Doanh nghiệp hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng
Theo Wall Street Journal (WSJ), cổ phiếu của Tập đoàn mỹ phẩm Estée Lauder giảm 17% vào tuần trước, chạm mức thấp nhất trong nhiều năm. Công ty của Mỹ này hiện kỳ vọng doanh số bán hàng trong năm tài chính 2024 sẽ tăng từ âm 2% đến dương 1%. Mục tiêu trước đó của doanh nghiệp là tăng trưởng doanh thu hàng năm từ 5% đến 7%.
Chủ tịch đồng thời là giám đốc điều hành của Estée Lauder, ông Fabrizio Freda cho biết, công ty có mức tăng trưởng doanh số bán lẻ chậm hơn đối với khách du lịch ở châu Á và Trung Quốc, được thể hiện bằng lượng đơn đặt hàng trước dịp Ngày Độc thân 11/11. Sự phục hồi trong tiêu dùng giảm dần trong những tháng gần đây sau đợt bùng nổ ngắn hạn hồi đầu năm 2023.
WSJ dựa trên một số liệu chính thức đánh giá, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc hầu như không được cải thiện trong năm qua và dao động quanh mức thấp trong lịch sử. Giá nhà tiếp tục giảm, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt mức cao khiến nhiều người phải cắt giảm chi tiêu.
Ảnh: Wall Street Journal
Người tiêu dùng Trung Quốc thay đổi thói quen chi tiêu
Theo WSJ, những xu hướng đó đã thúc đẩy nhiều người tiêu dùng Trung Quốc hướng tới các lựa chọn có giá thành phải chăng hơn. Điều này có thể mang lại lợi ích cho nhiều thương hiệu trong nước hơn các sản phẩm nước ngoài từ ngành mỹ phẩm đến ô tô.
Cô Alicia Guan sống tại Chiết Giang giàu có hàng đầu ở miền đông Trung Quốc cho biết, cô từng có một tủ chứa đầy các sản phẩm chăm sóc da cao cấp của La Mer - thuộc công ty Estée Lauder, cùng với các sản phẩm khác của các thương hiệu từ Nhật Bản và Thụy Sĩ.
Đại dịch Covid-19 khiến cô phải đóng cửa cửa hàng quần áo trực tuyến của mình, từ đó cô đã cắt giảm chi tiêu. Câu cửa miệng khi mua sắm của Guan này là "Mua ít hơn và rẻ hơn." Cô cho biết sẽ chỉ xem xét nâng cấp các sản phẩm chăm sóc da sau khi thu nhập phục hồi.
Ảnh: Wall Street Journal
Cục diện thay đổi sau 5 năm
Apple tuần trước cũng báo cáo doanh số bán hàng trên toàn cầu giảm trong quý thứ tư liên tiếp. Tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ ba của Apple, doanh thu giảm 2,5% so với quý trước xuống còn 15,1 tỷ USD, thấp hơn ước tính của các nhà phân tích. Công ty cũng vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ những gã khổng lồ địa phương như Huawei.
Nhà sản xuất quần áo mùa đông của Canada có tên Canada Goose tuần trước đã cắt giảm dự báo doanh thu hàng năm, cho biết họ dự kiến doanh thu năm tài chính 2024 sẽ ở mức khoảng 879 triệu USD đến 1 tỷ USD giảm so với dự báo trước đó là 1 đến 1,1 tỷ USD.
Cách đây 5 năm, thị trường hàng tiêu dùng Trung Quốc vẫn bị thống trị bởi các thương hiệu nước ngoài, trong khi các thương hiệu trong nước đang chật vật cạnh tranh. Nhưng giờ đây sản phẩm của các thương hiệu nội địa này đã phổ biến trên các chợ trực tuyến và trên các kệ hàng.
Ảnh: Wall Street Journal
Người tiêu dùng có xu hướng thắt lưng buộc bụng
Một số công ty Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn.
Yum China, công ty điều hành các cửa hàng KFC, Pizza Hut và Taco Bell tại nước này cũng trong tuần trước đã báo cáo kết quả quý 3 không đạt được kỳ vọng, đồng thời, cảnh báo về nhu cầu tiêu dùng giảm.
Jason Yu, tổng giám đốc tại công ty nghiên cứu thị trường CTR Media Convergence Institute, cho biết, chứng khoán Trung Quốc đang chịu áp lực cùng với giá bất động sản khiến người tiêu dùng nước này lo lắng và có xu hướng thắt lưng buộc bụng.
“Mọi người từng tin rằng họ sẽ có thể kiếm được nhiều tiền hơn trong tương lai. Nhưng sau đại dịch Covid-19, kỳ vọng đó đã không còn đúng nữa,” ông nói.
Không phải tất cả các công ty đều trong tình trạng ảm đạm.
Starbucks tuần trước đã báo cáo doanh thu cao hơn trong quý tài chính thứ tư. Doanh số bán hàng tại Trung Quốc tăng 5% trong khi thương hiệu hiện cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng ở bản địa. Thương hiệu đồ uống này cho biết, họ tự tin sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra trước đó là mở 9.000 cửa hàng tại Trung Quốc cho tới năm 2025.