Người sống thọ thường có hai bộ phận “siêu sạch sẽ”, sau 45 tuổi hãy kiểm tra thường xuyên

Mộc Miên |

Đây là hai bộ phận nắm giữ các vai trò quan trọng trong cơ thể. Những người giữ được hai bộ phận này luôn “sạch sẽ” sẽ có ít nguy cơ mắc bệnh tật.

Từ góc độ y học, từ 45 tuổi trở đi, mọi người nên bắt đầu chú trọng đến sức khỏe. Bởi, ở độ tuổi này, quá trình trao đổi chất trong cơ thể cũng bắt đầu chậm lại, khả năng miễn dịch cũng dần suy giảm và các cơ quan trong cơ thể cũng bắt đầu lão hóa. Ở giai đoạn này nếu không chăm sóc cơ thể đúng cách, mọi người sẽ dễ mắc bệnh hơn, từ đó tuổi thọ cũng bị cắt giảm.

Theo đó, sau 45 tuổi, những người giữ được 2 bộ phận này “sạch sẽ” thường ít có nguy cơ mắc bệnh lý nghiêm trọng và có thể sống trường thọ.

Người sống thọ thường có hai bộ phận "siêu sạch sẽ"

1. Mạch máu “sạch sẽ”

Hệ thống mạch máu trong cơ thể người là một phần của hệ tuần hoàn, có dạng ống, nối tiếp nhau hợp thành hệ thống kín dẫn máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể sau đó quay trở về tim. Hệ thống mạch máu trong cơ thể có chức năng vận chuyển nước, oxy, CO2, các chất dinh dưỡng đến các cơ quan trong cơ thể.

Khi các mạch máu khỏe mạnh, đàn hồi linh hoạt và máu lưu thông thuận lợi không bị cản trở thì mới có thể cung cấp máu đầy đủ và bổ sung dinh dưỡng cho các cơ quan khác trong cơ thể.

Thông thường sau tuổi 45, quá trình chuyển hóa trong cơ thể sẽ diễn ra chậm hơn. Lúc này, nếu mọi người có lối sống và chế độ ăn uống kém lành mạnh thì sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông hoặc mảng xơ vữa trong lòng mạch máu, gây tắc nghẽn mạch máu.

Khi các mạch máu xơ cứng hoặc bị tắc nghẽn, nó có thể gây ra các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, thiếu máu cơ tim do tổn thương động mạch vành, các bệnh lý về động mạch chủ hoặc động mạch ngoại biên,... hoặc có thể gây ra các tình trạng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim và nhồi máu não. Các bệnh lý tim mạch nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nặng, thậm chí là ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh.

 - Ảnh 1.

Người sống thọ, ít bệnh tật thường có mạch máu thông thoáng, không bị tắc nghẽn. (Ảnh: Earth)

2. Phổi “sạch sẽ”

Phổi là một trong những cơ quan có nhiệm vụ quan trọng trong cơ thể người. Phổi là cơ quan hô hấp, chịu trách nhiệm cung cấp oxy cho toàn bộ cơ thể, loại bỏ khí carbon dioxide ra khỏi máu.

Hiện nay có rất nhiều yếu tố có thể gây ảnh hưởng tới chức năng phổi chẳng hạn như ô nhiễm không khí, virus, vi khuẩn gây bệnh, thói quen hút thuốc lá. Các yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, ung thư phổi hoặc bệnh phổi thuyên tắc mạn tính (COPD). Nếu như phổi gặp vấn đề, khả năng hô hấp của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng, đe dọa tới sức khỏe, tính mạng.

Do đó, sau 45 tuổi, mọi người cần phải chú trọng bảo vệ sức khỏe lá phổi, đảm bảo giữ cho phổi luôn “sạch sẽ”.

 - Ảnh 2.

Phổi khỏe mạnh đóng vai trò quan trọng với sức khỏe và tuổi thọ. (Ảnh: CNET)

Cách giữ cho mạch máu và phổi luôn “sạch sẽ”

1. Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh

Để phòng ngừa bệnh lý tim mạch, mọi người nên duy trì chế độ ăn lành mạnh. Theo đó, mọi người nên tăng cường ăn các thực phẩm có nguồn gốc thực vật như rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt các loại cá và hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, thực phẩm chứa nhiều muối, đường, thực phẩm chế biến sẵn để hạn chế nguy cơ mảng bám tích tụ trong thành mạch máu.

2. Tăng cường tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp tăng cường chức năng phổi mà còn giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch hiệu quả.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng tập thể dục thường xuyên có thể góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như béo phì, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đau tim và đột quỵ.

Bên cạnh đó, vận động thường xuyên cũng giúp phổi khỏe mạnh. Khi tập luyện, các cơ phải làm việc nhiều hơn, làm tăng nhịp thở của cơ thể, từ đó giúp cơ thể tăng cường lưu thông khí và giúp cải thiện chức năng hô hấp.

 - Ảnh 3.

Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường chức năng phổi và bảo vệ sức khỏe tim mạch hiệu quả. (Ảnh: Healthshot)

3. Ngừng hút thuốc lá

Hút thuốc lá là một trong những thói quen làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nguyên nhân là do các chất độc trong thuốc lá có thể khiến mạch máu bị thu hẹp và theo thời gian, tình trạng này có thể gây tắc nghẽn lưu lượng máu lưu thông trong cơ thể.

Ngoài ra, khói thuốc lá cũng gây kích ứng và phá hủy mô phổi. Theo thời gian, hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên ngừng hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe tim mạch và sức khỏe của phổi.

4. Đi khám sức khỏe định kỳ

Các vấn đề liên quan đến sức khỏe tim mạch và phổi thường rất khó phát hiện trong giai đoạn đầu. Do đó, mọi người, đặc biệt là người sau 45 tuổi, nên đi khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để theo dõi tình trạng sức khỏe của cơ thể và điều trị các bệnh lý kịp thời (nếu có).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại