Trung Quốc cấm đánh cá 10 năm trên Trường Giang
Đây là lệnh cấm đầu tiên theo hình thức kể trên được Bắc Kinh áp đặt đối với Trường Giang, khi chính phủ đối diện với tình trạng suy giảm trong trữ lượng cá cũng như mức độ đa dạng sinh học trên con sông dài 6.300km. Nhà chức trách nhận thấy các lệnh cấm đánh bắt theo mùa đã không còn phát huy đủ tác dụng.
Lệnh cấm đánh bắt 10 năm có hiệu lực từ ngày thứ Tư, 1/1/2020, và được áp dụng ở 332 khu bảo tồn dọc bờ sông. Quy định mới cũng sẽ được mở rộng để áp dụng đối với dòng chảy chính của sông Trường Giang cùng các nhánh sông then chốt từ 1/1/2021.
"Trường Giang là con sông chủ chốt của thế giới, xét đến sự đa dạng các chủng loài thủy sinh của nó. Con sông cũng là lá chắn quan trọng để bảo vệ hệ sinh thái của đất nước và cải thiện bảo tồn trong khu vực," thứ trưởng Bộ nông nghiệp Trung Quốc Yu Zhenkang ngày 1/1 cho biết.
"Lệnh cấm đánh bắt là biện pháp then chốt để ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng suy giảm hệ sinh thái của dòng sông cùng với sự bất kỳ sự suy giảm nào nữa trong đa dạng sinh học."
Ông Yu nói thêm, các hoạt động xây đập, đánh bắt quá mức, vận tải đường thủy, xả thải và nạo vét đã làm trầm trọng thêm môi trường sống của các loài thủy sinh của Trường Giang. Hệ quả là "sự sụt giảm toàn diện" số lượng các loài quý hiếm.
Phát biểu ở một hội thảo phát triển khu vực hồi tháng 4/2018, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo Trường Giang đã bị cạn kiệt một cách tồi tệ, đến mức có thể mô tả là ở tình trạng "không còn cá".
Nỗ lực phục hồi hệ sinh thái
Cao Wenxuan, nhà sinh vật học ở Viện khoa học xã hội Trung Quốc, đã vận động từ thập niên 2000 để chính phủ áp lệnh cấm đánh bắt 10 năm. Ông nói rằng lệnh cấm là hết sức cấp thiết và mang lại hy vọng phục hồi trữ lượng cá của Trường Giang.
"Khi chúng ta nói về tình trạng Trường Giang 'không có cá' thì đó không có nghĩa là là không còn một con cá nào theo nghĩa đen, mà hiểu là tình trạng về trữ lượng cá," Cao nói. "Có ít cá hơn rất nhiều so với vài thập kỷ trước. Ngoài ra, cá đánh bắt được ngày nay nhỏ hơn ngày trước rất nhiều."
Sự xuống cấp của hệ sinh thái Trường Giang có tác động đáng kể lên ngành công nghiệp đánh bắt - theo báo cáo của Tân Hoa Xã. Vào năm 1954, quy mô đánh bắt hàng năm là 427.000 tấn, còn những năm gần đây giảm xuống dưới 100.000 tấn.
Ngư dân Yuan Wenbing ở tỉnh Giang Tây nói với Quang Minh Nhật báo rằng ông từng bắt được những con cá nặng tới 35kg trong những năm đầu thập niên 1990, còn giờ thì không tìm được cá nặng hơn 5kg.
Cao nhận xét, việc đánh bắt quá mức đã làm trầm trọng thêm các vấn đề môi trường và "tạo thành một vòng luẩn quẩn".
Xây đập, xả thải, đánh bắt, vận tải, nạo vét,... là những hoạt động ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của các loài thủy sinh trên Trường Giang (Ảnh: Shutterstock)
Theo ước tính của nhà chức trách, khoảng 280.000 ngư dân trên 10 tỉnh dọc Trường Giang sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm mới. 113.000 tàu đánh cá có đăng ký sẽ bị đình chỉ hoặc phá hủy. Chính phủ đã phân bổ ngân sách để hỗ trợ người dân tìm các công việc khác, chi trả phúc lợi cũng như đào tạo.
Dù vậy, lệnh cấm được cho là không tác động nhiều đến thị trường, bởi lượng đánh bắt ở Trường Giang hàng năm chỉ chiếm khoảng 0.32% nguồn cung thủy sản của Trung Quốc. Cao Wenxuan lý giải lệnh cấm là nỗ lực phục hồi các loài cá hoang dã.
Thứ trưởng Yu Zhenkang nói, trong thập kỷ tiếp theo Trung Quốc sẽ nỗ lực khôi phục môi trường sống cho cá trên Trường Giang, đồng thời tiến hành chương trình nhân giống cho một số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Nhà chức trách sẽ được trang bị tàu bè, thiết bị bay và hệ thống giám sát video để chống lại hoạt động đánh cá lậu. Ngư dân cũng có thể được tuyển dụng để tuần tra trên sông.