KHÔNG GIẢM MÀ CÒN TĂNG LÃI SUẤT
Năm 2020, chị Diễm Vũ vay 2 tỷ từ Ngân hàng TNHH MTV Public Việt Nam để mua căn hộ tại khu Emeral, chung cư Celadon City, quận Tân Phú. Mỗi tháng, chị Diễm trả cho ngân hàng gần 53 triệu đồng.
Chị Diễm than, dịch ở nhà chi tiêu thì tăng lên chóng mặt, thu nhập bị cắt giảm nhưng ngân hàng không hỗ trợ giảm lãi, giãn nợ, chỉ cần trễ hạn 1 ngày là tin nhắn nhắc nhở liên tục, thu nợ các kỳ không thiếu một xu.
Anh Trần Giang Nam, một người dân ở TP.Thủ Đức, TP.HCM cho biết mình cũng đang vay tiền tại ngân hàng TP Bank mỗi tháng trả lãi suất hơn 41 triệu đồng, trong đó trả gốc là hơn 12,6 triệu đồng và lãi là hơn 28,7 triệu đồng.
Anh Nam và rất nhiều khách hàng cá nhân, doanh nghiệp đang gồng mình trả lãi ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, thu nhập giảm nên “một lần nữa tha thiết mong Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo kịp thời giữa lúc nước sôi lửa bỏng này giảm lãi suất cho người dân”.
Bởi Thông tư 03 quy định thời gian cơ cấu nợ tối đa 12 tháng, thời gian này là quá ngắn trong khi dịch bệnh kéo dài ngoài dự kiến khiến hoạt động của doanh nghiệp bị ngưng trệ. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến, bàn thảo để nghiên cứu sửa đổi kịp thời các chính sách hỗ trợ khách gặp khó khăn do dịch COVID-19 nhưng chưa biết khi nào mới xong.
“Cả doanh nghiệp và các ngân hàng đều mong chờ Ngân hàng Nhà nước mở rộng phạm vi cơ cấu nợ, thay vì chỉ áp dụng cho các khoản vay giải ngân trước ngày 10/6/2020 như hiện nay.
Chúng tôi đã ở nhà quá lâu, thu nhập giảm mạnh nhưng vẫn phải trả lãi cho ngân hàng đều đặn mấy tháng nay rồi”, anh Nam nói và cho biết, khi đề nghị ngân hàng có biện pháp hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài hiện nay như giảm lãi suất cho vay hoặc ân hạn nợ thì nhân viên TP Bank cho biết không có chủ trương giảm lãi.
Thay vào đó, TP Bank sẽ cho anh Nam vay thêm để tự trả gốc và lãi trong 5 tháng. Nếu đồng ý phương án này, TP Bank sẽ giải ngân cho anh Nam “một cục” khoảng 200 triệu đồng, tương đương với tiền gốc và lãi phải trả trong 5 tháng nhưng anh Nam không được rút mà TP Bank sẽ trừ dần hằng tháng khi tới thời hạn thu nợ gốc và lãi.
Tương tự, chị Thúy Vân ở quận Bình Tân sau một năm vay vốn để mua trả góp một căn hộ, đã nhận được thông báo của ngân hàng về việc tăng lãi suất cho khoản vay 1,2 tỷ đồng từ 8,9%/năm lên 11,8%/năm với lý do hết thời gian ưu đãi, áp lãi suất thả nổi. Khi chị Vân hỏi có làm đơn xin giãn nợ, ân hạn gì được không, nhân viên ngân hàng này nói chỉ hỗ trợ giảm lãi suất cho doanh nghiệp, còn cá nhân thì không có chính sách này.
CẦN CHIA SẺ KHÓ KHĂN VỚI KHÁCH HÀNG
Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng nói rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, còn thu nhập của đại đa số người dân giảm mạnh. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn liên tục công bố lãi lớn là thiếu thiện chí trong việc chia sẻ khó khăn với chính khách hàng của mình.
Các ngân hàng vẫn liên tục công bố lãi lớn là thiếu thiện chí trong việc chia sẻ khó khăn với chính khách hàng của mình.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề nghị, các ngân hàng nên xem xét giảm khoảng 2%/năm với lãi suất cho vay. Điều này hoàn toàn trong tầm tay của các ngân hàng, chỉ cần ngân hàng chấp nhận chia sẻ với khách vay, thay vì để khách hàng “sống chết mặc bay” tại thời điểm hiện nay.
Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các ngân hàng được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022.
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng góp ý, tùy theo tiềm lực, mỗi ngân hàng nên chủ động thu xếp nguồn vốn để giảm lãi suất cho vay. Đây là cách hỗ trợ thực chất, ý nghĩa với người vay vốn trong lúc sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn và thu nhập giảm sút.
Riêng với những ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trên 30-50%, nên xem xét giảm lãi suất khoảng 1,5-2%/năm cho tất cả các khách hàng, kể cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp, không phân biệt mục đích sử dụng vốn, kỳ hạn vay ngắn hay dài.
Khi giảm lãi suất cho vay, lợi nhuận của ngân hàng sẽ khó có thể đạt được mục tiêu đặt ra, nhưng đây là lúc ngân hàng thể hiện sự đóng góp của mình với nền kinh tế và khách hàng.