Người Trung Quốc xưa nay vẫn luôn ghét con số 250, vì sao?

PV |

Con số 250 được sử dụng phổ biến tại Trung Quốc thời hiện đại, nhưng rất ít người biết được nguồn gốc hình thành ý nghĩa của con số đó.

Ở Trung Quốc, hầu như mọi người đều rất ghét con số 250 (èrbǎi wǔ) bởi nó đồng nghĩa với sự sỉ nhục, mang ý nghĩa mắng chửi người đối diện. 

Họ thường gọi một kẻ ngu ngốc hoặc nói chuyện không đứng đắn, làm việc không nghiêm túc, hành xử một cách tùy tiện là 250.

Con số 250 được sử dụng phổ biến tại Trung Quốc thời hiện đại, nhưng rất ít người biết được nguồn gốc hình thành ý nghĩa của con số đó. Theo một số nghiên cứu, điều này có thể xuất phát từ các câu chuyện sau:

1. Câu chuyện từ thời Chiến Quốc

Thời Chiến Quốc có 1 thuyết khách tên là Tô Tần, thường đeo tướng ấn lục quốc trên người, trông rất uy phong, đồng thời cũng có rất nhiều kẻ thù, cuối cùng đã bị giết chết tại nước Tề.

Tề Vương rất phẫn nộ và muốn trả thù cho Tô Tần, tìm kiếm manh mối rất lâu nhưng không bắt được hung thủ. 

Do đó, ông đã nghĩ ra một kế sách, cho người chặt đầu Tô Tần và treo lên cổng Kinh thành (nay là quận Lâm Truy, tỉnh Sơn Đông). 

Sau đó Tề Vương ban hành một bản cáo thị với nội dung: Tô Tần là một kẻ nội gián, người giết hắn nên được thưởng 1000 lượng vàng, hi vọng nghĩa sĩ đó sẽ đến nhận thưởng.

Người Trung Quốc xưa nay vẫn luôn ghét con số 250, vì sao? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Sau khi cáo thị được công bố đã có 4 người tự nhận mình là người đã giết chết Tô Tần.

Tề Vương nói: "Các ngươi không được phép mạo danh!".

4 người kia vẫn đồng lòng quả quyết mình chính là người đã ra tay.

Tề Vương tiếp tục nói: "1000 lượng vàng kia chia cho 4 người các ngươi thì mỗi người nhận bao nhiêu?".

Họ đồng thanh trả lời: "Mỗi người 250 lượng".

Tề Vương liền đập bàn thật to và ra lệnh: "Người đâu, đem 4 tên "250" kia ra ngoài chặt đầu cho ta".

Và như thế, con số 250 đã được truyền lại đời sau như một cụm từ ám chỉ những kẻ ngu ngốc, ham lợi trước mắt mà lao vào chỗ chết. Đây chính là câu chuyện về nguồn gốc con số 250 phổ biến nhất.

2. Câu chuyện từ thời nhà Đường

Thời nhà Đường, Kinh Triệu Doãn là một chức quan có quyền lực rất lớn, luôn có một đội lính bảo vệ mỗi khi đi tuần. 

Trong số đó có một người chức vụ thấp bé đi mở đường, gọi là "hát đạo ngũ bách" (người gào lớn dẹp đường). Người này luôn cầm một cây sào dài trên tay để "xua" người đi đường nhường lối đi cho quan to.

Về sau, "hát đạo ngũ bách" tăng thêm một người nữa nhưng dân chúng thành Trường An không gọi họ là "2 người ngũ bách" mà gọi là "cộng xứng ngũ bách". Còn từng người trong "cộng xứng ngũ bách" này được gọi là "nhị bách ngũ" (250).

Lý do đơn giản thế này: "Ngũ bách" trong "hát đạo ngũ bách" (共称伍佰, đọc là gòng chēng wǔbǎi) có cách đọc tương tự với "ngũ bách" trong số 500 (五百, đọc là wǔbǎi). Mà 1 nửa của 500 chính là 250.

Điều này cũng thể hiện rõ sự phẫn nộ của người dân thành Trường An đối với các quan lại thường xuyên tác oai tác quái. Từ thời điểm đó đến nay, "250" còn được sử dụng để ám chỉ những kẻ lỗ mãng, vô lễ, sỗ sàng.

3. Câu chuyện từ văn hóa dân gian

Trước đây có một vị tú tài vì muốn có được công danh nên quên ăn quên ngủ ôn luyện kiến thức. 

Nhưng cả đời vị tú tài cũng không thể thành công, con cái cũng chẳng có. Đến khi về già, người tú tài bắt đầu thờ ơ với danh lợi. Chính vào lúc này, ông mới có quý tử, mà lại là sinh đôi.

Người Trung Quốc xưa nay vẫn luôn ghét con số 250, vì sao? - Ảnh 2.

Nhớ lại thành bại suốt cuộc đời mình, ông không thể không cảm khái và quyết định đặt tên 2 con lần lượt là "Thành Công" và "Thất Bại". Từ đó, ông luôn sống trong không khí gia đình hạnh phúc.

Đến một ngày, vị tú tài dặn dò vợ: "Ta lên chợ mua chút đồ, bà ở nhà đốc thúc 2 con luyện viết chữ, đứa lớn viết 300 chữ, đứa nhỏ viết 200 chữ".

Tú tài về nhà liền hỏi vợ, 2 con ở nhà có chăm chỉ hay không, người vợ mới đáp: "Viết thì viết chữ rồi đấy. 

Nhưng thằng Thành Công thì viết không đủ, còn thằng Thất Bại lại viết dư số lượng, chia đều thì vừa đủ 250 mỗi đứa!".

4. Bắt nguồn từ trò Bài Cửu (Bài Cẩu, là một trò chơi domino của người Trung Quốc)

Bài Cửu là một trò đánh bạc lâu đời của người Trung Quốc, trong đó có 2 loại thẻ bài là "nhị bản" (4 điểm) và "yêu ngũ" (6 điểm), cộng lại là tròn 10 điểm (gọi là "Tệ thập").

Người Trung Quốc xưa nay vẫn luôn ghét con số 250, vì sao? - Ảnh 3.

"Tệ thập" được quy ước là số điểm nhỏ nhất trong Bài Cửu, nó không thể "ăn" được bất kỳ thẻ bài nào cả. 

Chính vì vậy người chơi Bài Cửu thường sử dụng cụm từ "nhị bản yêu ngũ" (gọi tắt là "nhị bản ngũ") để chỉ những kẻ vô dụng, không thể làm bất kỳ điều gì cả.

Về lâu dài, trong quá trình truyền miệng đã có nhiều thay đổi, "nhị bản ngũ" (二板五 èr bǎn wǔ) đã trở thành "nhị bách ngũ" (二百五 èr bǎi wǔ) với ý nghĩa châm biếm những người tự cho là mình thông minh và hành sự không đáng tin cậy.

5. Theo tài liệu ngôn ngữ cổ

Người xưa thường dùng sử dụng đơn vị 500 lượng và dùng giấy để gói bạc. Lúc đó, gói 500 lượng gọi là "1 phong bạc", còn 250 lượng gọi là "nửa phong bạc". 

Bởi vì "nửa phong" (bàn fēng) đồng âm với "nửa điên nửa tỉnh" (bàn fēng) cho nên sau đó, người ta đã dùng con số 250 với ý chỉ những người có tinh thần không tỉnh táo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại