[VIDEO] Người dân Thái Lan đau thương khi nhà vua Bhumibol qua đời
Nhà vua trị vì lâu đời nhất thế giới, người dẫn dắt đất nước Thái Lan nhiều thập kỷ biến động, đã qua đời ở tuổi 88 vào chiều 13/10 tại Bangkok.
Bất chấp tình trạng sức khỏe của Quốc vương Bhumibol đã không tốt từ vài năm qua, sự ra đi của ông vẫn là một thông tin chấn động và khiến quốc gia 67 triệu dân Đông Nam Á này chìm vào đau thương.
"Người cha đã ra đi"
An ninh được thắt chặt ở các khu vực cung điện, đền đài và các cơ quan ở Bangkok. Quân đội lập chốt gác ở các văn phòng chính phủ và những giao lộ.
Sáng sớm nay, đoạn video đen trắng ghi lại hình ảnh nhà vua chơi nhạc jazz bằng kèn saxophone đã được trình chiếu trên tất cả các kênh truyền hình Thái lan.
Sự đau thương thể hiện rõ trên khuôn mặt những đám đông hàng trăm người cầu nguyện bên ngoài bệnh viện, nơi Quốc vương Bhumibol qua đời.
"Chúng tôi đến đây để cầu nguyện một phép màu. Chúng tôi đã mong rằng điều đó không phải là sự thật," luật sư 32 tuổi Pimook Linpaisarn nói với Reuters.
Aunchisa Saekuay, bạn gái của Linpaisarn, nói rằng nhà hàng nơi cô làm việc đã đóng cửa và chưa biết khi nào mở lại.
"Có cảm giác như người cha của chúng tôi đã ra đi," cô nghẹn ngào.
(Ảnh: Bangkok Post)
Ở con phố Khao San nổi tiếng sầm uất, cách bệnh viện một con sông, các cửa hàng và quán ăn vẫn bận rộn. Nhiều quán bar đã đóng cửa hoặc vặn nhỏ nhạc, nhưng cảnh sát cho hay nhà chức trách chưa có lệnh yêu cầu đóng cửa các cơ sở kinh doanh.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đề nghị người dân không tổ chức các lễ hội trong thời gian 30 ngày để tang Quốc vương. Các cơ quan nhà nước sẽ để tang nhà vua 1 năm.
Phần lớn người dân Thái Lan chưa từng biết đến một nền quân chủ nào khác. Các bức ảnh của vua Bhumibol hiện diện trong mọi ngôi nhà, trường học và các văn phòng trên khắp đất nước.
Những năm sau này, nhà vua xuất hiện trên truyền hình gần như hàng tối, với hình ảnh ông đi qua màn mưa, tay cầm bản đồ và máy ảnh đeo trên cổ, để đến thăm các dự án phát triển nông thôn.
Chính phủ Thái Lan đã lập một đường dây nóng để giúp người dân gửi thông điệp tiếc thương đến Hoàng gia.