Nước tiểu có thể cho bạn biết rất nhiều về sức khỏe và thói quen của bạn. Nước tiểu được tạo ra khi máu đi qua thận, nơi lọc ra chất thải và nước dư thừa. Chất thải này đi qua các ống được gọi là niệu quản và được lưu trữ trong bàng quang cho đến khi bạn đi tiểu.
Nước tiểu có khoảng 95% là nước, phần còn lại bao gồm hàng ngàn hợp chất - cả vô cơ và hữu cơ - được thải ra khỏi cơ thể.
Khi đi tiểu bạn có thể quan sát nước tiểu của mình, nếu thấy có 4 đặc điểm này trong nước tiểu thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn có một sức khoẻ tổng thể tốt.
1. Màu nước tiểu
Màu nước tiểu của người khỏe mạnh thường có màu vàng nhạt, trong suốt và không đục. Đây là dấu hiệu cho thấy thận của bạn có thể loại bỏ chất thải trao đổi chất một cách hiệu quả, cơ thể được bổ sung đủ nước và đang ở trạng thái tương đối cân bằng.
Nếu màu nước tiểu của bạn quá đậm thì có thể do thiếu nước hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Nước tiểu sẫm màu lâu ngày có thể do chức năng của gan hoặc thận có vấn đề. Các chất chuyển hóa trong cơ thể không được bài tiết bình thường khiến màu nước tiểu trở nên sẫm màu hơn.
Nước tiểu sẫm màu có thể cảnh báo một số bệnh lý như xơ gan, viêm gan, sỏi thận, bệnh thận, nhiễm trùng đường tiết niệu,...
2. Mùi nước tiểu
Nước tiểu chủ yếu là chất thải và nước và thường có mùi nhẹ hoặc không có mùi rõ ràng.
Tuy nhiên, mùi nước tiểu cũng có thể ảnh hưởng từ chế độ ăn uống, nếu bạn ăn những thực phẩm có mùi nặng như cà phê, măng tây, ăn quá mặn hay không uống đủ nước, sử dụng thuốc men thì nước tiểu sẽ có mùi nồng hơn bình thường. Nước tiểu có mùi do chế độ ăn thường không đáng lo ngại và bạn có thể thay đổi chế độ ăn uống để khắc phục tình trạng này.
Nhưng nếu chế độ ăn uống của bạn lành mạnh nhưng mùi nước tiểu hôi, nồng hơn bình thường, đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý. Nếu nước tiểu của bạn có mùi amoniac nồng nặc thì đó có thể là do nhiễm trùng ở bàng quang hoặc thận. Nếu nước tiểu có mùi hơi ngọt có thể do bệnh tiểu đường.
3. Tần suất đi tiểu
Đối với hầu hết mọi người, số lần đi tiểu bình thường mỗi ngày là từ 6 đến 7 lần trong 24 giờ. Từ 4 đến 10 lần một ngày cũng có thể là bình thường nếu người đó cảm thấy khỏe mạnh và việc đi vệ sinh không gây phiền toái.
Tuy nhiên, việc đi vệ sinh quá ít hoặc quá nhiều, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khoẻ bạn đang có vấn đề.
Nếu bạn đi tiểu quá ít, đây có thể là dấu hiệu của việc mất nước do không uống đủ nước và bị nôn mửa, tiêu chảy hoặc sốt. Hay do tắc nghẽn đường tiết niệu hoàn toàn, chẳng hạn như do phì đại tuyến tiền liệt. Và do thuốc như thuốc kháng cholinergic và một số loại kháng sinh.
Nếu bạn đi vệ sinh quá nhiều có thể do bạn uống quá nhiều nước, mang thai, lo lắng, uống rượu. Đây cũng là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu đường, bàng quang hoạt động quá mức, sỏi tiết niệu, sỏi bàng quang, viêm kẽ bàng quang.
4. Dòng nước tiểu
Khi đi tiểu, bạn cảm thấy dòng nước tiểu ổn định, thông suốt, không có tần suất tiểu gấp hay khó tiểu rõ ràng. Đây cũng là dấu hiệu của sức khỏe tốt.
Lượng nước tiểu ít và thời gian đi tiểu lâu có thể do phì đại tuyến tiền liệt hoặc tắc nghẽn hệ tiết niệu dẫn đến tình trạng tiểu kém về lâu dài sẽ gây tổn thương bàng quang và thận, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất.
Một số bệnh lý cụ thể có thể gây ra dòng nước tiểu chậm như ung thư tuyến tiền liệt hoặc bàng quang, tắc nghẽn ở bất kỳ phần nào của đường tiết niệu (từ thận đến bàng quang đến niệu đạo), rối loạn chức năng bàng quang thần kinh, nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) thường xuyên và bất kỳ tình trạng nào khác gây sẹo hoặc tổn thương đường tiết niệu.
Dấu hiệu khác cho thấy bạn có tuổi thọ cao
Ngoài việc đi tiểu, người sống lâu còn có 4 đặc điểm khác:
- Thói quen làm việc và nghỉ ngơi
Nhiều người sống lâu có một điểm chung, đó là họ sống rất đều đặn, đặc biệt chú ý đi ngủ sớm, dậy sớm và duy trì giấc ngủ đầy đủ.
Nghiên cứu cho thấy hầu hết các chức năng tự sửa chữa và phục hồi của cơ thể được thực hiện trong giai đoạn ngủ sâu. Nếu bạn thức khuya trong thời gian dài, không chỉ làm gián đoạn đồng hồ sinh học mà còn khiến cơ thể mất đi khả năng phục hồi cần thiết.
Kết quả là chức năng của hệ thống miễn dịch sẽ giảm sút , sức đề kháng của cơ thể trước các virus, vi khuẩn bên ngoài sẽ yếu đi, khiến bạn dễ mắc bệnh hơn.
Ngoài ra, hệ thống nội tiết cũng có thể bị gián đoạn do thiếu ngủ, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về chuyển hóa như béo phì, tiểu đường. Thiếu ngủ lâu dài cũng có thể dẫn đến tình trạng bất ổn về cảm xúc và làm tăng khả năng mắc các vấn đề về tâm lý như lo lắng, lo âu. trầm cảm.
- Ăn một chế độ ăn uống cân bằng
Hầu hết những người sống lâu đều chú ý đến việc ăn uống nhẹ nhàng, lành mạnh trong khẩu phần ăn hàng ngày. Họ thường ưu tiên những thực phẩm giàu chất xơ như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
- Ổn định về mặt cảm xúc
Những người luôn trong trạng thái lo âu, căng thẳng, áp lực cao trong thời gian dài sẽ dễ bị suy giảm chức năng hệ miễn dịch và cơ thể dễ mắc bệnh hơn. Vì căng thẳng khiến cơ thể giải phóng quá nhiều hormone gây căng thẳng, chẳng hạn như cortisol, nên việc sản xuất quá mức trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và tim mạch.
Và những người có thể duy trì tâm trí bình yên và đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống với tinh thần lạc quan thường có thể trạng tốt hơn.
- Tập thể dục vừa phải
Những người sống lâu thường có thói quen tập thể dục, tuy không nhất thiết phải tập luyện vất vả nhưng họ vẫn thực hiện một số hoạt động thể chất hàng ngày như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, yoga,...
Tập thể dục có thể tăng cường chức năng tim phổi, thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng sức mạnh cơ bắp và mật độ xương, đồng thời trì hoãn sự suy giảm cơ bắp. Tập thể dục vừa phải cũng có thể thư giãn cơ thể và tâm trí của con người, giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Nguồn và Ảnh: Sohu