Cuộc bình chọn "VĐV, HLV tiêu biểu - VĐV, HLV thể thao người khuyết tật xuất sắc toàn quốc" năm 2017 đã và đang gây xôn xao trong dư luận về công tác tổ chức còn quá nhiều bất cập. Chỉ có thứ hạng bình chọn ở hai hạng mục thể thao người khuyết tật, nơi thầy trò Nguyễn Hồng Phúc - Lê Văn Công giành chiến thắng tuyệt đối, mới khiến mọi người thật sự hài lòng.
Hầu như chẳng mấy người hâm mộ không biết đến lực sĩ Lê Văn Công, người đầu tiên mang tấm HCV Paralympic Rio 2016 về cho thể thao người khuyết tật Việt Nam bên cạnh những ngôi vô địch cùng vô số kỷ lục thế giới mà anh thiết lập trong 5 năm qua.
Không chỉ riêng Công, đồng đội của anh như Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng, Châu Hoàng Tuyết Loan... cũng đều là những nhà vô địch, những kỷ lục gia được bạn bè, đồng nghiệp khắp nơi tôn trọng, nể phục.
Lặng lẽ phía sau các tuyển thủ, gánh vác rất nhiều công việc không tên trước, trong và sau những giải đấu lớn, HLV Nguyễn Hồng Phúc chỉ thở phào khi chứng kiến học trò đăng quang. Ròng rã hàng tháng trời gắn với những đợt tập huấn, anh nghĩ đến cảnh sum họp với gia đình nhỏ của mình để rồi lại tất tả chuẩn bị cho các giải đấu phía trước.
Cứ như thế gần 20 năm qua, anh trở thành một phần không thể thiếu của thể thao người khuyết tật, đưa những VĐV "tàn nhưng không phế" với ý chí chiến đấu vô cùng mãnh liệt đến mọi đấu trường để làm rạng danh hai tiếng "Việt Nam"…
HLV Nguyễn Hồng Phúc và lực sĩ Lê Văn Công Ảnh: Hải Linh
Tốt nghiệp Khoa Điền kinh ở Trường Đại học TDTT TP HCM, Nguyễn Hồng Phúc bắt đầu làm công tác huấn luyện cho VĐV khuyết tật môn cử tạ từ năm 2000.
Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tự nhận thấy chưa hội đủ điều kiện cho công việc tưởng dễ mà khó này, anh xin tạm dừng huấn luyện để tự học hỏi, tìm tòi nâng cao nghiệp vụ. Mãi đến năm 2009, anh mới tự tin trở lại với đội tuyển cử tạ người khuyết tật, khởi đầu cho một chặng đường mới mẻ, đầy khó khăn nhưng cũng thành công hơn cả mong đợi.
"Làm HLV cho người khuyết tật phải nắm rõ ba chữ D, gồm dụ, dẫn dắt và dạy… Nói thật chứ không đùa bởi nếu bên thể thao của người bình thường, VĐV trưởng thành theo từng tuyến, trình độ được nâng dần từ cơ bản lên cao thì chúng tôi phải biết "nhìn" được tài năng từ những người bị khiếm khuyết cơ thể mà đa phần đều đã trưởng thành, có nghề nghiệp hẳn hoi.
Phát hiện rồi phải "dụ dỗ" họ chơi thể thao, mời về tập luyện rồi từng bước đào tạo thành những VĐV thực thụ. Trong tập luyện, HLV là người hỗ trợ VĐV di chuyển, giúp nâng tạ còn khi họ nghỉ ngơi, phải bắt tay vào sửa sang lại xe lăn, nạng... bị hỏng hóc, tạo điều kiện tốt nhất để VĐV chuyên tâm vào tập luyện.
Thi đấu thì lo lắng, hồi hộp còn hơn cả VĐV. Học trò thất bại, thầy là người đầu tiên an ủi, động viên; còn nếu có huy chương, HLV là người hạnh phúc nhất. Cứ như thế, thể thao người khuyết tật trở thành máu thịt, giúp được VĐV thỏa mãn niềm đam mê tập luyện, trút bỏ mặc cảm để đóng góp cho đời, còn bản thân hạnh phúc khi làm được những điều có ích" - HLV Phúc chia sẻ.
Anh Nguyễn Hải Linh, chuyên viên của Quỹ Parasports, người sát cánh cùng đội tuyển thể thao người khuyết tật Việt Nam nhiều năm, nhận xét: "Anh Phúc là người chẳng giống ai, sáng tạo trong huấn luyện, khiêm nhường, tận tụy với VĐV, được mọi người tin tưởng và yêu mến".
Hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình, HLV Nguyễn Hồng Phúc xác định sẽ còn gắn bó lâu dài với thể thao người khuyết tật. Trước mắt, sau những ngày nghỉ ngơi ngắn ngủi, thầy trò sẽ lại bắt tay vào việc, chuẩn bị cho Para Asian Games 2018 tại Indonesia và xa hơn là đấu trường Paralympic Tokyo 2020.