Người phụ nữ Thái Nguyên nguy kịch vì nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, nguyên nhân bởi 1 sơ suất khi rửa rau

PV |

Mới đây, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết vừa cứu sống một nữ bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người”.

Theo thông tin từ bệnh viện Nhân dân Gia Định, do bị sốt cao kéo dài suốt 3 tuần, uống thuốc hạ sốt không khỏi, chị H.T.H. nhập viện tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định vào ngày 28/6. Trước đó, chị đã về quê ở tỉnh Thái Nguyên thăm người thân. Tại đây, chị có triệu chứng sốt, đến khám tại bệnh viện tỉnh và nằm viện khoảng 5 ngày, sau đó được chuyển lên Hà Nội điều trị nhưng tình trạng sốt vẫn không cải thiện.

Chưa rõ nguyên nhân gây sốt, chị H. lo lắng quay về TPHCM. Do sưng đau gối trái cả khi nghỉ ngơi và đau tăng khi vận động nên chị đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định khám. Bác sĩ Huỳnh Thị Thùy Trang – Khoa Nội cơ xương khớp của bệnh viện – cho biết, khi nhập viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng vô cùng nguy kịch, sốt cao liên tục 39-40 độ C, kiệt sức. Khớp gối trái sưng đỏ, nóng rát, đau nhức dữ dội đến mức bệnh nhân không thể tự đi lại. Môi khô nứt nẻ, lưỡi bám đầy chất trắng, các hạch bạch huyết ở cổ sưng to, báo hiệu một cuộc chiến đang diễn ra bên trong cơ thể bệnh nhân.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định đang kiểm tra sức khỏe cho chị H. sau quá trình điều trị tích cực – Ảnh: H.B.

Qua các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do Burkholderia pseudomallei – vi khuẩn gây bệnh Whitmore, hay còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người. Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào phòng cách ly, điều trị tích cực. Các bác sĩ đã nuôi cấy máu, dịch khớp để xác định loại vi khuẩn gây bệnh và chọn phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh nhân H. được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng liều cao, kết hợp với thuốc hạ sốt, giảm đau.

Bệnh nhân chia sẻ khoảng 1 tuần trước khi xuất hiện các triệu chứng mình đã bị đứt tay khi đang làm bếp. Vết thương tuy nhỏ nhưng lại tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bẩn khi bệnh nhân rửa rau cần. Đây được cho là con đường xâm nhập chính của vi khuẩn Burkholderia pseudomallei vào cơ thể bệnh nhân.

Quá trình điều trị của bệnh nhân H. gặp rất nhiều khó khăn. Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei có khả năng kháng thuốc cao, do đó việc lựa chọn kháng sinh phù hợp vô cùng quan trọng. Bệnh nhân cũng phải đối mặt với nhiều biến chứng như suy đa tạng, nhiễm trùng cơ hội. Các bác sĩ phải theo dõi sát sao và điều chỉnh phác đồ điều trị thường xuyên.

Sau nhiều tuần điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhân H. dần hồi phục, triệu chứng sốt, đau khớp giảm dần, vết thương bắt đầu lành. Tuy nhiên, quá trình hồi phục hoàn toàn đòi hỏi bệnh nhân phải mất một thời gian dài để cơ thể phục hồi chức năng.

Qua trường hợp bệnh nhân H., các bác sĩ nhận định trong tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nguy cơ nhiễm trùng càng cao. Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei thường sống trong đất, đặc biệt là đất ẩm và nước ô nhiễm. Khi có vết thương hở, vi khuẩn này dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, gây nhiễm trùng. Ban đầu, bệnh có thể chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ như sốt, ho, đau cơ. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng, gây tổn thương nhiều cơ quan, thậm chí dẫn đến tử vong.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Minh Trí – Trưởng khoa Nội cơ xương khớp của bệnh viện – vi khuẩn Burkholderia pseudomallei rất nguy hiểm. Sở dĩ gọi vi khuẩn “ăn thịt người” là do vi khuẩn theo vết thương hở vào máu gây áp xe và hoại tử nhiều cơ quan… Do đó, người dân cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước ô nhiễm, đặc biệt là sau các trận mưa lớn, lũ lụt. Khi làm việc ngoài trời, cần trang bị đầy đủ bảo hộ lao động như găng tay, ủng để tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bẩn. Nếu không may bị trầy xước hoặc có vết thương hở, cần rửa sạch bằng nước sạch và xà phòng, băng bó và đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Whitmore là bệnh chưa có vắc xin tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Do đó, người dân cần chủ động phòng tránh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại