Trịnh Thế Mạnh được gặp thầy Nguyễn Hoàng Duy vào đúng mùa mưa năm 2012. Cả thành phố biển Nha Trang mưa rả rích suốt cả ngày. Thầy nhận Mạnh và hai học viên khác vào tổ học tập. Khi ấy thầy còn rất trẻ, người cao to, vạm vỡ, đen sạm.
Mới đầu thầy hướng dẫn anh học tập lý thuyết. Quá trình học tập mặt đất trước khi vào bay là một thử thách lớn đối với học viên phi công. Qua những đợt kiểm tra chặt chẽ, cuối cùng Mạnh và thầy cùng nhau bay chuyến đầu tiên của kỳ huấn luyện.
Anh mang số hiệu 04, còn thầy Duy số 076. Trong suốt những ngày tháng tiếp theo, cả thầy và trò đều nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, biết bao giọt mồ hôi làm ẩm cả mũ bay. Dù tập luyện vất vả là vậy nhưng con đường trở thành phi công không hề đơn giản. Tổ học tập ba người của anh đã có sự thay đổi lớn.
Hai đồng đội của anh khi bay kiểm tra không đủ điều kiện nên bị cắt bay. Chỉ còn một mình Mạnh, thầy Duy càng nghiêm khắc với anh trong quá trình tập luyện. Nhưng Mạnh thì lại buồn chán và lo âu, trong đầu luôn suy nghĩ: "Hôm nay bạn bị cắt bay, biết đâu ngày mai sẽ đến lượt mình?".
Thế nhưng nhờ thầy Duy mà anh không chỉ "thoát nạn", mà còn thực hiện được ước mơ bay của đời mình.
Thầy giáo Nguyễn Hoàng Duy (người đứng) và học viên Trịnh Thế Mạnh sau chuyến bay đơn thành công trên máy bay YAK-52. Ảnh nhân vật cung cấp.
Khi ấy vào tháng 4-2013, anh bay bài bay nhào lộn không vực giản đơn trên máy bay YAK-52. Mạnh lên máy bay, mở máy và cất cánh cùng thầy Duy. Khi vào không vực ở độ cao 1.800m, anh bắt đầu thực hiện động tác xoáy ốc, là động tác phức tạp, đòi hỏi sự chính xác rất cao. Anh đưa máy bay vào thất tốc, máy bay đảo cánh, rơi rất nhanh.
Anh sợ hãi, ôm chặt cần lái thu vào người và đẩy tay ga. Động tác sai hoàn toàn. Đúng ra phải đẩy cần lái, đạp chân đưa máy bay về trạng thái cân bằng, sau đó mới tăng ga lấy lại tốc độ. Khi thấy máy bay mất tốc độ, thầy Duy nhanh chóng đưa máy bay lấy lại tốc độ, sau đó chuyển sang bài nhào lộn tiếp theo.
Tất cả diễn ra nhanh chóng chỉ trong vài giây. Nếu không có thầy Duy xử trí bất trắc thì sẽ dẫn đến tai nạn bay.
Khi về giảng bình, Mạnh vẫn còn lo lắng sợ hãi. Hiểu được cảm giác của người học viên trẻ, thầy Duy ân cần: "Dù có ra sao, vẫn có giáo viên ngồi sau. Là phi công thì bản lĩnh phải vững vàng mới vượt qua được những thử thách chứ!".
Thầy Duy không trách, mà còn động viên giúp Mạnh lấy lại tinh thần. Những ngày sau đó, thầy luyện cho anh những bài nhào lộn, rèn cho anh bản lĩnh kiên định vững vàng, bình tĩnh xử trí trước mọi tình huống. Nhờ quá trình rèn luyện nỗ lực, tháng 9-2013, Mạnh tốt nghiệp trên máy bay YAK-52. Cũng từ đấy sau khi ra trường, thầy trò xa nhau.
Về công tác tại đơn vị mới, dẫu không có thầy bên cạnh nhưng những bài học kinh nghiệm thầy Duy truyền dạy là hành trang để Mạnh thêm vững tin cầm chắc tay lái trong mỗi chuyến bay. Nhớ về thầy Nguyễn Hoàng Duy, Mạnh luôn thể hiện lòng tri ân sâu sắc, bởi chính thầy đã khoác cho anh đôi cánh mới để hiện thực hóa những giấc mơ bay.