Quốc hội Nhật Bản vừa chính thức thông qua dự luật nới lỏng các quy định về tiếp nhận người lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam . Dự kiến tháng 4-2019 luật này chính thức có hiệu lực.
14 ngành nghề của Việt Nam có cơ hội
Luật mới cho phép công dân nước ngoài có kỹ năng, trình độ trong các lĩnh vực thiếu lao động ở Nhật được cấp thị thực năm năm, không được phép mang theo gia đình.
Lao động trong những lĩnh vực trên nhưng có bằng cấp cao và vượt qua được bài kiểm tra tiếng Nhật cấp độ khó có thể sẽ được cấp thị thực vô thời hạn, tức có khả năng được định cư và đưa gia đình tới sống cùng.
Với chương trình mới này, chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp nhận 345.000 lao động nước ngoài thời gian tới.
Cụ thể, chính sách tiếp nhận lao động mới có 14 ngành nghề gồm: Nông nghiệp, điều dưỡng, chế tạo, chế biến thực phẩm, xây dựng, đóng tàu, ngành khách sạn, nhà hàng, đánh cá, vệ sinh tòa nhà, chế tạo máy, điện điện tử, kỹ thuật ô tô, hàng không và gia công nguyên liệu.
Từ TP Osaka của Nhật, thực tập sinh (TTS) Quang Thế có thâm niên bốn năm làm trong ngành cơ khí tại một công ty của Nhật phấn khởi cho hay: Từ khi Quốc hội Nhật thông qua luật mới, những người đang được gia hạn thêm hai năm rất quan tâm.
“Thời gian tới nếu nhà chức trách sở tại tổ chức kỳ thi tiếng Nhật để tuyển đầu vào theo chương trình mới thì em sẽ ôn học tiếng Nhật tốt hơn để vượt qua kỳ thi này”.
Quang Thế cũng cho hay anh đã đạt chứng chỉ N3 tiếng Nhật (tương đương với mức đọc hiểu và giao tiếp được) cách nay hai năm, cộng với tay nghề khá tốt ngành cơ khí nên hoàn toàn tự tin để bước vào kỳ thi tìm kiếm cơ hội ở lại Nhật làm việc lâu dài.
“Công việc hiện tại của em khá tốt. Trừ chi phí ăn uống, sinh hoạt, em vẫn tích lũy được một khoản kha khá gửi về cho gia đình” - Thế chia sẻ.
Nữ TTS Lê Thúy (quê Nghệ An) đang làm nhân viên lắp ráp điện tử tại một công ty ở Nhật cũng chia sẻ đã sang Nhật làm việc được hơn một năm nay. Thúy nói: “Từ công việc đến nếp sống của người Nhật rất chi tiết, kỷ luật lao động cao cùng đó mức thu nhập cũng khá tốt nên đa phần các TTS đều có tâm nguyện ở lại Nhật làm lâu dài ”.
Thực tập sinh Việt Nam đang làm việc tại một công ty ở Nhật. Ảnh: P.ĐIỀN
Có lợi cho người lao động nhưng không dễ
Ông Nguyễn Thế Đại, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất khẩu lao động và Dịch vụ thương mại Biển Đông (Estrala), đánh giá: Luật nới lỏng các quy định về tiếp nhận người lao động nước ngoài của Nhật có lợi cho người lao động.
Theo đó, công ty đang tổ chức đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất khang trang hơn để kịp đáp ứng chương trình mới.
“Tuy vậy, đối với thị trường Nhật, ngoài kỹ năng nghề thành thạo thì vốn tiếng Nhật cũng phải khá giỏi mới đáp ứng yêu cầu công việc. Có điều nhiều em có tâm lý muốn xuất cảnh nhanh nên không chú tâm học tiếng Nhật. Đó là một bất lợi khi các em sang Nhật làm việc và hòa nhập cộng đồng” - ông Đại lưu ý.
Tương tự, bà Dương Thị Thu Cúc, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn (Saigon Inserco), cũng nhận xét: Chương trình tiếp nhận nhân lực mới của Nhật rất có lợi cho người lao động về tiền lương, chế độ an sinh, thời gian làm việc kéo dài; có lợi cho lao động có bằng trung cấp, cao đẳng có vốn tiếng Nhật khá giỏi có thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng Nhật.
Vậy công ty chuẩn bị gì khi chương trình mới này triển khai? Theo bà Cúc, các công ty phái cử trong nước cần chủ động đào tạo tiếng Nhật tối thiểu N3 cho học viên, nhất là ngành điều dưỡng, khách sạn để các em hòa nhập nhanh, làm việc tốt và không bị thi rớt phải về nước.
Còn ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, người mới đây đã được Quốc hội Nhật Bản mời đóng góp ý kiến về dự luật nới lỏng các quy định về tiếp nhận người lao động nước ngoài, đánh giá luật này có nhiều điểm mới và có một số thay đổi so với thiết kế ban đầu.
Ví dụ điều số 7 của luật mới đề cập đến việc ngăn chặn tất cả hình thức có sự tham gia của cò mồi, các tổ chức xấu thu tiền bất chính của lao động kỹ năng tại quốc gia phái cử.
Được tiếp nhận theo hai loại thị thực Theo luật mới, người lao động nước ngoài sẽ được tiếp nhận theo hai loại thị thực. Loại 1 không đòi hỏi người lao động có trình độ học vấn và kinh nghiệm cao, trong khi loại 2 dành cho nhóm làm việc cần kỹ năng cao hơn. Để có được thị thực loại 1, có giá trị tối đa năm năm, người lao động phải vượt qua các bài kiểm tra tiếng Nhật và kỹ thuật. Những người đã trải qua chương trình thực tập kỹ thuật kéo dài hơn ba năm có thể đăng ký xin thị thực loại này mà không cần phải thực hiện các bài kiểm tra. Tuy nhiên, những người lao động trong nhóm này sẽ không được phép đưa gia đình tới Nhật Bản. Loại thị thực thứ 2 có mức khung yêu cầu cao hơn. Người lao động phải vượt qua bài kiểm tra kỹ năng cấp độ cao và được phép đưa gia đình đi cùng, số lần gia hạn thị thực cũng không bị hạn chế, từ đó mở ra cơ hội định cư tại Nhật Bản. Thị thực loại 1 sẽ được cấp cho nhóm lao động thuộc 14 lĩnh vực, trong khi loại 2 dự kiến sẽ chỉ giới hạn trong hai lĩnh vực gồm xây dựng và đóng tàu. Tính tới tháng 10-2017, số người lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản đạt mức kỷ lục mới 1,28 triệu người. Xem xét thấu đáo khi thực hiện Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đánh giá việc Nhật thông qua luật mới tạo cơ hội cho lao động các nước làm việc tại Nhật lâu dài. Bởi thực tế, nhiều công việc như điều dưỡng, xây dựng,… tại Nhật đang khan hiếm lao động trong khi lực lượng lao động trong nước vẫn còn dư địa. Tuy nhiên, để vận dụng luật mới vào thực tiễn thì cũng cần tính toán căn cơ cho chiến lược lao động lâu dài trong nước. Lý do là lao động có trình độ tay nghề không chỉ các nước phát triển cần mà nước ta cũng rất cần, do vậy cần xem xét thấu đáo khi thực hiện. |