Người phụ nữ Vĩnh Phúc bị cả làng đồn nhiễm HIV, đi khám hơn 10 năm mới phát hiện "thủ phạm" gây bệnh

Ngọc Minh |

Bà H bị ngứa ngáy, da mặt, chân, tay lở loét nhiều năm không khỏi dù đã cố gắng điều trị. Tới khi đi khám tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, bà mới biết nguyên nhân gây bệnh.

Ngứa tới mức phát dại

Đang điều trị tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, bà D.T.H (61 tuổi, sống tại Bình Xuyên – Vĩnh Phúc) nhớ lại quãng thời gian bản thân đi khám khắp nơi nhưng không biết mắc bệnh gì mà ngứa tới phát dại.

Theo bà H, cách đây 12 năm, không biết vì lý do gì mà bà bỗng bị nổi mụn, ngứa trên mặt. Nốt mụn ban đầu giống mụn nhân, khi bà H nặn ra thì có nhân màu trắng. Sau đó, nốt mụn cứ lan ra các vùng da khác.

“Các nốt mụn ngứa lan từ mặt tới tay và chân. Thời gian đó, tôi cũng đi khám nhiều nơi nhưng bác sĩ chỉ nói tôi bị viêm da dị ứng và kê thuốc về nhà bôi. Bôi thuốc giúp đỡ mụn nhưng không thể khỏi hoàn toàn”, bà H tâm sự.

Uống và bôi thuốc tây không khỏi, bà H vẫn cảm thấy ngứa ngáy nên đã chuyển sang uống thuốc nam. Tuy nhiên, khi uống thuốc nam, cơn ngứa cũng không hết.

“Cảm giác ngứa ngáy như kiến bò dưới da, mỗi lần bị ngứa tôi thường ngâm rượu với tỏi, ớt bôi nhưng cũng không đỡ. Da trên mặt và tay lở loét, người dân trong làng còn đồn tôi bị HIV. Lời mọi người nói tôi cũng bỏ ngoài tai”, bà H chia sẻ.

 - Ảnh 1.

Bệnh nhân H đnag được bác sĩ Hách thăm khám (ảnh Ngọc Minh).

Vào năm 2023, bà H tình cờ gặp một người quen từng điều trị sán não. Khi thấy bà H có dấu hiệu ngứa không rõ nguyên nhân, người này đã khuyên bà H đi khám ký sinh trùng.

Sau đó, bà H đã tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để thăm khám. Kết quả khám cho thấy bà H dương tính với giun đũa chó mèo. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho bà H ngứa ngáy trong hơn chục năm qua.

Điều trị thuốc được 1 tháng, các triệu chứng ngứa của bà H đã giảm. Bà đã được về nhà điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, khi về nhà, bà H lại xuất hiện triệu chứng đau đầu. Bà H tới bệnh viện tỉnh khám, kết quả chụp CT não phát hiện có nhiều nốt vôi hóa, nghi ngờ tổn thương do ấu trùng sán não.

Bà H lại đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để thăm khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà H âm tính với giun đũa chó mèo nhưng lại có tổn thương do sán não.

Bà H tâm sự: “Gia đình tôi có nuôi chó mèo. Tôi sống ở quê, thường chỉ ăn rau sạch do nhà trồng. Tôi rất cẩn thận trong việc ăn uống, tôi không ăn đồ sống (nem chạo, tiết canh) nhưng không hiểu sao bản thân lại nhiễm tới 2 loại ký sinh trùng cùng một lúc”.

Bác sĩ Phùng Xuân Hách, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, người dân có thể bị nhiễm ký sinh trùng khi ăn thực phẩm sống hoặc thực phẩm chưa nấu chín có chứa ấu trùng hoặc trứng giun.

“Khi bác sĩ nói về nguy cơ và đường lây của sán não, giun đũa chó mèo, tôi thấy sợ. Sau khi ra viện, tôi sẽ chia sẻ lại cách phòng tránh cho mọi người trong gia đình”, bà H nói.

Phòng ngừa ký sinh trùng lây qua đường ăn uống

Bác sĩ Hách cho hay, một người có thể nhiễm nhiều loại ký sinh trùng cùng một lúc. Với trường hợp của bệnh nhân H, bệnh nhân mắc cả giun đũa chó mèo và sán não. Hiện, bệnh nhân H đang điều trị tẩy ký sinh trùng.

Trong quá trình điều trị, bác sĩ Hách đã từng gặp 1 trường hợp nhiễm 3-4 loại ký sinh trùng khác nhau như: sán lá gan (sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ), ấu trùng giun đũa, sán dây.

 - Ảnh 2.

Hình ảnh cho thấy bệnh nhân có tổn thương não do sán. (Ảnh: Ngọc Minh)

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, bệnh truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng là nhóm bệnh khá phổ biến, liên quan chặt chẽ đến phong tục, tập quán, thói quen ăn uống như: ăn tiết canh, gỏi sống, rau sống, các loại đồ ăn, thức uống chưa được đun sôi, nấu kỹ.

Để phòng chống bệnh truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng, người dân nên vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, cơ sở chế biến; bảo quản thực phẩm đúng cách; vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên. Ngoài ra, người dân cũng cần vệ sinh môi trường sống, vệ sinh nguồn nước; dọn dẹp chất thải, rác thải; không nên dùng phân tươi tưới rau; diệt ruồi, nhặng, gián; tẩy giun cho chó mèo định kỳ để hạn chế mầm bệnh.

 Đồng thời, người dân cần thực hiện 10 nguyên tắc “vàng” dưới đây để đảm bảo an toàn khi chế biến thực phẩm:

- Chọn thực phẩm an toàn;

- Nấu chín kỹ thức ăn;

- Ăn thức ăn ngay sau khi vừa được nấu chín;

- Bảo quản thực phẩm cẩn thận, đúng cách sau khi đã làm chín thức ăn;

- Đun kỹ thực phẩm trước khi ăn;

- Không để lẫn thực phẩm sống và thực phẩm chín;

- Luôn rửa tay sạch trước và sau khi chế biến thực phẩm;

- Giữ bề mặt chế biến thực phẩm, bề mặt bếp luôn khô ráo, sạch sẽ;

- Bảo vệ thực phẩm khỏi sự xâm nhập của các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các loài động vật khác;

- Sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại