Vay 400 triệu làm thủ tục sang Anh, vừa đặt chân xuống thì... bị bắt giam
Nhiều ngày qua, những gia đình bị mất liên lạc với người thân đang trên đường sang Anh đứng ngồi không yên vì nghi ngờ con họ là những nạn nhân trong số 39 người chết ở Anh. Do cách trở địa lý, ngôn ngữ nên các gia đình chỉ biết trông chờ vào cơ quan chức năng.
Tại xã Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) có đến 5 gia đình bị mất liên lạc với con và họ nghi ngờ con họ là 1 trong số đó.
Một góc ở xã Thiên Lộc. Nhờ đi nước ngoài, một số người giàu lên, nhưng một số cũng phải đánh đổi tất cả.
Theo thống kê của UBND xã Thiên Lộc, toàn xã có hơn 8.300 dân nhưng có đến gần 1.300 người đang làm việc tại nước ngoài. Trong đó có đến 704 người đang đi và làm việc tại các nước châu Âu.
Dù biết con đường đi sang nước ngoài bất hợp pháp rủi ro nhiều hơn may mắn, nhưng nhiều năm qua, nhiều người dân ở xã Thiên Lộc vẫn bất chấp, vay mượn tiền để nuôi giấc mộng làm giàu ở xứ người.
Từng vượt biên trái phép sang Anh vào năm 2010, dù đã 9 năm trôi qua nhưng ông Võ Minh G. (trú xã Thiên Lộc) vẫn không thể quên được hành trình đầy đau khổ, nguy hiểm ấy.
Ông G. kể, thời điểm đó nghe nhiều người "vẽ" về cuộc sống ở xứ người xa hoa, nhiều việc và dễ kiếm tiền nên ông mong ước một lần được xuất ngoại.
Sau khi tìm hiểu một số người quen về đường đi nước bước, ông G. cầm cố sổ đỏ rồi vay mượn người thân được gần 400 triệu đồng lo làm thủ tục.
Sau chuyến xuất ngoại không thành còn chịu cảnh tù tội, ông G. trở về nhà với cuộc sống của người nông dân thực thụ và không còn dám mơ ước ra nước ngoài làm ăn.
Đầu năm 2010, ông G. lên máy bay rời Hà Nội sang Nga mang theo bao ước mơ hoài bão về cuộc sống mới. Nhưng vừa đặt chân xuống đất nước Nga xa xôi lạnh giá, ông G. mới dần hiểu ra, cuộc sống xứ người khác xa với những điều trong tưởng tượng.
"Tôi sống sót trở về cũng là thấy mình may mắn lắm rồi. Nghĩ đến đường đi sang đó thôi tôi vẫn còn run sợ" - ông G., người từng sang Anh bất hợp pháp.
"Đặt chân đến nước Nga thì phải đem toàn bộ giấy tờ, hộ chiếu cho người đưa đi để họ vứt hết. Rồi tất cả lên 1 xe tải thùng bịt kín bạt. Tất cả nằm im lặng trên xe để hành trình sang nước Anh.
Xe chỉ đi vào ban đêm trong rừng núi và không được dừng nghỉ ở đâu nên cũng chẳng biết xe chở mình đi đâu, đi qua những nước nào", ông G. nhớ lại và cho biết, có khoảng 10 người cùng đi nhưng có cả người nước ngoài.
Theo ông G., suốt nhiều ngày liền ông chỉ nằm trên chiếc xe tải bịt kín bạt. Mỗi lúc đói, mọi người phải xin thì những người đưa đi mới phát cho mỗi người một chiếc bánh mỳ chống đói.
Nằm im trên xe thùng suốt nhiều ngày liền, cuối cùng ông G. cùng đoàn người cũng đặt chân đến được nước Anh xa xôi.
Hiện gia đình ông G. làm nghề nông, trồng hành. Tuy vẫn còn khoản nợ của lần đi Anh 9 năm trước nhưng ông G. cho biết sẽ gắng làm lụng để trả nợ chứ không dám liều ra nước ngoài nữa.
"Nơi chúng tôi xuống là một khu rừng. Lúc đó tôi đang định hình và nghĩ tiếp mình phải đi những đâu, kiếm việc gì làm và trú ẩn ở đâu để không bị phát hiện. Nhưng đang mơ hồ nghĩ ngợi thì cả đoàn người bị cảnh sát ập đến bắt giữ. Họ bắt còng chúng tôi và giam lại trong nhà tù", ông G. nói và cho biết, ông bị bắt khi vừa đến nước Anh khoảng 1 giờ đồng hồ.
Suốt 7 tháng trời bị giam cầm, ông G. vừa tủi nhục vừa đau đáu nhớ nhà. Để sớm được trở về quê hương, ông buộc phải khai toàn bộ thông tin và hành trình đi cho cảnh sát sở tại. Giấc mơ đổi đời ở xứ người của ông G. dập tắt từ đó.
Dù đã về nhà làm lụng nhiều năm nhưng hiện ông G. vẫn chưa trả hết khoản nợ đã vay để đi xuất khẩu lao động 9 năm trước. Số tiền khoảng 200 triệu đồng còn vay nợ, ông G. cho biết sẽ gắng ở nhà làm trả nợ chứ không còn dám mơ ước ra nước ngoài lần nào nữa.
"Tôi sống sót trở về cũng là thấy mình may mắn lắm rồi. Nghĩ đến đường đi sang đó thôi tôi vẫn còn run sợ. Chỉ muốn quên đi những ngày đau đớn ấy", ông G. chia sẻ.
"Có tiền cũng chẳng dám đi thêm lần nào nữa"
Cũng từng đi ra nước ngoài lao động với ước mơ đổi đời, anh Nguyễn Văn T. (trú TX. Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) vẫn còn nhớ như in những ngày tháng đầy đau khổ ấy.
Anh T. cho hay, năm 2003, vì cuộc sống khó khăn nên anh quyết vay mượn tiền để sang Đức lao động và đi theo diện du lịch.
Anh T. kể lại hành trình vượt biên sang Anh đầy tủi nhục, đau khổ.
Đầu tiên anh T. và đoàn người phải sang Nga. Từ đây, anh và mọi người đi bộ cắt rừng qua Ukraina rồi vượt qua Ba Lan. Mỗi chặng đường đều có nhà kho tối tăm, ẩm ướt để mọi người trốn tạm. Nơi đây bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, nội bất xuất ngoại bất nhập.
"Trốn trong kho để họ xem xét tình hình rồi mới dẫn đi tiếp. Đêm nào đi thì họ sẽ thông báo trước. Mỗi lần đi đều có người dẫn đường phía trước. Phía sau có người chốt đoàn để đánh đập nếu ai yếu sức không đi kịp.
Sang đến Ba Lan, tôi bị công an bắt. Sau đó trục xuất lại Ukraina. Thời gian sau đó được người môi giới chuộc lại và tiếp tục đưa tôi đi bằng con đường từ Nga sang Tiệp rồi mới đến được Đức", anh T. nói.
Nhiều gia đình ở Hà Tĩnh và Nghệ An đã lập bàn thờ vọng các con vì nghi con là nạn nhân trong số 39 người ở Anh.
Làm việc tại Đức nhiều năm, anh T. nghe bạn kể qua Anh làm việc tốt hơn nên quyết định vượt biên sang Anh. Nhưng quá trình đi không thuận tiện, anh phải chui lủi và nhiều lần bị đánh đập.
"Tôi cùng 1 người nữa từ Đức sang Pháp rồi mới qua Anh. Có 2 cách để qua đó, 1 là đi cỏ thì chi phí thấp nhưng rủi ro nhiều, mình tự nhảy lên các xe tải phủ bạt rồi chui vào trong trốn. Cách này hoặc bị bắt ngay, hoặc đi lạc sang nước khác.
Cách 2 là đi Vip, mất khoảng 8.000 euro. Tôi được người dẫn đường đưa lên xe container chở hàng điện tử sang London.
Tôi thủ sẵn con dao và nhờ tài xế chạy chậm để khi sang Anh thì nhảy xuống. Nhưng tài xế cho xe chạy quá nhanh. Đến khi xe dừng thì ở trạm cảnh sát và tôi bị công an bắt", anh T. kể về hành trình xuất ngoại đầy gian khổ và cho biết, chẳng bao giờ dám đi nước ngoài thêm lần nào nữa.
Liên quan đến vụ 39 người chết ở Anh, hiện Bộ Công an đã cử cán bộ về 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh phối hợp với chính quyền địa phương xác minh làm rõ những thông tin của các gia đình có con mất tích, nghi ngờ là nạn nhân trong số đó.
Theo thống kê, tại Nghệ An có 14 trường hợp tập trung tại huyện Yên Thành, Diễn Châu, TP. Vinh. Tại Hà Tĩnh có 10 trường hợp tập trung tại huyện Can Lộc, Nghi Xuân và TX. Hồng Lĩnh.
Hiện Sở ngoại vụ 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin để thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp có nạn nhân là người trong tỉnh.