Vận động thường gắn liền với sức khỏe, tuy nhiên vẫn có nhiều tranh cãi liên quan đến việc nên nghỉ ngơi hay tập thể dục thường xuyên. Về vấn đề này, các nhà khoa học đã vào cuộc để và tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tập thể dục hay nghỉ ngơi sống thọ hơn ?
Theo Sohu, một nghiên cứu trong vòng 5 năm đã được thực hiện để xem liệu tập thể dục thể thao có thể giúp người già kéo dài tuổi thọ được hay không. Theo đó, nhóm tác giả đã tiến hành theo dõi 1.500 người sống thọ. Trong quá trình đó, họ chia những người sống thọ làm 3 nhóm để quan sát:
Nhóm thứ nhất là những người tập thể dục cường độ cao 2 lần mỗi tuần và nhịp tim khi tập luyện là 90% nhịp tim tối đa;
Nhóm thứ hai là những người tập thể dục cường độ vừa phải 2 lần một tuần, mỗi lần 50 phút, nhịp tim bằng 70% nhịp tim tối đa;
Nhóm 3 là nhóm đối chứng, họ là người không tập thể dục đều đặn mà chỉ khám sức khỏe định kỳ.
Kết quả đã cho thấy nhóm đầu tiên có tình trạng thể chất và tinh thần tốt hơn hai nhóm còn lại, đồng thời cũng có tỷ lệ tử vong thấp nhất.
Trong một nghiên cứu khác được đăng trên trang New England Journal (MBJ), các nhà nghiên cứu đã tiến hành theo dõi 36.383 đối tượng có độ tuổi trung bình là 62,6 tuổi trong 5,8 năm. Qua đó, họ cũng phát hiện ra sự thật thú vị liên quan đến mối quan hệ giữa tuổi thọ và tập thể dục.
Cụ thể, trong quá trình nghiên cứu, có 2.169 trường hợp tử vong. Kết quả cuối cùng cho thấy 6,25 giờ tập thể dục nhẹ như đi bộ, nấu ăn hoặc tập thể dục với mức độ trung bình mỗi ngày có thể giảm được 50 – 60% nguy cơ tử vong. Ngay cả một giờ tập thể dục nhẹ cũng có thể giảm 40% nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bất kể cường độ tập luyện như thế nào, chỉ cần chúng ta hoạt động tích cực là có thể giảm nguy cơ tử vong. Ngược lại, việc ngồi lâu, lười vận động sẽ khiến nguy cơ tử vong cao gấp 2 lần bình thường.
Tập thể dục tốt nhưng cần nhớ 3 "không" để không gây phản tác dụng
Tập thể dục là một thói quen rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu tập thể dục không đúng cách sẽ làm giảm hiệu quả đáng kể của việc tập luyện, thậm chí còn gây hại sức khỏe. Do đó, hãy ghi nhớ 3 lời khuyên dưới đây khi tập luyện để bảo vệ cơ thể và sức khoẻ của bạn.
1. Không tập quá sức
Trung tâm Đái tháo đường John Hopkins (Mỹ) cho biết, tập thể dục quá sức có thể làm tăng nồng độ hormone adrenaline, từ đó kích thích gan giải phóng thêm glucose vào máu. Nếu không thể chuyển hóa hết lượng glucose này, chúng sẽ tích tụ trong máu và khiến lượng đường huyết tăng cao.
Bên cạnh đó, tập luyện quá độ cũng gây hại cho gan và thận. Gan là bộ phận chuyển hóa của cơ thể, khi tập quá sức sự chuyển hóa này sẽ tăng lên. Gan phải làm việc quá sức trong khi năng lượng dự trữ bị tiêu hao dẫn đến hoạt động kém, suy gan.
Tương tự, thận cũng có thể bị tổn thương do tế bào thận phải làm việc quá sức để đào thải các chất đáp ứng sự vận động. Do đó, bạn chỉ nên tập thể dục vừa sức để tăng nhịp thở, nhịp tim, tránh tập luyện tới mức kiệt sức.
2. Không tập thể dục khi bị ốm
Khi sức khỏe đang gặp vấn đề, nhiều người vẫn cố duy trì tập luyện nhưng điều này có nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Việc tập thể dục khi bị sốt sẽ làm tăng nguy cơ mất nước, khiến sốt cao hơn.
Hơn nữa, sốt còn làm giảm sức mạnh cơ bắp và sức bền của bạn, dẫn tới tăng nguy cơ chấn thương trong lúc tập luyện. Vận động quá mức khi đang bị ốm cũng làm kéo dài tình trạng bệnh và trì hoãn sự phục hồi của cơ thể.
Do đó, khi thân nhiệt trên 38°C thì không nên vận động nhiều vì bất cứ lý do gì.
3. Không nhịn ăn tập thể dục
Một số người thích dậy sớm và tập thể dục khi bụng đói, còn được gọi là "tập thể dục buổi sáng". Tuy nhiên, trong quá trình tập luyện, nếu dạ dày trống rỗng, năng lượng của cơ thể chủ yếu sẽ đến từ sự phân hủy chất béo, đồng thời các cơ cũng phân hủy glycogen trong cơ để tiêu hao năng lượng, điều này sẽ tạo gánh nặng cho gan.
Ngoài ra, việc tập luyện khi đói cũng sẽ khiến bạn hoa mắt, chóng mặt, dễ ngất xỉu. Vì vậy, tốt nhất bạn nên ăn nhẹ trước khi tập luyện, và nên tập sau khi ăn 1 tiếng để tránh bị hạ đường huyết.
(Tổng hợp)