Việt Nam và Liên minh Châu Âu EU vừa ký kết thành công hiệp định quan trọng vào ngày 30.6 vừa qua là EVFTA. Đây được xem là một hiệp định toàn diện, đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả hai bên.
Một trong những nội dung quan trọng nhất của Hiệp định này là đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu).
Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Đối với mặt hàng ô tô, xe máy xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0% sau từ 9 tới 10 năm.
Ôtô dung tích động cơ trên 2,5 lít với xe chạy diesel, trên 3 lít đối với xe chạy xăng có thuế nhập khẩu về 0% sau 9 năm. Các loại ôtô khác áp dụng lộ trình cam kết giảm thuế trong vòng 10 năm. Các loại phụ tùng ôtô xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 7 năm. Xe máy thường và xe máy trên 150 phân khối có thuế nhập khẩu 0% sau lần lượt 10 năm và 7 năm.
Như vậy, có thể phải chờ đến năm 2028 hoặc 2030, người Việt mới thực sự được mua xe châu Âu với thuế 0%.
Hiện tại, ôtô nhập khẩu từ EU vào Việt Nam đang chịu thuế suất khoảng 70%. Vì thế, hầu hết các dòng xe nhập nguyên chiếc vào Việt Nam có mức giá tăng gấp từ 2 đến 3 lần so với mức giá khởi điểm tại các quốc gia khởi phát.
Ví dụ cụ thể như tại Đức, Audi Q8 2019 có giá ở Đức khoảng 1,6 tỉ đồng. Khi về Việt Nam sẽ bị đánh thuế nhập khoảng 1,17 tỉ đồng. Khi hoàn tất thủ tục nhập cảng, xe sẽ bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt mức 60% giá tính thuế (1,8 tỉ đồng), giá sau thuế sẽ vào khoảng 4,5 tỉ đồng.
Như vậy khoảng 9-10 năm nữa, người tiêu dùng Việt sẽ chỉ phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các xe của châu Âu. Giá xe từ đó có thể được giảm đi một nửa so với thời điểm hiện tại.