Năm 2013, người phụ nữ họ Quách (Trung Quốc) nhận 260.000 NDT (hơn 900 triệu đồng) tiền đền bù đất của ông Lưu cùng làng. Trên thực tế, giữa họ không có mối quan hệ huyết thống nhưng vì đồng cảm với hoàn cảnh ông Lưu nhiều năm sống một mình không người thân nương tựa, cô Quách đã nhận ông Lưu là bố nuôi.
Người phụ nữ này chăm sóc chu đáo cho ông Lưu cho đến khi ông qua đời vào năm 2006. 7 năm sau, nhà cũ của ông Lưu nằm trong diện giải tỏa nên với tư cách “người thân” duy nhất, cô Quách được nhận số tiền bồi thường như một khoản thừa kế mà không có bất kỳ tranh cãi nào.
Đến năm 2023, một người họ hàng xa của ông Lưu bất ngờ nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật huyện với lý do hộ khẩu của ông Lưu chỉ có tên duy nhất một mình ông nên cô Quách không có quyền giữ số tiền đền bù đất. Chính quyền địa phương rà soát và xác nhận việc này, đề nghị 2 bên gặp gỡ để thỏa thuận về số tiền thừa kế.
Cô Quách không đồng ý nên bị người họ hàng ông Lưu khởi kiện ra tòa. Người này còn cho rằng cô Quách biết trước việc ông Lưu sẽ nhận tiền đền bù đất, người thân ông đều sống ở xa nên tiếp cận ông trong vài năm nhằm chiếm đoạt tài sản. “Dù chú Lưu nhận cô làm con nuôi thì cô vẫn không có quan hệ huyết thống, không có tư cách giữ số tiền này”, người họ hàng nói.
Cô Quách vừa tức giận vừa bất lực trước lời cáo buộc của đối phương. Cô cung cấp những bằng chứng cho thấy bản thân đã chăm sóc, đồng hành cùng cha nuôi trước khi có tin khu đất nhà ông nằm trong diện giải tỏa mặt bằng.
Trong khoảng thời gian này, chỉ có cô Quách và gia đình thường xuyên thăm hỏi ông Lưu, chưa từng thấy người thân nào hoàn thành nghĩa vụ cấp dưỡng cho người đàn ông này. Chi phí sinh hoạt và y tế của ông Lưu trước khi qua đời là do cô Quách chi trả, đám tang cụ ông cũng một tay cô lo liệu.
Vì ông Lưu không để lại di chúc, Tòa án tiến hành xem xét và xác thực các yếu tố liên quan đến mối quan hệ ông Lưu trước khi qua đời. Những việc làm của cô Quách cũng như mối quan hệ cha con nuôi được hình thành nhiều năm đáp ứng các điều kiện để phân chia tài sản thừa kế theo quy định trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc.
Trong khi đó những người họ hàng ông Lưu đều không giữ liên lạc với ông suốt nhiều năm nay, không hoàn thành trách nhiệm cấp dưỡng nên Tòa án đưa ra phán quyết số tiền đền bù đất thuộc về cô Quách.
Năm 2021, một vụ việc tương tự xảy ra tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) khi một cụ ông họ Dương qua đời, để lại căn nhà 2 triệu NDT (7 tỷ đồng) mà không có con cái và cũng không để lại di chúc. Những người cháu ông Dương đệ đơn lên Tòa với mong muốn căn nhà phải thuộc về người thân, không để cho “người ngoài”.
Sau khi tiến hành xác minh mối quan hệ, Tòa án đã đưa ra phán quyết căn nhà sẽ thuộc về quyền sở hữu của những người đã tận tình chăm sóc nhiều năm dù giữa họ cũng không có mối quan hệ huyết thống. Còn những người cháu phải chấp nhận tay trắng vì đã lạnh nhạt, thờ ơ với ông Dương và chỉ xuất hiện khi nghe tin báo có tài sản thừa kế.