TT&TT tổ chức hôm 18/5, có một con số được đưa ra rất đáng để suy nghĩ.

Đó là theo báo cáo năm 2018 của We are Social, số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đạt khoảng 55 triệu người (chiếm tỉ lệ 57% dân số), trong đó lượng người sử dụng mạng xã hội qua điện thoại di động là 50 triệu người.

Thời lượng sử dụng Internet và mạng xã hội trong một ngày của người sử dụng Việt Nam đạt tương ứng khoảng 7 giờ và 2,5 giờ. Facebook và YouTube là những trang được sử dụng nhiều nhất, với tỷ lệ là 61% và 59%.

Lượng thời gian người Việt dành cho Internet như vậy có quá nhiều?

Tại Việt Nam, chưa có một nghiên cứu nào trả lời cho câu hỏi này. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu quốc tế cho rằng sử dụng Internet từ 6 tiếng trở lên mỗi ngày được gọi là "người dùng cực đoan", và có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần.

Theo nghiên cứu của Viện chính sách giáo dục của Anh công bố hồi năm 2017, việc tập trung quá nhiều vào Internet, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mạng xã hội gây tác động không nhỏ tới sức khỏe tâm thần.

Trong đó, nhóm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên dành hơn 3 giờ để truy cập Internet mỗi ngày được phát hiện mắc nhiều triệu chứng tâm thần.

Nghiên cứu xác định, người dùng Internet cực đoan là những nhóm trẻ em, thanh thiếu niên thường sử dụng Internet trung bình từ 6 giờ trở lên vào ngày cuối tuần.

Chuyên gia Mark Griffiths từ Đại học Nottingham Trent (Anh) cho rằng những ai dành càng nhiều thời gian trên mạng xã hội thì càng có xu hướng giảm thời lượng tham gia vào các hoạt động ngoài đời thực.

Trong một báo cáo được công bố vào năm 2017, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, mối tương quan giữa thời lượng sử dụng mạng xã hội và độ hạnh phúc của người dùng có dạng là một biểu đô hình chữ U ngược.

Họ gọi đó là Giả thuyết Goldilocks: khi thời lượng sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng càng tăng thì sẽ có những tác động tích cực về mặt hạnh phúc, nhưng đó chỉ là một xu hướng ngắn của biểu đồ.

Và sau đó khi thời lượng sử dụng càng tăng, mức độ hạnh phúc sẽ giảm xuống.

Tuy nhiên, thời lượng sử dụng Internet vừa đủ sẽ "hoàn toàn không có hại mà đó có thể là những lợi thế chúng ta nên tận dụng trong thời đại thế giới kết nối hiện nay". Một tác giả từ trường Đại học Oxford nói với trang BBC Future rằng:

"Nếu chúng ta không kết nối hoặc không có những giới hạn về thời lượng sử dụng trong gia đình thì chính gia đình đó hoặc chính những đứa trẻ đó sẽ trở thành dị biệt".

Ông còn nói thêm: "Nếu có một mức độ tốt, thì đó sẽ là phần tốt đẹp trong cuộc đời của đứa trẻ đó, nhưng cho tới khi con số đó dần kéo dài thành năm, sáu hoặc bảy tiếng một ngày thì đó chính là vấn đề".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại