Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam
Sầu riêng được mệnh danh là vua của các loại quả. Mặc dù có mùi hương gây khó chịu với một số người nhưng hầu như những người biết ăn đều "nghiện" hương vị độc đáo của loại quả này.
Sau khi Trung Quốc và Việt Nam ký "Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc", cộng đồng mạng Trung Quốc đã liên tục chia sẻ cho nhau những bài viết về hương vị, cách ăn cũng như cách phân biệt sầu riêng của Việt Nam với sản phẩm từ các nước khác. Đối với nhiều người tiêu dùng ở quốc gia tỉ dân, sầu riêng Việt Nam có những nét độc đáo, khó quên hơn những loại sầu riêng khác.
Nhiều người đã để lại bình luận tỏ ra háo hức trước tương lai được thưởng thức sầu riêng Việt Nam. Một người viết: "Tôi từng làm việc gần Hải Phòng trong một thời gian. Sầu riêng địa phương bán ở siêu thị Hải Phòng rất tuyệt vời, không đắt và khá ngon".
Những bình luận khác nhận định: "(Sầu riêng Việt Nam) hương vị đáng nhớ, rất ngon" hay "Ngon lắm! Sầu riêng Việt Nam là loại trái cây yêu thích của tôi".
Ngoài các bình luận, dưới đây là một số thông tin được chia sẻ trên trang Sina (Trung Quốc):
Vùng sản xuất sầu riêng trải dài từ miền Trung đến miền Nam Việt Nam nhưng tập trung nhiều hơn ở miền Nam, vùng sản xuất chính tập trung ở khu vực xung quanh thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh Đắk Lắk là vùng trồng sầu riêng thích hợp nhất trong tất cả các vùng sản xuất sầu riêng ở Việt Nam. Vì tiêu chuẩn trồng trọt ở đây theo tiêu chuẩn GAP nên những trái sầu riêng được sản xuất ra đều là những trái sầu riêng chất lượng nhất. Sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk có vụ sản xuất từ cuối tháng 7 đến tháng 10, sản lượng hàng năm khoảng 180.000 tấn.
Các loại sầu riêng
Theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp Việt Nam, hiện có hơn 60 giống sầu riêng đang được trồng trong nước.
Trước sự thành công của giống sầu riêng Monthong (Dona) của Thái Lan tại thị trường Trung Quốc, nhiều nông dân trồng cây ăn quả ở Việt Nam đã bắt đầu nhân rộng giống này với hy vọng sẽ có những thành công tương tự.
Do một số khác biệt về môi trường và kỹ thuật trồng nên giống sầu riêng Monthong Việt Nam hơi khác so với giống Thái Lan.
Bên cạnh đó, sầu riêng Ri6 là giống sầu riêng Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép trồng từ năm 2002 và đã được đưa vào canh tác đại trà tại Việt Nam.
Đây là giống sầu riêng được Việt Nam xuất khẩu chủ lực. Ri6 có hình dáng tương đối to, thường nặng khoảng 2-4 kg, trái to hơn một chút nặng khoảng 4-5 kg.
Ri6 chín nhanh nên phải sử dụng dây chuyền bảo quản lạnh toàn bộ từ vườn cây đến tận các cửa hàng tại nước khác. Theo Sina, một đặc điểm đáng chú ý của sầu riêng Ri6 là có thể ăn ở các độ chín khác nhau, và trải nghiệm mang lại sẽ rất khác. Ví dụ, khi quả chín 70% thì có vị ngọt và thơm nhẹ, sợi tương đối nặng và hơi giòn, khi quả chín 80% thì có vị ngọt và mùi thơm đặc trưng của sầu riêng. Khi chín tới 90%, thịt quả có màu vàng óng, mùi vị đậm đà, bắt đầu có cảm giác từng lớp rõ rệt.
Có một số người sẽ không thích Ri6 vì có mùi sầu riêng nồng xộc vào mũi khi ăn. Ri6 sẽ có vị ngọt và đắng rõ rệt nếu ăn lúc quá chín. Lúc này cần chú ý cùi sầu riêng có thể bị lên men, đây là dấu hiệu báo trước rằng cùi có thể đã bị hư hỏng.
Sầu riêng chuồng bò là một loại sầu riêng khác hay bắt gặp tại Việt Nam. Cách đặt tên này xuất phát từ việc giống này lần đầu tiên được phát hiện và trồng gần chuồng bò.
Sầu riêng chuồng bò đã được phát triển ở Việt Nam từ lâu, vùng sản xuất chính nằm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Giống này thuộc loại quả vừa và nhỏ, thường nặng khoảng 1,5 - 3kg, cùi có màu từ trắng kem đến vàng nhạt. Khi độ chín dưới 80%, vị sầu riêng tương đối nhạt nhưng cùi ngọt, dẻo và bùi. Nếu độ chín vượt quá 80% sẽ có mùi thơm của kem và nếp rất được người tiêu dùng tại Việt Nam ưa chuộng.
Năm 2021, sản lượng sầu riêng của Việt Nam vào khoảng 642.600 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Các giống chủ lực là Ri6, chuồng bò, Cái Mơn,... với những vùng sản xuất chính là các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phúc, Tiền Giang và Đắk Lắk.