Mấy ngày qua, trên mạng xã hội xôn xao thông tin nhạc sĩ Trần Tiến qua đời vì bệnh ung thư vòm họng. Nhạc sỹ Trần Tiến là cây đại thụ trong làng nhạc Việt nên thông tin này lập tức làm người hâm mộ bàng hoàng. Tuy nhiên, cá nhân nhạc sỹ và gia đình đã khẳng định đây là thông tin thất thiệt và rất tức giận, tuyên bố sẽ kiện những người tung tin giả.
Chị Trần Xuân Nhật Vy, con gái nhạc sĩ Trần Tiến gửi thông cáo báo chí đề nghị các cá nhân, tổ chức tung tin đồn nhạc sĩ Trần Tiến qua đời phải cải chính và xin lỗi gia đình.
Theo luật sư Diệp Năng Bình,Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, Luật an ninh mạng, Điều 8, điểm d cấm hành vi: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác”. Luật có hiệu lực thời gian qua nhưng những vụ việc gần đây cho thấy nhiều người thờ ơ, bất chấp.
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viên thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”, có hiệu lực thi thành từ ngày 15/4/2020. Đáng chú ý, Nghị định này tăng mức xử phạt đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật. Tại điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi “Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội”.
Điều này quy định, phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy ín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Luật sư Bình nói thêm, trường hợp bịa đặt, lan truyền những thông tin mình biết rõ là sai sự thật nhằm mục đích xúc phạm danh dư, nhân phẩm, hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của người khác, có thể bị truy cứu tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung với mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
"Ngoài ra, tùy thuộc tính chất của hành vi, mức phạt cao nhất có thể lên tới 7 năm tù. Nếu không phải là người trực tiếp bịa đặt, tung tin thất thiệt nhưng có hành vi đưa những thông tin trái với quy định pháp luật đó lên mạng đển thu lợi bất chính, hoặc gây thiệt hại, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 188 Bộ luật HÌnh sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung, với mức phạt tù cao nhất là 7 năm", luật sư Bình nói.