Ảnh minh họa.
Thuốc lá bệnh tật và đói nghèo
Theo Tiến sĩ Lokky Wai, Trưởng đại diện văn phòng WHO tại Việt Nam, tổn thất do thuốc lá gây ra vượt xa phạm vi sức khỏe cộng đồng.
Thuốc lá giết chết hơn bảy triệu người mỗi năm, và 80% những người này sống ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình.
Đồng thời, nó gây ra tổn thất kinh tế lên tới hơn 1.400 tỷ USD/năm, bao gồm chi phí điều trị bệnh và mất năng suất lao động do thuốc lá.
TS Lokky cho biết, các nước đang phát triển gánh chịu 40% tổn thất kinh tế toàn cầu do sử dụng thuốc lá. Trong đó, tại Việt Nam, tổn thất do thuốc lá chiếm tới gần 1% GDP mỗi năm.
Việt Nam cũng đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá. Hơn ba năm từ khi thực hiện Luật Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá, 62 tỉnh, thành phố; 18 bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội thành lập ban chỉ đạo PCTH của thuốc lá.
Hiện nay, 70% số công đoàn cơ sở trên cả nước triển khai môi trường làm việc không khói thuốc lá. Ít nhất 150 nhà máy, xí nghiệp trong toàn quốc thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, trong nhà.
Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cũng cho biết, đến nay, tỷ lệ hút thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc, trên phương tiện giao thông công cộng giảm được từ 12 đến 15%.
Ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên, so với năm 2010 tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam có xu hướng giảm (từ 47,4% xuống 45,3%). Trong đó, tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị giảm được 6,5%.
Nguy cơ ung thư
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Bệnh viện K trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%.
Còn theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2015 người Việt Nam chi 31 nghìn tỷ đồng mua thuốc lá.
Cùng với đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm ở 5 nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và phổi tắc nghẽn mãn tính là 23 nghìn tỷ đồng/năm.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt (Hà Nội) cho rằng, khi tiến hành khảo sát 10 người bất kỳ thì 9 người được hỏi đều biết rằng, thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng và là tác nhân hàng đầu gây ra ung thư vòm họng, ung thư phổi.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là chẳng ai hiểu rõ cơ chế gây bệnh cũng như nắm vững cách thức phòng chống những tác hại từ thuốc lá.
Thuốc lá chính là thủ phạm gây ra 90% ca bệnh ung thư phổi. Hiện nay, không chỉ riêng tại nước ta mà tình trạng ung thư phổi ngày càng gia tăng ở mức báo động.
Nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao hơn gấp 10 lần so với những người không hút thuốc.
Mức độ tăng nguy cơ khác nhau tuỳ theo loại tế bào ung thư. Mặt khác, tiếp xúc với khói thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi 20-30%.
Với ung thư vòm họng, theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, đây là bệnh đứng hàng đầu trong các loại ung thư vùng đầu-mặt-cổ và là một trong 10 loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam.
Có 3 dấu hiệu cơ bản ung thư vòm họng, đó là triệu chứng đau nửa đầu, ù tai và khạc ra máu.
Tuy nhiên, giống như nhiều loại ung thư khác, bệnh ung thư vòm họng thường ít biểu hiện đặc thù ở những giai đoạn sớm nên bệnh nhân thường không để ý và hay nhầm với các bệnh viêm mũi xoang khi chỉ bị đau đầu hoặc ngạt mũi thoáng qua.
Bệnh khi tiến triển ở giai đoạn nặng sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng như: Mũi chảy máu hoặc tắc nghẽn, đờm có máu, tai có thể bị ảnh hưởng, cổ sưng lên từ các hạch bạch huyết phình to, mí mắt rủ, hoa mắt…
“Nếu phát hiện sớm, những người mắc bệnh ung thư vòm mũi họng có thể chữa khỏi bệnh. Nhưng thực tế, hơn 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư này đi khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn”, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An nói.