Cũng nhờ kết quả kinh doanh khả quan của Samsung Electronics, công ty con quan trọng nhất trong tập đoàn, mà ông Lee ngày càng giàu lên, cho dù phải ngồi sau song sắt - hãng tin Reuters cho biết.
Bị bắt và đưa ra xét xử do các buộc hối lộ cựu Tổng thống Park Geun-hye, ông Lee đã không có dịp chứng kiến hai lần Samsung Electronics trình làng mẫu điện thoại thông minh (smartphone) chủ lực và ba lần hãng lập kỷ lục về lợi nhuận quý. Trong đó, vào ngày thứ Sáu tuần này, Samsung dự báo mức lợi nhuận cao chưa từng có trong quý 3/2017.
Ngoài ra, ông cũng sẽ được thông báo về việc cấp dưới cao nhất của ông, Giám đốc điều hành (CEO) Samsung Electronics, ông Kwon Oh-hyun, đã quyết định từ chức để mở đường cho việc tìm một nhà lãnh đạo mới cho công ty.
Ông Kwon - người từng được kỳ vọng sẽ đảm nhận một vai trò lớn hơn sau khi ông Lee bị bắt và một loạt nhân vật cấp cao khác của Samsung Electronics ra đi sau vụ bê bối hối lộ - bất ngờ tuyên bố từ chức vào ngày thứ Sáu, khi Samsung dự báo mức lợi nhuận quý kỷ lục nhờ mảng con chip nhớ ăn nên làm ra.
Dù không thể làm được nhiều việc để giảm thiểu khoảng trống quyền lực tại một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, người thừa kế 49 tuổi của Samsung vẫn hưởng lợi từ những gì mà Samsung làm được khi không có ông ở bên.
Ông Lee có lẽ cảm thấy vui khi biết rằng khối tài sản của ông, xét trên cổ phần trong Samsung Electronics, đã tăng ít nhất 45% kể từ khi ông bị bắt.
Dù chỉ ở mức chưa đầy 1%, cổ phần của ông Lee trong Samsung Electronics hiện trị giá 2,3 nghìn tỷ Won, tương đương 2 tỷ USD. Ngoài ra, ông Lee cũng nhận được ít nhất 11,8 tỷ Won, tương đương 10,5 triệu USD, tiền cổ tức từ Samsung Electronics kể từ khi ông bị bắt, và 837 triệu Won tiền lương của nửa đầu năm 2017.
Ngoài cổ phần trong Samsung Electronics, ông Lee còn nắm giữ cổ phần trong các công ty con khác của tập đoàn Samsung.
Nhiều khả năng ông Lee sẽ bỏ lỡ thêm một lần công bố kết quả kinh doanh quý nữa của Samsung, bởi theo dự kiến ông sẽ ở trong tù cho đến hết tháng 2, khi tòa phúc thẩm xử lý đơn kháng án của ông ra phán quyết về vụ kiện.
Dù một số nhà đầu tư lo ngại về tình trạng khoảng trống quyền lực kéo dài ở Samsung, và ông Kwon cũng cảnh báo rằng Samsung đang chật vật tìm động lực tăng trưởng mới, nhiều người vẫn tỏ ra lạc qua.
“Tôi cho rằng Samsung có một hệ thống để vận hành công ty cho dù người đứng đầu vắng mặt, như chúng ta đã chứng kiến từ trường hợp của cả Lee Kun-hee và con trai ông ấy Jay Y. Lee”, một nhà quản lý quỹ nắm giữ cổ phiếu Samsung nói. Vào năm 2014, ông Lee Kun-hee, Chủ tịch tập đoàn Samsung và là cha của ông Jay Y. Lee đã mất khả năng điều hành sau một cơn đột quỵ.
“Sẽ có một ai đó thay thế ông ấy. Giống như Apple vẫn ổn sau khi Steve Jobs qua đời”, nhà quản lý quỹ phát biểu.