img


Người “thách thức” lý thuyết của GS ĐH Harvard và con đường “chẳng ai đi” để thay đổi ngành sữa Việt - Ảnh 1.

Quyết định đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất khép kín "từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch", với những hạng mục chính như cụm trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa tươi sạch, ở mảnh đất có khí hậu khắc nghiệt như Nghĩa Đàn, Nghệ An là điều không ai dám nghĩ đến. Thời điểm 2008 - 2009, không ít chuyên gia nông nghiệp Việt Nam tỏ ý hoài nghi, thậm chí còn cho rằng Dự án "Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi sạch tập trung, quy mô công nghiệp" của TH sẽ thất bại.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhớ lại, khi đó, đây là vấn đề lớn và mới trong ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm nói chung, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa không chỉ ở Việt Nam mà có thể nói là cả trong khu vực. Trước đó, ngành bò sữa của Việt Nam chưa có mô hình chăn nuôi quy mô tập trung nào thành công, ngoài một vài mô hình quy mô vừa ở cao nguyên Lâm Đồng và Mộc Châu, nơi có đồng cỏ rộng lớn, khí hậu mát mẻ. 

Người “thách thức” lý thuyết của GS ĐH Harvard và con đường “chẳng ai đi” để thay đổi ngành sữa Việt - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh

"Mọi người đều nói Việt Nam không thể phát triển được bò sữa, vì khí hậu nóng ẩm, công nghệ lạc hậu, tài chính hạn hẹp, trình độ quản trị thấp… mà TH lại nuôi bò sữa ở Nghệ An là không tưởngChính bản thân tôi là cán bộ quản lý ngành chăn nuôi đã làm việc và học tập, tham quan nhiều nước có ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa ở châu Âu, châu Mĩ, châu Á, nhưng vẫn băn khoăn, do dự về Dự án này", ông Dương nhớ lại.

Cho đến bây giờ, ông Dương vẫn còn ấn tượng với hình ảnh bà Thái Hương khi đó không quản ngại đến các bộ, ngành  để trình bày về Dự án. Trước những ý kiến nghi ngờ, ngăn cản, người phụ nữ mảnh mai đó luôn kiên định: "Các anh nói gì tôi cũng nghe, chỉ có điều là đừng khuyên tôi không làm Dự án sữa tươi sạch này".

Người “thách thức” lý thuyết của GS ĐH Harvard và con đường “chẳng ai đi” để thay đổi ngành sữa Việt - Ảnh 3.

Vào một ngày mùa thu năm 2008, ông Dương tháp tùng Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn vào thăm hiện trường Dự án tại Nghĩa Đàn. Trên cánh đồng đất vừa cày xới xong đang rất ngổn ngang, bụi đất mịt mù, bà Thái Hương "chân thấp chân cao" say sưa trình bày với Phó Thủ tướng về những khát vọng đối với ngành bò sữa Việt Nam.

Khi Phó Thủ tướng nói Việt Nam phải có "dòng sông sữa", bà Thái Hương quả quyết TH sẽ còn làm được cả "cánh đồng sữa" ở đất Nghĩa Đàn này.

Trên xe đi về Hà Nội, ông Tạn nói với ông Dương và một số người đi cùng đoàn công tác hôm ấy rằng, ông đã từng tiếp xúc nhiều phụ nữ làm kinh tế giỏi, nhưng người có "gan" và khát vọng như bà Thái Hương thì quả thật rất hiếm, rất quý.

Người “thách thức” lý thuyết của GS ĐH Harvard và con đường “chẳng ai đi” để thay đổi ngành sữa Việt - Ảnh 4.

Ông Phan Tiến Hải, Phó Bí thư huyện ủy Nghĩa Đàn nhớ lại, nhờ có nguồn đất đỏ bazan màu mỡ, Nghĩa Đàn từng là khu vực canh tác nông nghiệp trù phú với hàng loạt nông trường quốc doanh trồng cây ăn quả, cây công nghiệp. Tuy nhiên, sau khi xóa bỏ cơ chế bao cấp, các nông trường gặp rất nhiều khó khăn. Sau thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hiệu quả sản xuất ngày càng thấp. Cơ chế quản lý không hiệu quả, cộng với việc khai thác nhiều năm làm cho đất đai thoái hóa dần. 

Anh Kiều Ngọc Kết, người dân ở xóm Trung Chính, Nghĩa Lâm, Nghĩa Đàn, Nghệ An vẫn còn nhớ, trước khi có dự án của Tập đoàn TH, việc làm nông của anh và người dân địa phương manh mún, mạnh ai nấy làm, người trồng đậu, trồng lạc, trồng vừng…, hiệu quả cũng chập chờn, thường được mùa 1 năm thì lại mất mùa 2-3 năm sau. Cỡ năm 2006 - 2007, vợ chồng anh trồng đỗ tương, cây đỗ tương lên đẹp, hai vợ chồng đều vui mừng. Vậy mà đến khi thu hoạch thì dính mưa. Vợ chồng anh phơi cả một sân rộng toàn đỗ tương, nhưng gặp mưa, hạt đỗ tương đen như hạt café.

"Hàng xóm đi qua hỏi: ‘Răng mà café nhiều như ri’, mình nghe mà chạnh lòng", anh Kết nhớ lại.

Người “thách thức” lý thuyết của GS ĐH Harvard và con đường “chẳng ai đi” để thay đổi ngành sữa Việt - Ảnh 5.

Nghĩa Đàn vốn có nguồn đất đỏ bazan màu mỡ. Ảnh: TH

Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Chủ tịch huyện Nghĩa Đàn cũng từng là giám đốc một nông trường, chưa quên nỗi trăn trở lúc bấy giờ: "Có thời cam Vinh nức tiếng cả miền Bắc nhưng khi đó vườn cam hỏng hết, café không trồng được, cao su năng suất thấp. Bản thân tôi nghĩ phải có thay đổi gì đó". Ông Sơn kể, trong một dịp về huyện đặt vấn đề xây dựng trang trại, bà Thái Hương quả quyết sẽ có cách giúp cho vùng đất này tốt lên, dân giàu lên. Bà khẳng định với lãnh đạo huyện: "Tôi sẽ làm được!".  Nhưng lúc đó chính bản thân ông Sơn cũng chưa thể mường tượng được Tập đoàn TH sẽ làm mạnh đến vậy, làm nhanh và hiệu quả đến vậy.

Không chỉ ông Sơn hoài nghi. Thời điểm đó, gần như 100% người dân nhận đất khoán từ nông trường phản đối kịch liệt, nhiều hộ không muốn giao đất. "Quả thật bước đầu hoài nghi lắm, nhiều người dân phản đối rất mạnh. Hơn nửa thế kỷ làm trên mảnh đất đó, nên khi phải giao lại đất người nông dân cũng hụt hẫng và không biết sau này lấy đất đâu làm ăn mưu sinh", ông Lý Hồng Dương, cựu chủ tịch Công đoàn nông trường Công ty rau quả 19/5 nhớ lại.

Thời điểm đó, từ lãnh đạo tỉnh Nghệ An đến huyện Nghĩa Đàn đều xuống tận nơi giải thích, vận động nhân dân. Ông Lê Hồng Sơn khi đó một mình lái xe xuống từng xóm để họp ngay trong đêm với từng đội sản xuất. "Nhiều người dân chất vấn: ‘Bà Thái Hương lấy đất rồi có làm không?’. Tôi bố trí xe đưa đón người dân đi thăm khu vực trang trại TH đang xây dựng. Hồi đó cụm trang trại số 1 làm có thể nói là thần tốc, người dân thấy cơ ngơi mọc lên từng ngày một, thì họ tin tưởng, cứ như thế lan tỏa ra", ông Sơn kể.

Sự đồng hành của TH với chính quyền và nhân dân thời điểm đó là vô cùng quan trọng. Bà Thái Hương có những cuộc họp "thần tốc", bà thường xuyên tranh thủ chạy từ Hà Nội vào, họp với lãnh đạo huyện rồi xuống tận xóm, giải thích cho người dân. "Chị Thái Hương có thái độ cương quyết, mềm dẻo, có các chính sách đủ, đúng, kịp thời liên quan đến việc làm, chăm sóc sức khỏe, học hành, hỗ trợ người dân. Nếu không phải TH thì không thể nào làm được", ông Sơn nói.

Kết quả là chỉ khoảng 3-4 tháng sau, Nghĩa Đàn đã bàn giao gần 3.000ha đất cho dự án. Và từ cánh đồng đến trang trại đạt chuẩn quốc tế, ly sữa TH true MILK  đầu tiên đã xuất xưởng chỉ vỏn vẹn sau 14 tháng. Một kỷ lục vô tiền khoáng hậu có lẽ không chỉ ở Việt Nam.

Người “thách thức” lý thuyết của GS ĐH Harvard và con đường “chẳng ai đi” để thay đổi ngành sữa Việt - Ảnh 6.

Một góc của cụm trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao khép kín đạt kỷ lục lớn nhất thế giới (chứng nhận kỷ lục năm 2020 bởi World Records Union).

Cụm trang trại và cánh đồng của TH tại Nghệ An. Ảnh: Thang Nguyen Le

"Cách đây 14 năm, chưa có dự án nào lớn như thế tại Việt Nam với tham vọng lớn để sản xuất sữa tươi sạch ngay tại đồng đất Việt Nam. Nhưng TH đã làm được điều đó chỉ trong một thời gian ngắn.  Đặc biệt, TH đã làm được sữa tươi chuẩn quốc tế chứ không phải nhập khẩu nguyên liệu về pha chế lại",  ông Tal Cohen - TGĐ Cty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH (đơn vị vận hành trang trại TH) khẳng định.

Nhắc về Dự án này, cựu Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương vẫn hết sức ấn tượng: "Quả đúng là siêu tốc! Một Dự án chăn nuôi đại gia súc TH triển khai chỉ trong 14 tháng đã có sản phẩm là siêu nhanh, không chỉ ở Việt Nam mà là cả trên tầm thế giới". Chuyên gia này khẳng định, Dự án của TH là một lựa chọn lịch sử đối với ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam. Ở thời điểm 2008, khi chứng minh rằng nếu Nghĩa Đàn nuôi được bò sữa, thì Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển được ngành chăn nuôi bò sữa ở mọi điạ phương, đương nhiên là phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng mọi yếu tố để đầu tư và thắng lợi.

 "Quả là nhà đầu tư đã có cái nhìn đi trước xã hội hàng thập kỷ", ông Dương nhận định.

Ông Dương cho rằng, để TH thành công như hiện nay, ngoài quyết tâm và khát vọng của nhà đầu tư mà trực tiếp là bà Thái Hương, thì chính tư duy, tầm nhìn về ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, chế biến, quản trị tiên tiến, và cách mà TH lựa chọn đối tác (đều là những đối tác hàng đầu thế giới), đầu tư bài bản về công nghệ ngay từ đầu, là những yếu tố quan trọng nhất. Mô hình và cách làm của TH từ Dự án này đã tạo sự thay đổi, cho nhiều nhà đầu tư trong nước áp dụng triển khai trên diện rộng, nâng tầm ngành chăn nuôi, chế biến sữa tươi sạch của Việt Nam lên top đầu các nước trong khu vực. Việc lựa chọn làm nông nghiệp công nghệ cao, học hỏi từ những hình mẫu thành công điển hình trên thế giới của nông nghiệp hiện đại trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đã cho thấy sự đúng đắn và tầm nhìn của TH vào thời điểm đó.

Người “thách thức” lý thuyết của GS ĐH Harvard và con đường “chẳng ai đi” để thay đổi ngành sữa Việt - Ảnh 8.
Người “thách thức” lý thuyết của GS ĐH Harvard và con đường “chẳng ai đi” để thay đổi ngành sữa Việt - Ảnh 9.

Triển khai Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao từ năm 2008, thời điểm khái niệm kinh tế tuần hoàn vẫn còn khá xa lạ ở Việt Nam, Tập đoàn TH đã tiên phong xây dựng một chuỗi sản xuất khép kín, một vòng tuần hoàn "từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch". 

Với tôn chỉ "Trân quý Mẹ Thiên nhiên - người cho mình tất thảy" được dẫn dắt và truyền cảm hứng bởi người đứng đầu Tập đoàn - Anh hùng Lao động Thái Hương -  đến tất cả các nhân viên, ngay từ khi thực hiện Dự án, TH đã làm rất tốt vấn đề giảm phát thải, giảm thiểu những ảnh hưởng của sản xuất đối với môi trường.

Ông Tal Cohen cho biết, ngay từ đầu TH đã xác định con đường phát triển bền vững, dù cho đây là con đường đắt đỏ. Bà Thái Hương luôn chủ trương lựa chọn những công nghệ hiện đại hàng đầu  để đầu tư đảm bảo phát triển bền vững: Lắp đặt điện mặt trời trên các mái trang trại, nhà máy TH nhằm cung cấp năng lượng sạch; Xây dựng Nhà máy chế biến phân vi sinh sạch tiêu chuẩn quốc tế từ chất thải trang trại bò sữa TH; Xử lý nước thải… Tất cả đều hướng tới phát triển bền vững bằng quy trình khép kín, tuần hoàn.

Người “thách thức” lý thuyết của GS ĐH Harvard và con đường “chẳng ai đi” để thay đổi ngành sữa Việt - Ảnh 10.

Ông Tal Cohen - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH (đơn vị vận hành trang trại TH). Ảnh: Việt Linh

Một trong những trăn trở của các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa là lượng khí metan phát thải ra môi trường. Nhưng ở TH, với công nghệ xử lý chất thải hiện đại hàng đầu, hoàn toàn tự động, liên tục cập nhật và ứng dụng những thành tựu khoa học mới nhất - gồm ít nhất 12 bước, đã giảm thiểu được ít nhất 70% lượng phát thải metan. Trong chuỗi sản xuất tuần hoàn tại cụm trang trại TH, sản phẩm phụ và rác thải của quy trình này lại trở thành nguyên liệu đầu vào của một quy trình khác, vòng đời của vật liệu được duy trì lâu nhất có thể , từ đó giảm thiểu phát thải..

"Nói về phát triển bền vững trên phương diện giảm thiểu tác động đến môi trường, chúng tôi đã dành nhiều nỗ lực để có thể tạo ra quy trình tuần hoàn tại Việt Nam, có nghĩa là, phù hợp với môi trường Việt Nam, và các điều kiện tại Việt Nam, chúng tôi đã vận dụng công nghệ cao để có thể xử lý hiệu quả những bài toán về môi trường, ví dụ xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn để trả về môi trường, có thể gom phân từ đàn bò để tạo ra phân vi sinh và phân hữu cơ để bón cho cánh đồng TH, nơi cung cấp thức ăn cho đàn bò, và bán ra cho những nhà nông khác tại thị trường Việt Nam", ông Cohen lý giải.

TH - Người thay đổi bản chất ngành sữa ở Việt Nam

TH phát triển bền vững với chuỗi sản xuất công nghệ cao khép kín, nhưng người nông dân, các nông hộ không bị "bỏ lại phía sau". TH đã đưa người nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất công nghệ cao khép kín, đó là một khía cạnh mà những chuyên gia trong nước và đặc biệt là các chuyên gia quốc tế đã gắn bó với TH từ hàng chục năm nay đánh giá rất cao. "Chúng tôi đang cố gắng tạo ra điều kiện tốt nhất cho người nông dân, để người dân cùng tham gia vào con đường phát triển bền vững, bởi vì sau cuối thì mục tiêu của sự phát triển vẫn là không làm ảnh hưởng đến môi trường và hoạt động sản xuất tiếp theo của chúng ta", ông Tal Cohen nói.

"Chúng tôi có thể tăng sản lượng sữa, và cũng có thể đưa ra những giải pháp môi trường tốt hơn cho địa phương, cho tỉnh nhà. Bạn có thể thấy, chúng tôi không những vận hành trang trại tại Nghệ An mà chúng tôi đang triển khai các dự án chăn nuôi và chế biến sữa tươi sạch  tại 5-6 địa phương khác trên khắp Việt Nam. Ở phương diện này, chúng tôi cũng sẽ giúp các hộ nông dân ở các địa phương khác tại Việt Nam, đưa họ trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất của chúng tôi để cùng nhau phát triển bền vững hơn", TGĐ Công ty Cổ phần thực phẩm Sữa TH chia sẻ.

Một khía cạnh nữa của phát triển bền vững là năng lực làm chủ công nghệ, gia tăng quy mô đàn bò của TH ngay tại Việt Nam. Những năm gần đây, TH tiếp tục thành công trong việc làm chủ công nghệ tạo phôi, công nghệ thụ tinh nhân tạo - IVF cho bò sữa ngay tại vùng đất này, nâng tổng quy mô đàn tiệm cận 70.000 con.

Nhìn lại hành trình phát triển bền vững mà TH đã lựa chọn và theo đuổi từ những ngày đầu, ông Cohen cho rằng, tất cả mọi yếu tố từ chất lượng sữa, phát triển quy mô đàn, xử lý phụ phẩm chăn nuôi và tạo ra các giá trị trong chuỗi sản xuất tuần hoàn, bảo vệ đất đai, cánh đồng, nguồn nước… đều là những thành tựu tâm đắc và đáng tự hào.

"Điều quan trọng nhất là chúng tôi đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm giải pháp để phát triển bền vững với mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn", ông Cohen nhấn mạnh.

Người “thách thức” lý thuyết của GS ĐH Harvard và con đường “chẳng ai đi” để thay đổi ngành sữa Việt - Ảnh 12.

Giữ vị trí Tư lệnh ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ 2016 - 2021, cựu Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, là người trực tiếp chứng kiến một số dấu mốc đáng ghi nhớ trên đường phát triển của TH true MILK. Khi còn đương nhiệm, ông Cường đã dành tặng nữ doanh nhân Thái Hương 3 chữ T. Đó là Tâm – Tầm và Trách nhiệm.

"Bà là người làm việc với cái Tâm rất lớn. Làm ngành này mà không có tâm thì không thể làm được. Còn chữ Tầm, làm gì có ai nghĩ đến việc đưa bò sữa về nuôi ở nơi nhiệt đới gió Lào này, làm gì có ai dám nhập 100% công nghệ từ Israel, cả chuỗi thức ăn, hoa hướng dương đẹp như thế trồng cho đàn bò ăn, rất có tầm", ông Cường nói.

Theo ông Cường, một trong những điều thể hiện rõ nét nhất tâm - tầm - trách nhiệm của Thái Hương, chính là tinh thần tiên phong của TH trong việc lựa chọn con đường phát triển bền vững: "Phải khẳng định TH là mô hình sản xuất hiện đại, áp dụng đồng bộ các quy trình tiên tiến nhất, từ khâu quản trị, giống, hệ sinh thái, quy chuẩn trong chế biến đến phân phối lưu thông. Rõ ràng đây là giải pháp hợp lý nhất của kinh tế tuần hoàn. TH đã đóng góp nhiều khía cạnh, trong đó có thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, một trong những nhóm giải pháp tạo ra phát triển bền vững cho kinh tế nông nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung".

Người “thách thức” lý thuyết của GS ĐH Harvard và con đường “chẳng ai đi” để thay đổi ngành sữa Việt - Ảnh 13.
Người “thách thức” lý thuyết của GS ĐH Harvard và con đường “chẳng ai đi” để thay đổi ngành sữa Việt - Ảnh 14.

15 năm sau sự xuất hiện của TH true MILK trên thị trường, diện mạo ngành sữa Việt Nam đã thay đổi một cách ngoạn mục. Nhiều chuyên gia nông nghiệp theo sát TH từ những ngày đầu thực hiện dự án đồng tình với ý kiến rằng TH đã tạo ra một cuộc cách mạng cho ngành sữa Việt Nam.

TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhớ lại, trước khi TH bước vào ngành sữa, Việt Nam có khoảng 500 nhãn hiệu sữa khác nhau, nhưng không rõ ràng đâu là sữa hoàn nguyên (sữa bột pha lại), đâu là sữa tươi. Thực chất, phần lớn sản phẩm sữa trên thị trường khi đó chỉ là sữa bột pha lại.

"Sự minh bạch chỉ có thể được hiện thực khi dự án bò sữa tại Nghĩa Đàn xuất hiện, nơi đàn bò được nuôi trên quy mô lớn và sữa được chế biến ngay tại Việt Nam, tạo nên sự cạnh tranh, so sánh và nhất là trên nhãn mác đề rõ ‘true MILK- sữa tươi thật. Điều đó rõ ràng tạo nên sự thúc đẩy rất lớn phong trào đầu tư minh bạch, bài bản", ông Sơn nói.

Người “thách thức” lý thuyết của GS ĐH Harvard và con đường “chẳng ai đi” để thay đổi ngành sữa Việt - Ảnh 15.

Với góc nhìn của một nhà chiến lược về nông nghiệp, TS cho rằng: Sự xuất hiện của TH đã thúc đẩy các doanh nghiệp khác trong ngành sữa phải "làm thật". Đến nay, để TH đạt được gần 45% thị phần sữa tươi Việt Nam, và thị trường đã có đến gần 40% sản phẩm sữa dạng lỏng là sữa tươi (so với 8% năm 2008 - thời điểm TH bắt đầu làm sữa tươi sạch), đó là một cuộc cách mạng, cách mạng thay đổi ngành chăn nuôi, thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng, cách mạng về cách thức quản lý của các cơ quan chức năng và quyết tâm đầu tư của các doanh nghiệp.

"Chúng ta đã tạo nên một sự thay đổi: Từ một ngành tưởng như không có lợi thế cạnh tranh đã trở thành ngành phát triển rất hiệu quả của đất nước. Tôi nghĩ đây thực sự là cuộc cách mạng", ông Sơn nhấn mạnh.

Với TS Đặng Kim Sơn, nói đến TH thì không chỉ nói đến cuộc cách mạng về ngành sữa. Việc lựa chọn mô hình phát triển xanh - sạch của Tập đoàn TH gợi cho ông nhiều suy nghĩ. Nếu như cách đây 15 năm, TH cùng các doanh nghiệp đầu đàn của Việt Nam đã tạo ra bước đột phá về sản xuất lớn, đi kèm với nó là cơ giới hóa, tự động hóa và sau đó là số hóa, thì hiện nay, TH vẫn là nhóm doanh nghiệp đi đầu về sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. "Vì vậy, nền tảng của sự bền vững này trở nên hết sức mạnh mẽ, vượt lên trên câu chuyện nông sản đơn thuần. Sâu xa hơn nữa, cách tiếp cận của TH là cách tiếp cận phát triển bao trùm, không bỏ lại một ai, tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội". Theo ông Sơn, sự phát triển bền vững đó không chỉ vì thiên nhiên, mà sự vững bền trước hết là vì con người.

"Chúng ta sẽ nhìn thấy bức tranh tương lai của nông nghiệp Việt Nam khi cả thế giới hướng đến xanh hơn, sạch hơn, tử tế, an bình hơn, và trong thế giới đầy biến động, đầy mâu thuẫn, thay đổi không lường trước được, nền tảng của sự bền vững này trở nên hết sức mạnh mẽ, vượt lên trên câu chuyện nông sản đơn thuần", TS. Đặng Kim Sơn nhận định.

Người “thách thức” lý thuyết của GS ĐH Harvard và con đường “chẳng ai đi” để thay đổi ngành sữa Việt - Ảnh 17.
Người “thách thức” lý thuyết của GS ĐH Harvard và con đường “chẳng ai đi” để thay đổi ngành sữa Việt - Ảnh 18.

Từ những bước chân tiên phong "thách thức" lý thuyết cạnh tranh của GS ĐH Harvard, doanh nhân Thái Hương và TH không chỉ thay đổi diện mạo một vùng đất, mà còn tạo nên những cuộc cách mạng về sữa, về dinh dưỡng, về phát triển bền vững và giờ đây TH còn xuất khẩu công nghệ chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa tươi sạch sang Liên bang Nga - một trong những cái nôi của bò sữa.

Người “thách thức” lý thuyết của GS ĐH Harvard và con đường “chẳng ai đi” để thay đổi ngành sữa Việt - Ảnh 19.

Trong căn nhà khang trang mới xây, anh nông dân Kiều Ngọc Kết cho biết, trước kia, chưa bao giờ anh dám nghĩ mình xây được cơ ngơi như thế này. Ông Lý Hồng Dương thì vui vẻ chia sẻ: "Con trai tôi giờ đang làm cho TH và nhất định là con hơn cha rồi".

Nguyên Chủ tịch huyện Nghĩa Đàn Lê Hồng Sơn khẳng định, Đề án của TH đã thay đổi nhận thức người dân về việc sản xuất ứng dụng các kỹ thuật mới; thay đổi hẳn bộ mặt của Nghĩa Đàn, của từng hộ gia đình, nhà cửa khang trang, giải quyết được việc làm ổn định cho dân, đồng thời xây dựng tác phong làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật, tính chuyên nghiệp cao. "Có TH thì cả nước biết đến Nghĩa Đàn, các tỉnh bạn, huyện bạn đến Nghĩa Đàn cũng muốn thăm TH", ông Sơn nói.

Là người đã tham gia phát triển nhiều dự án sữa lớn trên thế giới, ông Tal Cohen tự hào khẳng định, dự án của TH tại Nghệ An đã đạt được các mục tiêu của mình, đó là tạo ra ly sữa đạt chuẩn quốc tế ngay trên đồng đất Việt Nam. "Bây giờ, tôi tin người tiêu dùng Việt Nam đã biết rằng Việt Nam cũng có sữa tươi sạch, ngon, chất lượng thậm chí còn tốt hơn những nơi khác trên thế giới".

Kế hoạch tiếp theo của TH là sẽ nhân rộng mô hình này tới các địa phương trên khắp Việt Nam. Nhu cầu về sữa tươi sạch tại Việt Nam ngày càng tăng, bởi vì nhận thức về sữa của người tiêu dùng đã thay đổi từ sau khi TH xuất hiện. Sữa phải là sữa tươi sạch.

"Đây cũng là việc có ý nghĩa đảm bảo an ninh lương thực, an toàn vệ sinh thực phẩm, vì sức khỏe cộng đồng. Chính vì thế, chúng tôi cần tiếp tục nỗ lực đóng góp vì điều đó bằng Scách phát triển quy mô cụm trang trại lớn hơn theo hình mẫu Nghệ An. Mô hình chúng tôi xây dựng tại Nghệ An, theo tôi là mô hình đúng đắn và đẹp nhất", ông Cohen khẳng định.

Người “thách thức” lý thuyết của GS ĐH Harvard và con đường “chẳng ai đi” để thay đổi ngành sữa Việt - Ảnh 20.

Dự án Thay đổi bản chất ngành sữa Việt Nam trên nền tảng phát triển bền vững, vì sức khỏe cộng đồng của Tập đoàn TH đã được vinh danh tại hạng mục danh giá nhất của Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize 2023, giải thưởng thường niên mang tầm quốc gia nhằm tôn vinh, thúc đẩy những dự án, hoạt động vì cộng đồng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

“Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize” do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp và nhà tài trợ Kim cương Bắc Á Bank. Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.

Trong khuôn khổ vòng chung kết của Giải thưởng, Triển lãm Hành động vì cộng đồng 2023 diễn ra từ ngày 24/11 - 3/12 Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, và Gala trao giải diễn ra vào 11/12 tại Nhà hát Hồ Gươm - Hà Nội.

Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

Người “thách thức” lý thuyết của GS ĐH Harvard và con đường “chẳng ai đi” để thay đổi ngành sữa Việt - Ảnh 23.
Đoàn Lan Hương - Hoàng Linh
Yên Yên
Việt Linh, Hoàng Anh, Kingpro, TH cung cấp
13/12/2023