Ngày 25/6, người mẫu Châu Bùi chia sẻ sự việc cô là nạn nhân bị quay lén trong nhà vệ sinh nữ của một studio tại quận 3, TP HCM.
Theo Châu Bùi, cô và ê-kíp có buổi thử đồ tại studio nói trên. Trong quá trình làm việc, cô phát hiện thiết bị quay lén dưới dạng đồng hồ cơ.
Sau khi xác định được người thực hiện hành vi đặt máy quay lén, Châu Bùi đã trình báo cơ quan chức năng và yêu cầu xác minh, làm rõ sự việc.
Trao đổi với Tiền Phong , luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Văn phòng Luật sư Nguyễn Khánh Toàn và Cộng sự nhận định hành vi đặt camera quay lén là hành vi vi phạm pháp luật.
Người mẫu Châu Bùi có thể gửi đơn đến cơ quan điều tra nơi xảy ra sự việc để tố giác hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời yêu cầu cơ quan điều tra, xác minh động cơ, mục đích của đối tượng này.
Nếu người mẫu Châu Bùi nhận thấy mình có ảnh hưởng về góc độ tâm lý hay thiệt hại về tinh thần, vật chất sau vụ việc, có thể làm đơn yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ việc thiệt hại và yêu cầu người thực hiện hành vi vi phạm bồi thường thiệt hại.
Luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho rằng chế tài xử lý cụ thể còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, xác minh của cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, người quay lén Châu Bùi có thể bị xử phạt hành chính về hành vi làm nhục, bôi nhọ danh dự. Căn cứ Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, có thể phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Trong trường hợp người quay lén sử dụng hình ảnh, thông tin của người mẫu Châu Bùi với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, làm giảm uy tín, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác. Cụ thể mức xử phạt như sau:
- Khung 1: Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
- Khung 2: Phạt tù từ 3 tháng - 2 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ; Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31%-60%.
- Khung 3: Phạt tù từ 2-5 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát.
Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, người phạm tội có hành vi đăng thông tin sai sự thật làm nhục người khác còn có thể bị truy cứu hình sự về Tội vu khống quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.