“Người sắt” Việt Nam: “Chỉ cần chúng ta “vượt trội” hơn chính bản thân mình của ngày hôm qua đã là một điều vô cùng tuyệt vời"

Đỗ Lan |

Vốn là một Việt kiều Đức, Khánh Duy trở về Việt Nam với ước muốn "đem thế giới về Việt Nam và đem Việt Nam ra thế giới" trên lĩnh vực thể thao. Và xu hướng chơi thể thao của người Việt những năm qua trở thành điều kiện thuận lợi cho mong muốn này của "Người sắt".

Đỗ Huỳnh Khánh Duy đã có 15 năm sống cùng ba mẹ ở Đức. Khi trở về Việt Nam, từ sự hứng thú cho đến yêu thương, anh bắt đầu muốn ổn định tại đất nước hình chữ S.

Vốn yêu thể thao từ nhỏ, bản thân muốn làm điều gì đó để giới thiệu Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam, anh Khánh Duy quyết định đầu quân vào Sunrise với vai trò là Giám đốc Dự án và tổ chức giải Ironman 70.3 hàng năm - cuộc thi 3 môn phối hợp: Đạp xe. Bơi và chạy bộ tại Việt Nam.

Anh được cộng đồng vận động viên Ironman gọi yêu mến là "Người sắt".

“Người sắt” Việt Nam: “Chỉ cần chúng ta “vượt trội” hơn chính bản thân mình của ngày hôm qua đã là một điều vô cùng tuyệt vời - Ảnh 1.

"Tôi muốn viết nên câu chuyện của mình tại Việt Nam"

Từng sống ở Đức và du học ở Úc, một ngày đẹp trời, anh lại trở về Việt Nam. Đâu là cơ duyên của sự trở về này?

Tôi từng sống ở Đức 15 năm và đã có 9 năm liền không về nước. Điều đó đã thôi thúc tôi rất nhiều.

Lần quay trở lại sau 9 năm đó, tôi đã tới nhiều quốc gia ở Đông Nam Á và Việt Nam đã “giữ chân” tôi.

Trong 6 tháng tuyệt vời ấy, tôi dần nhận ra mình có cảm nhận đặc biệt hơn với đất nước hình chữ S và con người nơi đây. Tôi bắt đầu làm việc tại các công ty Việt Nam và học tiếng mẹ đẻ. Quãng thời gian kéo dài 4 năm, tôi nhận ra mình đây chính là nơi tôi muốn “viết nên câu chuyện của chính mình”.

Anh có thể có nhiều cơ hội công việc, nhưng tại sao lại chọn lĩnh vực thể thao?

Có thể nói, như một cái duyên. Tôi tiếp xúc với thể thao từ khi còn rất bé và duy trì cho đến thời điểm hiện tại. Việc song hành với thể thao giúp tôi tái tạo và có thêm nhiều năng lượng mới. Bạn thấy đấy, nếu được làm thứ mình yêu thích, bạn sẽ chẳng nghĩ đó là công việc. Làm việc mình thích là tự do, thích việc mình làm là hạnh phúc.

Năm 2015, tôi tham gia giải IRONMAN 70.3 tại Đà Nẵng với tư cách vận động viên rồi tình cờ gặp chủ đầu tư của công ty (tổ chức giải thi đấu quốc tế) này. Chúng tôi đã có những cuộc nói chuyện dài và nhận ra sự tương đồng trong tư duy cũng như mong muốn đóng góp cho nền Du lịch & Thể thao Việt Nam.

“Người sắt” Việt Nam: “Chỉ cần chúng ta “vượt trội” hơn chính bản thân mình của ngày hôm qua đã là một điều vô cùng tuyệt vời - Ảnh 2.

Anh Đỗ Huỳnh Khánh Duy trong một sự kiện.

Với quy mô của một cuộc thi 3 môn phối hợp, Ironman 70.3 tổ chức trong một không gian rất rộng và khó kiểm soát. Anh đã gặp khó khăn gì?

Năm 2016, tôi bắt đầu trong Ban tổ chức và hình dung được những khó khăn vì đã có cơ hội trải nghiệm và quan sát giải với vai trò là một vận động viên trong năm đầu tiên. Có 03 cái khó:

Thứ nhất là các yếu tố địa phương: Chính quyền tại Đà Nẵng đã luôn dành sự ủng hộ tuyệt vời từ năm đầu tiên. Tuy nhiên, Ironman 70.3 là hoạt động du lịch thể thao phong trào quy mô lớn chưa từng có ở Việt Nam: Bơi 1,9 km trên biển, đạp xe 90 km và chạy 21 km liên tục.

Với sự phức tạp trong cách thức tổ chức và yêu cầu về cơ sở hạ tầng: cả cung đường bơi, đạp và chạy đều rất lớn đi qua 5 quận trên địa bàn thành phố: Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê và Liên Chiểu. Việc thiết kế đường đua an toàn và phù hợp, kiểm soát rất phức tạp. Và để giải diễn ra, Uỷ Ban Thành Phố Đà Nẵng, Sở Văn Hoá và Thể Thao phối hợp với các ban ngành, Công An, Giao thông, Y tế… đều phải tham gia.

Vốn dĩ, các lực lượng y tế cũng nhiều kinh nghiệm với mô hình thi đấu trong không gian kiểm soát như sân vận động, hồ bơi, xử lý các tình huống của vận động viên chuyên nghiệp…. Nhưng giải phong trào thì có nhiều vận động viên chưa có nhiều kinh nghiệm nên chấn thương là điều khó tránh khỏi.

Thứ hai, từ góc độ nhận thức và thói quen chơi thể thao của người Việt. Đặc điểm của giải là người nước ngoài nhiều. Họ sẵn sàng thi đấu kết hợp với du lịch. Năm đầu tiên số lượng vận động viên tham gia là chỉ gần 1.000 từ 58 quốc gia. Trong đó, chỉ có 46 người Việt mà thôi. Nghĩa là Ironman 70.3 khi đó rất ít người Việt biết đến.

Hiện trạng người dân địa phương chưa hình dung được quy mô của giải. Các câu hỏi như: Sao lại chặn đường? Sao lại gây ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi?

Thứ ba là hậu cần. Ở đây, tôi muốn nói đến đội ngũ của ban tổ chức. Thời điểm thành lập, Sunrise Events Việt Nam (SEV) chưa có nhân sự tại Việt Nam. Việc đặt chất lượng tổ chức và sự an toàn của người tham gia thi đấu lên hàng đầu buộc chúng tôi phải huy động rất nhiều chuyên gia – những người có kinh nghiệm cao từ Philippines, Singapore về Việt Nam để tổ chức - con số lên đến hàng trăm nhân sự.

Đến năm 2019, một tín hiệu đáng mừng, 1.032 người Việt đã tham gia IRONMAN 70.3 trên tổng số 2.218 người – Điều này đã chứng minh được mức độ lan toả của IRONMAN 70.3 với những vận động viên thi đấu tại Việt Nam – Điều mà chúng tôi vô cùng tự hào.

“Người sắt” Việt Nam: “Chỉ cần chúng ta “vượt trội” hơn chính bản thân mình của ngày hôm qua đã là một điều vô cùng tuyệt vời - Ảnh 3.

Các giải chạy kinh doanh như thế nào?

Kỳ thực đây là một câu hỏi khá nhạy cảm, tuy nhiên cũng xin chia sẻ như sau:

Hiện tại ở Việt Nam, mô hình kinh doanh có nguồn thu khoảng 50% đến từ tài trợ và 50% từ phí tham gia của vận động viên. Chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ tạo điều kiện và chúng tôi liên tục cố gắng thực hiện tốt nhất nhằm tạo ra những giá trị các giải du lịch thể thao có thể mang lại cho Việt Nam, ví dụ như tác động kinh tế.

Tại các thị trường phát triển ở nước ngoài nguồn thu có thể đến từ các giải là khoảng 30% đến từ tài trợ, 30% từ vận động viên đăng ký và 1/3 từ chính sách nhà nước.

Thị trường Việt Nam còn rất mới và vì vậy các khó khăn đồng thời cũng là cơ hội khi chúng tôi muốn đi đường dài, đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới về Việt Nam. Đầu tư vào dự án này có thể cần đường dài hơn nhiều khoản đầu tư khác nhưng cơ hội và tiềm năng của du lịch thể thao là rất lớn.

Nếu nhìn vào du lịch, bạn có thể thấy du lịch ven biển còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác. Dân số Việt Nam khoảng 100 triệu dân nhưng năm 2019, chưa đến 80 nghìn người tham gia vào các giải thể thao.

Thêm một điểm cộng là dân số của chúng ta tương đối trẻ cùng với nhóm thu nhập trung bình cao tăng trưởng nhanh, vì thế, tiềm năng về việc tham gia hoạt động thể thao sẽ rất nhiều. Có thể thấy, biểu đồ về giải thể thao phong trào đi lên rất nhanh.

Thay đổi thói quen của người Việt không dễ

Trong một bài báo, anh từng nhắc đến chuyện muốn thay đổi thói quen thể thao của người Việt Nam. Việc thay đổi một thói quen không hề đơn giản. Điều anh kỳ vọng liệu có phải là một sự ảo tưởng hay kỳ vọng quá lớn không?

Việc thay đổi thói quen của một con người là không hề đơn giản hay ít nhất cho đến khi bạn muốn tự nguyện thay đổi nó. Nhưng chỉ cần chúng ta “vượt trội” hơn chính bản thân mình của ngày hôm qua đã làm một điều vô cùng tuyệt vời. Khái niệm này không chỉ tồn tại trong thể thao mà còn ở tất cả mọi lĩnh vực khác.

Chúng tôi mong muốn mang đến những trải nghiệm tầm quốc tế đến với tất cả vận động viên tham dự thông qua các giải thi đấu thể thao một cách chuyên nghiệp và an toàn nhất có thể.

Hơn ai hết, bản thân tôi nhận thức và thấu hiểu rất rõ việc gặp phải những chấn thương khi chơi thể thao là điều khó tránh khỏi. Để hạn chế được điều này, bạn hoàn toàn không nên đặt yếu tố tốc độ lên hàng đầu mà chính là sự bền bỉ. Đó cũng chính là tinh thần mà chúng tôi hướng đến trong việc tổ chức các giải.

“Người sắt” Việt Nam: “Chỉ cần chúng ta “vượt trội” hơn chính bản thân mình của ngày hôm qua đã là một điều vô cùng tuyệt vời - Ảnh 4.

Phong trào chạy của người Việt, từ doanh nghiệp cho đến cá nhân trong 2 năm gần đây trở nên rất sôi động với hàng loạt giải chạy lớn, mô hình tổ chức đa dạng. Anh đánh giá thế nào về điều này?

Đây là sự phát triển tự nhiên và cũng là một tín hiệu đáng mừng. Khi xã hội phát triển thì nhu cầu về giải trí, sức khoẻ và các hoạt động thể thao cũng nhận được nhiều sự quan tâm hơn.

Có thể dễ dàng nhìn thấy thói quen rèn luyện thể thao đang dần “giành thị phần lớn hơn” so với các hoạt động giải trí thông thường (sau giờ làm việc hoặc cuối tuần). Trước đây, nhậu nhẹt, ăn uống, karaoke để kết nối giao lưu nhưng bây giờ những hoạt động lành mạnh hơn như thể thao được quan tâm nhiều hơn.

Điều này đã tạo nên vô vàn những sự kết nối trong tập thể Công ty nói riêng – được xem như chất kết dính và lan truyền đi thông điệp “Vượt trội hơn mỗi ngày” đến với cộng đồng yêu thể thao nói chung.

Thể thao không chỉ ‘thử thách’ chúng ta phá bỏ giới hạn của bản thân mà còn mang đến những lợi ích tuyệt vời khác. Nhân sự khoẻ cũng đồng nghĩa với doanh nghiệp khoẻ.

Nhiều người nói với nhau rằng: Giờ các CEO không khoe nhà, xe mà khoe các giải đấu. Anh nghĩ sao về chuyện này?

Giờ thì bạn đã thấy thể thao đã thay đổi con người như thế nào chưa? Đó được xem là những “thành tích tích cực” của những người tổ chức giải như chúng tôi – những giải thưởng vô hình nhưng vô giá. Chơi thể thao không chỉ là kết nối giữa cá nhân với nhau mà là cả cộng đồng nói chung.

Đó là khi ta thấy hàng nghìn người cùng bước xuống đường phố ăn mừng khi đội tuyển nước nhà chiến thắng trong các giải thi đấu bóng đá. Tập thể thao có thể khiến bản thân kiệt sức, chấn thương nhưng chúng ta vẫn kiên cường vượt qua, cương quyết vươn lên, đó cũng chính là rèn luyện về tư duy.

Ví dụ ở cự ly 42 km, người ta thường nói là đến giai đoạn “Hit the wall” là khoảng cự ly sau 35 km. Marathon không bắt đầu khi bạn vượt qua 30 - 35 km đầu tiên. 7 - 12 km cuối mới là cái cần vượt qua. Đến ngưỡng là kiệt sức, “sập nguồn”, chuột rút. Làm sao để vượt qua ngưỡng đó thì đòi hỏi ý chí, bền bỉ.

Hiểu theo một cách khác, thành tích của doanh nghiệp là đến từ thành tích của từng cá nhân. Từ góc độ lãnh đạo, nếu truyền đi được được nguồn cảm hứng ấy thì hẳn là điều tích cực nhất trong bối cảnh kinh tế phát triển có nhiều thay đổi.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại