Maria sinh năm 1905 ở một ngôi làng nhỏ ở Crimea. Năm 1925, cô lập gia đình với Ilya Ryadenko, một học viên trường quân sự.
Hai vợ chồng nhất trí, là giờ đã một gia đình Xô viết, nên mọi thứ cần phải mới mẻ, kể cả họ. Thế là họ liền đổi họ thành Tháng Mười, tên gọi của cuộc cách mạng vĩ đại năm 1917. Maria Oktyabrskaya (Maria Tháng Mười) và chồng cô, Ilya Oktyabrsky (Ilya Tháng Mười).
Maria theo chồng đi phục vụ quân đội ở nhiều thành phố khác nhau. Khi chiến tranh nổ ra, 6/1941, hai vợ chồng ở Kishinev, thủ đô nước cộng hòa Moldavia. Chồng cô, Ilya Oktyabrsky khi đó phục vụ trong trung đoàn pháo binh 134.
Maria Oktyabrskaya (Maria Tháng Mười) và chồng cô, Ilya Oktyabrsky (Ilya Tháng Mười). (Ảnh: FB Phan Việt Hùng)
Chiến tranh khốc liệt, Maria cùng đoàn gia binh sơ tán đến Tomsk. Đến tháng 8/1941, cô nhận tin dữ: Người chồng yêu quý Oktyabrsky hy sinh trong một trận đánh.
Maria liền đến Uỷ ban quân sự, xin gia nhập quân đội để chiến đấu trả thù cho chồng. Nhưng éo le, là sức khỏe cô không được tốt nên đến đâu cũng bị từ chối. Thêm nữa, lúc này cô đã 36 tuổi, hơi cứng tuổi để gia nhập quân đội.
Không nản chí, Maria trở về nhà và có một quyết định táo bạo: sẽ mua một chiếc xe tăng. Nhưng tiền ở đâu ra? Hàng ngày, từ chỗ làm ở bưu điện trở về, cô ngồi lỳ một chỗ và thêu, một nghề tay trái trước đây cô khá thạo. Cô thêu khăn ăn, khăn trải bàn, khăn tắm để bán. Do các sản phẩm cô làm rất đẹp, nên hàng bán rất chạy. Các đơn đặt hàng được gửi đến tới tấp.
Đến mùa xuân 1943, thấy số tiền thu được đã hòm hòm, Maria Tháng Mười gom hết cả lại gửi đến Ngân hàng Trung ương. Bạn có tưởng tượng được không: cô đã gom được 50.000 rúp.
Gửi tiền xong, cô đánh một bức điện gửi Tổng tư lệnh Stalin.
"Iosif Vissarinovich kính mến! Trong trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chồng tôi-chính ủy trung đoàn Ilya Oktyabrsky đã hy sinh. Để trả thù cho chồng tôi, cho nhân dân Xô viết đã bị quân phát xít chó má sát hại, tôi đã chuyển đến Ngân hàng Trung ương số tiền cá nhân 50.000 để mua một chiếc xe tăng.
Chiếc xe tăng tôi yêu cầu đặt tên là "Nữ đồng chí chiến đấu"( «Боевая подруга») và yêu cầu đồng chí cho tôi ra mặt trận. Tôi có bằng lái xe, biết sử dụng súng máy khá tốt, có bằng chứng nhận xạ thủ xuất sắc (nguyên văn: xạ thủ Voroshilov, một danh hiệu tự hào thập niên 30 dành cho các xạ thủ xuất sắc-PVH). Xin gửi tới đồng chí lời chào nồng nhiệt , chúc đồng chí mạnh khỏe, sống lâu vì vinh quang của Tổ quốc chúng ta, trước sự sợ hãi của quân thù. Maria Vasilevna Oktyabrskaya".
Ít lâu sau, cô nhận được trả lời từ chính Stalin :" Gửi đồng chí Maria Oktyabrskaya! Cảm ơn đồng chí vì đã quan tâm đến sức mạnh của lực lượng tăng thiết giáp của Hồng quân. Yêu cầu của đồng chí sẽ được thực hiện. Hãy đón nhận lời chào của tôi. Iosif Stalin".
Chiếc xe tăng mang tên "Nữ đồng chí chiếnd đấu".
Mùa thu 1943, ở Belorusia, trong biên chế tiểu đoàn 2, lữ đoàn xe tăng cận vệ số 26 xuất hiện một chiếc xe tăng mới, trên thành có ghi dòng chữ "Nữ đồng chí chiến đấu". Trong biên chế chiếc T-34 này có trung úy chỉ huy Petr Chebotko, trung sĩ Ghernady Yasko, điện đài kiêm nạp đạn Mikhail Galkin và cô gái Tháng Mười, trung sĩ Maria Oktyabrskaya, lái xe.
Khởi đầu, ai cũng ngạc nhiên vì trong kíp chiếc T34 có phụ nữ, nhưng ít lâu sau thì ai cũng hiểu nguyên nhân. Cũng cần nói thêm, trước chiến tranh, Maria đã tốt nghiệp xuất sắc trường tăng Omsk, nên trong các trận chiến đấu sau đó, cô đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình không thua kém bất cứ đồng đội nào.
Trong trận chiến ở Novoe Selo (Làng Mới), chiếc "Nữ đồng chí chiến đấu" sau khi tiêu diệt được 50 tên sĩ quan và lính Đức đã trúng đạn khựng lại. Kíp chiến đấu đã dùng các vũ khí khác cầm cự được 2 ngày. Trong trận này, Maria Tháng Mười đã bị thương nhẹ. Sau khi hồi phục, cô lại trở lại mặt trận.
Vào tháng Giêng năm 1944, gần Vitebsk, trong một trận đánh khốc liệt gần ga Krnka, chiếc T34 của Maria đã tiêu diệt hai ổ súng máy và hơn 20 tên phát xít. Một phát đạn của quân địch bắn trúng vào xích. Maria cùng đồng đội lại tiếp tục dùng các vũ khí khác đánh trả. Rồi, một phát đạn của quân thù đã trúng vào đầu Maria Tháng Mười...
Cô gái dũng cảm đã được chuyển về quân y viện Smolensk. Vết thương quá nặng, bán cầu não bị tổn thương trầm trọng. Sự sống của Maria như ngàn cân treo sợi tóc.
Khi hay tin Maria Tháng Mười bị thương nặng, các đồng đội của cô đều vô cùng đau xót. Maria không có con, nhưng người nữ chiến sĩ Hồng quân 39 tuổi đã có những người lính tăng trẻ nhận làm mẹ. Họ viết thư động viên cô, dù biết rằng cô không thể đọc những dòng chữ đó. Một bức thư viết:
"Xin chào mẹ Maria Vasilevna của chúng con. Chúng con chúc mẹ nhanh chóng hồi phục. Chúng con luôn tin rằng chiếc "Nữ đồng chí chiến đấu" của chúng ta sẽ tiến đến được Berlin. Vì mẹ, chúng con sẽ trả thù quân địch một cách quyết liệt nhất. Sau 1 tiếng nữa, chúng con sẽ vào trận. Tất cả chúng con ôm mẹ. Chiếc "Nữ đồng chí chiến đấu" cũng gửi lời thăm mẹ".
Bức thư này được thiếu tá Topok chuyển đến bên giường bệnh. Anh là người đồng đội cuối cùng được nhìn thấy Maria Tháng Mười trên giường bệnh. Ngày 15/3/1944, Maria Oktyabrskaya trút hơi thở cuối cùng.
Ngày 2/8/1944, Sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô đã truy tặng trung sĩ Maria Tháng Mười danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì "lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng trong các trận chiến đấu".
Số phận chiếc "Nữ đồng chí chiến đấu" ra sao? Chiếc xe tăng "của Maria Tháng Mười" sau đó đã bị phá hủy trong một trận chiến đấu. Tuy nhiên, các lính tăng trẻ Liên Xô đã viết dòng chữ oai hùng này lên một chiếc tăng chiến đấu khác. Sau trận chiến giải phóng Minsk, chiếc tăng này bị bắn cháy. Chiếc khác lại được viết lên dòng chữ "Nữ đồng chí chiến đấu". Cứ thế, chiếc cuối cùng có dòng chữ này đã tiến vào đến Berlin, sào huyệt cuối cùng của quân phát xít.
Tượng đài nữ anh hùng Liên Xô Maria Tháng Mười đã được dựng lên năm 1962.
Tượng đài nữ anh hùng Liên Xô Maria Tháng Mười. (Ảnh: FB Phan Việt Hùng)
Một câu chuyện phi thường, về một người phụ nữ Xô viết phi thường mình đọc được đã lâu trên mạng Nga. Định dịch ra kể lại trước thềm ngày Lễ tháng Mười, nhưng không kịp, nay mới có thời gian lôi ra dịch và kể lại với chúng ta.
Mình nghĩ ngoài tình yêu Tổ quốc, tình yêu với những người ruột thịt, phải là người có lý tưởng mới có thể sống quyết liệt đến thế, chiến đấu và hy sinh quyết liệt đến như thế cho lý tưởng của mình. Đó chính là lý tưởng của cuộc cách mạng mà cô đã gắn vĩnh viễn tên của nó vào họ Tháng Mười, khi còn tuổi thanh xuân.
Không có ai bị quên lãng, Không có gì bị lãng quên !