Hiện nay ngày càng nhiều người trẻ cảm thấy không hạnh phúc, bị căng thẳng rất nhiều, và luôn rơi vào trạng thái buồn bã.
Đây không phải là nhận định suông, mà có căn cứ khoa học hẳn hoi, dựa trên số liệu từ nghiên cứu mới nhất của chuyên gia tâm lý J.M Twenge từ ĐH Bang San Diego.
Từ buồn bã, căng thẳng, chán nản dẫn đến trầm cảm - con đường ấy không hề xa xôi. Mà trầm cảm có hại như thế nào ư?
Ngày 14/10, Sulli bé nhỏ qua đời. Trước đó 2 năm, làng giải trí xứ Hàn cũng vĩnh viễn mất đi Jonghyun. Nguyên nhân cái chết của cả 2 đều là do tự sát, với đều bị trầm cảm nặng trong thời gian dài.
Jonghyun và Sulli là hai nghệ sĩ tài năng nhưng bạc mệnh của SM Entertainment.
Sự buồn bã của người trẻ đang thể hiện qua những con số đáng sợ.
Trong mẫu nghiên cứu của Twenge, có đến 52% người tham gia mắc các chứng rối loạn về cảm xúc, hình thành các suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm gia tăng, để rồi dẫn đến hệ lụy là ý định tự sát ngay ở độ tuổi thiếu niên (12 - 17 tuổi).
Và 63% người trưởng thành trong nghiên cứu (18-25) cũng có dấu hiệu tương tự.
Tuy rằng độ tuổi từ 26 trở lên không có liên hệ gì trong nghiên cứu này, nhưng từng đó cũng đủ cho thấy một thực trạng không hề ổn trong xã hội hiện nay.
Nỗi buồn u ám trên một bộ phận người trẻ.
Lý do nằm ở đâu?
Tại sao một người cảm thấy buồn? Có lẽ là rất nhiều yếu tố. Nhưng trong nghiên cứu của Twenge, cô chỉ ra 2 tác nhân ngay trong cuộc sống hiện đại.
Đầu tiên là sự phát triển của hệ thống các phương tiện giao tiếp điện tử - internet, mạng xã hội, smartphone.
Và hai, đó là việc người trẻ hiện nay đang ngủ quá ít.
Đầu tiên, mạng xã hội cùng vô số các ứng dụng trò chuyện khác hiện đang có tác động ngày càng lớn đến con người, vượt xa khỏi những gì chúng ta có thể tưởng tượng.
Giới hạn độ tuổi tối thiểu sử dụng các ứng dụng trên đang ngày càng rộng, dẫn đến chuyện trẻ em được tiếp xúc với mạng xã hội sớm hơn.
Không khó để thấy những đứa trẻ 7, 8 tuổi sử dụng điện thoại cực kỳ thành thạo, dành thời gian online, xem video trên YouTube, tiếp cận với những nội dung khiến khả năng hình thành chúng rối loạn cảm xúc tăng lên.
Một trong những điều kinh khủng nhất mà internet và mạng xã hội có thể mang lại, đó là nạn cyberbullying - bắt nạt qua mạng.
Đây có thể hiểu đơn giản là những bình luận tiêu cực, gay gắt và có tính chất "bầy đàn" của cư dân mạng trước một vấn đề nào đó.
Ai nhìn qua cũng nghĩ đó chẳng là vấn đề gì to tát, nhưng với các nạn nhân bị cyberbullying thì trải nghiệm ấy là hết sức kinh khủng, có thể giết chết cả một đời người.
Hãy nhìn Sulli. Mỹ nhân bạc phận xứ Hàn đã gặp căng thẳng rất nhiều vì những lời bình luận đầy sát thương của cộng đồng mạng, và đó chỉ là một trường hợp trong hằng hà sa số những nạn nhân của internet.
Cảm giác chán nản, tuyệt vọng cũng từ đây mà ra.
Tiếp theo, chúng ta sẽ đến với khái niệm về thời gian - thứ sẽ trôi qua rất nhanh khi sử dụng internet.
Dùng càng lâu, càng khó để đặt điện thoại hay tablet xuống để đi ngủ. Việc này dẫn đến hiện tượng thứ 2: giới trẻ đang ngủ quá ít, vì họ không muốn bỏ lỡ bất kỳ điều gì hay ho trên thế giới internet rộng lớn ngoài kia.
Mà giấc ngủ thì quan trọng. Đó là thời điểm cơ thể rất cần để nạp lại năng lượng, giúp trí não nghỉ ngơi để hoạt động hiệu quả hơn, và từ đó tốt cho sức khỏe tinh thần. Nghĩa là ngược lại, ngủ ít thì tinh thần sẽ tệ hơn, vậy thôi.
Cải thiện tình trạng này bằng cách nào?
Việc thanh thiếu niên và trẻ em hiện nay sử dụng phương tiện điện tử nhiều hơn một phần đến từ chính cha mẹ của mình.
Hiện tại các bậc phụ huynh cảm thấy việc có thể liên lạc với con ngay lập tức là điều quan trọng, bởi vậy họ sẵn sàng trang bị cho con những thiết bị có khả năng kết nối internet.
Cũng tốt, nhưng lợi bất cập hại, vì họ sẽ chẳng cách nào ngăn được con mình không sử dụng điện thoại khi ở trường.
Vậy nên thay vào đó, một số người quyết định sử dụng các loại đồng hồ hoặc vòng tay thông minh - vừa có GPS, vừa hỗ trợ liên lạc, đồng thời ngăn được trẻ lạm dụng internet với các công cụ ấy.
Ngoài ra, hiện tại cũng có một số ứng dụng trên điện thoại cho phép cha mẹ khống chế thời lượng sử dụng của con, và theo dõi được nội dung chúng tiếp cận thông qua một thiết bị khác.
Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm. Người thân trong gia đình đôi khi quá vô tâm, hoặc quan tâm không đúng cách đến cuộc sống của con mình, và khiến những đứa trẻ lớn lên trong sự cô đơn.
Phải chăng từ sự cô đơn ấy, chúng sẽ phải bù đắp bằng những phương tiện khác từ mạng xã hội?
Chính bản thân chúng ta - những người trưởng thành - cũng cần phải hạn chế bớt thời lượng sử dụng internet.
Chẳng riêng gì trẻ em và thanh thiếu niên, người trưởng thành cũng bị công nghệ tác động rất nhiều, dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần. Tinh thần của người lớn phải vững vàng mới mong người trẻ thay đổi được, đúng không?
Và cuối cùng, các netizen ạ, các bạn hãy học cách vị tha hơn. Ngưng buông lời sát thương, ngừng những lời ác ý.
Mạng là ảo, nhưng hệ quả từ chúng là thật, và có thể kinh khủng đến mức khiến một con người đưa ra quyết định dại dột nhất, đó là chấm dứt mạng sống của chính mình.