Đột quỵ ngày nay không còn là bệnh đến già mới lo nữa mà người trẻ cũng cần phải chú ý nếu gia đình có tiền sử tăng huyết áp, bản thân bị rối loạn chuyển hóa, thừa cân béo phì, tiểu đường.
Chưa tới tuổi 40 đã đột quỵ
Gần đây nhất, tại Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược TP HCM, các bác sĩ đã cứu một trường hợp đột quỵ mới 22 tuổi. Bệnh nhân là anh N.H.V (ngụ tỉnh Hậu Giang) đang là sinh viên.
Trước khi nhập viện, anh sinh viên năm cuối chuyên ngành thủy sản vốn không bia rượu, thuốc lá bỗng dưng nói ngọng, yếu tay chân bên phải.
Được đưa vào cấp cứu, các bác sĩ chụp động mạch não cho thấy bệnh nhân bị hẹp não giữa bên trái. Với sự hợp sức can thiệp của nhiều chuyên gia thần kinh, anh H. được cứu sống.
Trong khi đó, một nam bệnh nhân khác (39 tuổi, ngụ TP Hà Nội) đã không qua khỏi sau cơn tai biến quá bất ngờ.
Người nhà anh cho biết khoảng 1 giờ trước khi nhập viện, anh này vẫn cười nói vui vẻ nhưng sau đó đột ngột ôm đầu kêu đau dữ dội, co giật toàn thân kèm theo nôn ói và nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân lên cơn đột quỵ và đã chụp mạch máu não.
Khi đó, bệnh nhân đã bị vỡ mạch máu não, máu chảy tràn vào khoang trống bao quanh não khiến bệnh nhân mất ý thức, hôn mê. Mặc dù được phẫu thuật và điều trị tích cực nhưng anh này đã không qua khỏi.
Theo PGS-TS Vũ Anh Nhị, Chủ tịch Hội Thần kinh học TP HCM, thông thường, đột quỵ não được xem là bệnh của người cao tuổi, với độ tuổi trung bình của bệnh là từ 55 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, những năm gần đây, đột quỵ não đang ngày càng trẻ hóa với mức tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm. Nhiều BV, đơn vị thậm chí còn tiếp nhận những trường hợp bị đột quỵ khi mới 18, 20 tuổi.
Ngắn đời do lối sống
PGS-TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng - Bệnh viện Bạch Mai, phân tích sở dĩ có sự gia tăng đột quỵ ở người trẻ tuổi là bởi các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống hiện đại và bệnh mãn tính đã thúc đẩy liên tục và khởi phát quá trình diễn tiến thành đột quỵ ngày càng gần hơn.
Hơn nữa, ở độ tuổi ngoài 30 thường được xem là giai đoạn sung sức, ít bệnh tật nhất. Điều này dễ dẫn đến tâm lý chủ quan nên khi có người thân ở tuổi này trong nhà bị bệnh ai cũng đều bất ngờ.
Theo PGS Khanh, nếu nhóm tuổi ngoài 30 nguyên nhân tăng huyết áp chiếm đến 50%-60% ca cấp cứu đột quỵ thì ở nhóm dưới 20 tuổi chủ yếu là do dị dạng mạch máu não.
"Do đó, đột quỵ ngày nay không còn là bệnh đến già mới lo nữa mà người trẻ cũng cần phải chú ý nếu gia đình có tiền sử tăng huyết áp, bản thân bị rối loạn chuyển hóa, thừa cân béo phì, tiểu đường" - PGS Khanh nhấn mạnh.
"Bận rộn với công việc, cuộc sống khiến người ta dần bỏ quên thói quen vận động cơ thể nhưng ít ai biết rằng ít vận động cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ" - một chuyên gia lưu ý.
GS-TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, cũng khẳng định tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ não, suy tim...
Tại Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp thì năm 2016, tỉ lệ này vượt lên 48% và ở mức báo động đỏ.
"Đôi khi đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn... có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm nhưng có những bệnh nhân bỗng dưng bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não khi đến viện mới phát hiện huyết áp cao chót vót" - GS Việt thông tin.
TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115 kiêm Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, nhận định mức độ căng thẳng của công việc, chế độ dinh dưỡng và lạm dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân gia tăng xuất huyết não ở độ tuổi 45.
Đặc biệt, sử dụng rượu bia ở độ tuổi càng sớm thì nguy cơ bị xuất huyết não ở độ tuổi trẻ hơn càng tăng.
Anh Đinh Đăng Tài, cử nhân vật lý trị liệu Trung tâm Phục hồi chức năng - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ngoài vấn đề kinh tế gia đình thì sự quyết tâm của người bệnh và người nhà bệnh nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chăm sóc và tập luyện phục hồi chức năng cho người bệnh tái hòa nhập cộng đồng.
Nếu nhanh, khoảng 2-3 tháng, người bệnh sẽ dần ổn định và có thể trở lại công việc hằng ngày nhưng cũng có trường hợp quá trình phục hồi chức năng phải kéo dài tới cả năm trời, thậm chí lâu hơn nhưng vẫn không thể trở lại bình thường.
90% bệnh nhân sau đột quỵ bị di chứng
Thống kê của Tổ chức Đột quỵ thế giới mới đây cho thấy cứ 6 người thì có 1 người có nguy cơ bị đột quỵ. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động.