Cách người trẻ chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng
Việt Hằng (24 tuổi, Hà Nội) kiếm được 15 triệu đồng/tháng từ công việc văn phòng. Từ cách đây 2 năm, cô nàng đã trải qua một "biến cố" khiến bản thân nâng cao ý thức quản lý tài chính. Kể từ bấy giờ, Việt Hằng cố gắng chỉ tiêu hết 5 triệu tháng, tháng nào nhiều nhất sẽ lên đến 70% lương, tức là 7 triệu đồng.
"Mình chi 1,5 triệu đồng tiền nhà, bao gồm tất cả khoản chi phí. Mình ở cùng bạn trong căn phòng trọ diện tích 25m2, giá điện bình dân nên phí đóng không quá đắt đỏ. Tiếp đến, mình mất 2 triệu đồng tiền ăn. Chi phí sinh hoạt còn lại gồm tiền mua đồ dùng cá nhân, xăng xe đi lại, mỹ phẩm… vỏn vẹn trong khoảng 1,5 triệu đồng.
Tháng nào, mình có nhu cầu đi du lịch hay trà sữa với bạn thì sẽ tốn thêm. Tuy nhiên, dù nhu cầu tiêu thế nào thì số tiền để dành của mình cũng ít nhất phải đạt mốc 50% lương", Hằng nói về cách cô bạn chỉ tiêu 5 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt.
Ảnh minh hoạ
Để duy trì lối sống tiết kiệm, Việt Hằng đã phải cắt giảm nhiều nhu cầu cuộc sống so với bạn bè đồng trang lứa. Cô nàng chia sẻ một vài bí quyết để thắt chặt chi tiêu như sau:
- Nấu đủ ăn và mua thực phẩm từ quê: Khi nấu ăn, Việt Hằng và bạn cùng trọ thống nhất dựa theo khẩu phần ăn uống của cả hai, không nấu thừa và đổ đi phung phí. Ngoài ra, họ chọn mua thực phẩm từ quê rồi mang lên để tiết kiệm chi phí so với sắm đồ trên thành phố.
- Giảm nhu cầu giải trí: Việt Hằng cố gắng chỉ mua cafe hay trà sữa 1 lần/tuần. Vào thời gian cuối tuần, cô thường về quê với bố mẹ nên không cần chi tiền đi du lịch hay đến địa điểm giải trí, trừ khi bạn bè đã thống nhất lịch hẹn từ trước.
- Mua hàng trên sàn thương mại điện tử: Cô nàng thường mua mỹ phẩm và đồ gia dụng trên sàn thương mại điện tử để tiết kiệm chi phí.
Một trường hợp khác, Khánh Linh (24 tuổi, Thanh Hoá) cũng chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng vì thời gian thất nghiệp kéo dài. Hơn nửa năm trước, cô bị sa thải khỏi vị trí nhân viên phòng Lab cho một doanh nghiệp Dược phẩm. Hiện tại, cô nàng đã quay lại Hà Nội đã tìm kiếm cơ hội việc làm.
Linh cho biết thêm, hiện tại chi tiêu của cô nàng đã quay về với mức "tiêu tiền như thời sinh viên", do đó chất lượng sống đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, với Linh việc cắt giảm chi tiêu là cần thiết trong thời điểm khó xin việc làm.
Nói về bí quyết tiết kiệm tiền, Linh cho hay: "Cách tiết kiệm của mình giống nhiều người thất nghiệp khác. Mình cố gắng nhờ bố mẹ gửi thức ăn từ quê lên, chăm chỉ nấu ăn ở nhà và hạn chế tiệc tùng cùng bạn bè.
Mình luôn đóng 2,5 triệu đồng tiền thuê nhà đầu tiên, sau đó còn bao nhiêu sẽ mua sắm chỉ đủ trong số tiền đó. Cụ thể hơn, mỗi lần đi chợ, mình sẽ trữ đồ ăn cho cả tuần với mức 200 ngàn đồng/lần. Chi phí xăng xe tương đương. Khoản chi cho sản phẩm thiết yếu là 250 ngàn đồng. Sản phẩm chăm sóc da là 1 triệu đồng. Còn lại là tiền cho các cuộc hẹn, hoặc đi đám cưới. Nếu hôm nào, tuần nào dùng hơn thì sẽ cắt bớt. Như có lần mình từng nhờ bạn trả hộ tiền thuê nhà tháng này, tháng sau phải cắt bỏ hẳn khoản tiền mua mỹ phẩm để bù vào tiền nợ".
Ảnh minh hoạ
Bên cạnh đó, Linh bày tỏ điều khó khăn nhất trong thời gian thất nghiệp không phải vì chi tiêu ít đi mà là áp lực đồng trang lứa, hay lời hỏi thăm từ bố mẹ.
"24 tuổi, nhiều người bạn của mình đã lên làm leader, kiếm được chục triệu đồng/tháng. Mình học từ trường dược ra, không đi làm từ những năm sinh viên nên chặng đường thăng tiến chậm hơn. Nhìn thấy bạn bè liên tục đạt thành tựu, trong khi mình đứng im là điều khó khăn. Ngoài ra, mình cũng muốn nhanh chóng tìm được việc làm để có thể gửi thêm tiền phụ bố mẹ vài ba triệu đồng cách 2-3 tháng như trước", Linh tâm sự.
Lời khuyên tài chính từ người trẻ
Theo Khánh Linh, sau quãng thời gian dài thất nghiệp, cô nàng rút ra, dù có kiếm được nhiều tiền hay không, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn một khoản tiết kiệm để dự phòng bất trắc. "Không chỉ khi thất nghiệp, tài khoản có số dư lớn cũng khiến bản thân an tâm hơn. Khi có khoản lớn, nếu có cơ hội đầu tư hay khởi nghiệp thì có thể nhanh chóng nắm bắt mà không bị vấn đề tài chính cản trở", Linh cho hay.
Còn với Việt Hằng, sau khoảng 2 năm chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng, cô nàng đã có khoản tiết kiệm 120 triệu đồng. "Nhưng với cá nhân, mình biết số tiền đang có vẫn còn khá ít, nếu như muốn tính đến các mục tiêu xa hơn trong tương lai như mua nhà, mua xe ô tô… Khi nói chuyện với các anh chị đồng nghiệp đã có gia đình, mình nhận ra khi đã kết hôn và có con, việc để dành tiền sẽ càng khó khăn hơn", Việt Hằng nói.
Với số tiền tiết kiệm, Việt Hằng dành khoảng 30 triệu đồng để học thêm một ngôn ngữ mới. Còn lại, cô nàng dự tính sẽ chia ra để gửi tiết kiệm hay mua vàng.
Tương tự Khánh Linh, Việt Hằng cũng cho rằng việc tiết kiệm tiền rất quan trọng. "Cách đây 2 năm, tức khi mình 22 tuổi, bản thân phải tự trả hết 50 triệu đồng trong 2 tháng, bao gồm tiền học (20 triệu đồng), bảo hiểm sức khỏe (20 triệu đồng), thi chứng chỉ ngoại ngữ (10 triệu đồng). Việc phải tiêu cùng lúc số tiền lớn trong thời gian ngắn khiến mình luôn dặn bản thân phải có khoản để dành, phòng trường hợp bất trắc trong tương lai", cô nàng bày tỏ.