Người Việt thuộc nhóm có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới
Trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới, tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân. Với dân số gần 100 triệu người, mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 200.000 ca đột quỵ. Trong đó có đến 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu và tử vong.
Mới đây, tại chương trình "Cấp cứu đột quỵ - Tiết kiệm từng phút giây", TS. BS Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã chia sẻ, đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc suy giảm đáng kể. Khi đó, não bộ rơi vào tình trạng thiếu oxy và không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào.
Người bị đột quỵ não trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ chết dần không thể đảm nhận chức năng ban đầu, do đó dẫn đến xuất hiện các triệu chứng: yếu liệt nửa người, tê và mất cảm giác, mất thị lực một bên hoặc mù hoàn toàn, mất ngôn ngữ, hôn mê,...
Do vậy, việc xác nhận được bệnh nhân gặp đột quỵ, xử lý đúng cách và đưa bệnh nhân tới bệnh viện sớm sẽ giảm được các di chứng cho bệnh nhân.
TS. BS Nguyễn Bá Thắng chia sẻ về giờ "vàng" cấp cứu đột quỵ (Ảnh: M.T)
Thời gian "vàng" để xử trí đột quỵ là trong vòng 3-4 giờ đầu. Khi đó người bệnh đột quỵ cần phải nhập viện càng sớm càng tốt để được đánh giá nhanh và điều trị kịp thời.
2 nhóm yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ
BSCKII Phạm Thị Ngọc Quyên - Trung tâm Khoa học Thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, đột quỵ có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên ở một số nhóm đối tượng với nguy cơ tiềm ẩn có khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường.
Hiện nay có 2 nhóm yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ gồm:
- Nhóm yếu tố có thể thay đổi được (hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, rung nhĩ,...)
- Nhóm yếu tố không thể thay đổi được (tuổi tác, giới tính, gen di truyền)
Để phòng tránh đột quỵ, chúng ta có thể bắt đầu từ việc chặn đứng các yếu tố nguy cơ gây bệnh thông qua các chương trình tầm soát đột quỵ. Chương trình tầm soát thông thường có thể giúp phát hiện các bệnh lý như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, rung nhĩ hoặc các bệnh lý tim mạch khác… Đây vốn là các yếu tố nguy cơ của đột quỵ có thể thay đổi được.
Đối với nhóm người mắc bệnh rung nhĩ, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tốt tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, cần quản lý tốt các yếu tố nguy cơ đi kèm như đường huyết, mỡ máu, hội chứng ngưng thở khi ngủ, đồng thời duy trì cân nặng cân đối để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ xuất hiện.
Bác sĩ hướng dẫn cấp cứu đột quỵ đúng cách (Ảnh: M.T)
Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, do đó, để giảm nguy cơ đột quỵ cần lưu ý:
- Nếu bị tăng huyết áp cần đi khám, điều trị để kiểm soát tốt huyết áp.
- Nếu có đau tức ngực, choáng ngất cần khám tim mạch để biết có bị rung nhĩ hay các loại bệnh tim khác hay không. Nếu có vấn đề tim mạch, cần phải khám điều trị ngay và thường xuyên.
- Nếu hút thuốc lá, hãy bỏ ngay.
- Không lạm dụng rượu bia và chất kích thích.
- Nếu tăng cholesterol cần tập luyện, tiết chế ăn uống và uống thuốc theo toa.
- Nếu đái tháo đường cần khám và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát đường huyết thật tốt.
- Chăm vận động, tránh ngồi nhiều một chỗ, nên tập thể dục đều đặn.
- Có chế độ ăn ít muối (tránh ăn mặn), ít mỡ và chất béo,...