Đối với nhiều người trẻ Nhật, vốn nằm trong nhóm những người trẻ thận trọng nhất châu Á, tâm lý bi quan gây hạn chế tiêu dùng đang ngày một giảm bớt khi mà kinh tế Nhật trải qua khoảng thời gian tăng trưởng dài nhất trong nhiều thập kỷ.
Theo báo Nikkei, tại công viên giải trí Kidzania chi nhánh Osaka mới đây, khoảng hơn 600 người lớn đã tham gia vào sự kiện giải trí dành cho trẻ em. Dù họ phải chi ra khoảng 5.000 yên, tức khoảng 45USD, chỉ để có cơ hội mặc đồ trẻ con thỏa mãn ước mơ được trở về thời thơ ấu, sự kiện đã thu hút số lượng rất lớn người tham gia.
Trong tháng 8/2018, sự kiện hợp tác giữa hãng quần áo Tokyo và chuỗi cửa hàng Beams and Ziploc đã có sự tham gia của rất nhiều những người tiêu dùng trẻ tuổi trong độ tuổi từ 20 đến 30, mỗi người chi tiêu không tiếc tay cho những mặt hàng có giá đến gần 3 triệu đồng/món.
Và tại nhiều nơi khác trên nước Nhật, tiêu dùng của người dân với nhiều mặt hàng đắt tiền như ô tô và du lịch nước ngoài tăng lên.
Thói quen chi tiêu của người trẻ Nhật như vậy tương phản hoàn toàn với thói quen tiết kiệm của cha mẹ họ. Bao nhiêu lâu nay, tình trạng dân số giảm khiến cho tiêu dùng của người Nhật không thể tăng trưởng cao. Khi kinh tế bước vào những năm tăng trưởng cao, người trẻ Nhật đua nhau mua sắm.
Trong năm 2018, mỹ phẩm xa xỉ và những hoạt động ví như các bữa tiệc bên bể bơi vào buổi tối có sự tham gia nhiệt tình của người trẻ Nhật. Khi mà điều kiện sử dụng điện thoại thông minh ngày một thuận tiện hơn, người Nhật càng hiểu rõ hơn về các xu thế tiêu dùng và hiểu về sản phẩm mà họ mua.
Người trẻ thường không quá quan tâm đến thương hiệu nhưng quan tâm nhiều đến chức năng và giá trị, cách chi tiêu này khác hoàn toàn với thế hệ cha mẹ của họ, những người từng sống qua thời kỳ kinh tế bong bóng cuối thập niên 1980.
Tiêu dùng trong nhóm các hộ gia đình trẻ trong năm 2017 tăng trưởng đến 2,8%, trái ngược hoàn toàn với mức suy giảm 10,8% của năm trước đó.