Cuộc hôn nhân bất ngờ
Nghệ sĩ ưu tú Đàm Loan là con gái út trong gia đình khá giả có 10 anh chị em. Người xưa có câu giàu con út hưởng, khó con út chịu, có lẽ vì thế mà từ nhỏ Đàm Loan đã được cả nhà cưng chiều.
Ký ức đẹp nhất trong tuổi thơ của Đàm Loan là những lần được bố chở đi ăn mì vịt tiềm, mua đèn lồng con cá ở Chợ Lớn bằng chiếc mobylette, được anh Hai chở đi mua đàn dương cầm, được mẹ tin tưởng giao cho tay hòm chìa khóa tiệm tạp hóa của bà.
Bố của Đàm Loan là thợ làm giày nổi tiếng ở Sài Gòn từ những năm 1940. Các chị gái đều là giáo viên, bản thân Đàm Loan là nữ sinh Gia Long - một ngôi trường danh giá dành cho nữ sinh thời đó ở Sài Gòn.
Học hết phổ thông, Đàm Loan trở thành sinh viên trường Nghệ thuật Sân khấu 2. Vừa ra trường, Đàm Loan đã là nữ diễn viên trẻ được nhiều người biết đến.
Nhưng không bao lâu sau, người ta thấy cô kết hôn với một đạo diễn chưa mấy tên tuổi - người đó bây giờ là đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM.
NSƯT Đàm Loan và NSND Trần Ngọc Giàu quen nhau vì học cùng trường. Trần Ngọc Giàu học dưới Đàm Loan một khóa. Khi ấy, Đàm Loan là gương mặt nữ nổi bật hiếm hoi nên trong những vở dựng đầu tiên của Trần Ngọc Giàu đều có sự tham gia của cô. Làm chung với nhau 3 vở, hai người rủ nhau về "góp gạo nấu cơm chung".
Đó là cuộc hôn nhân đầy bất ngờ không chỉ đối với nhiều người mà ngay cả với chính người trong cuộc.
NSƯT Đàm Loan
Bởi lẽ, NSND Trần Ngọc Giàu sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo tỉnh Tiền Giang. Cha ông là cán bộ kháng chiến, còn mẹ làm nghề buôn bán cá.
Xét về xuất thân gia đình và địa vị xã hội lúc bấy giờ, ai cũng nghĩ Đàm Loan sẽ phải lấy một anh chàng giàu có chứ không phải "đâm đầu" cưới một người không tên tuổi mà nhà cửa thì nửa trên bờ, nửa dưới biển ở tít xứ Gò Công xa xôi kia.
Chính NSƯT Đàm Loan cũng có lần chia sẻ trên báo rằng: "Khi biết tin tôi và anh Giàu cưới nhau, bạn bè bổ ngửa. Mà ngay chính tôi cũng ngạc nhiên với mình là sao cưới nhanh vậy trời, bởi giữa chúng tôi không hề có thời gian làm tình nhân".
Thầm lặng hy sinh và "phần thưởng" danh giá
Hai người kết hôn đúng khoảng thời gian điển hình của khó khăn trước những năm đổi mới, 1984. Ngày đó, đạo diễn chỉ là một cái tên gọi nghe có vẻ sang trọng, kỳ thực công việc chủ yếu là sáng sáng đạp xe đi lấy kem bán dạo.
Và một diễn viên có chút tên tuổi như Đàm Loan khi ấy cũng chỉ đủ mua được chiếc xe gắn máy cũ bằng số tiền để dành sau nhiều năm đi diễn.
Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ là sáng sáng tỉnh dậy thấy người bạn đời khẽ nhoẻn miệng cười nhưng trong mắt thì đầy căng thẳng vì lại sắp đối diện với một ngày cực nhọc đã thành quen. Vì nghèo nên không ai dám nghĩ đến chuyện sinh con.
Cực nhọc mưu sinh nhưng đó cũng là quãng thời gian họ đặt nhiều tâm huyết, đam mê vào tác phẩm nhất. Nhờ thế mà tên tuổi của Đàm Loan và Trần Ngọc Giàu nhanh chóng được công chúng ghi nhận.
Đàm Loan nổi lên qua những vai diễn đầy số phận ở "Bước qua lời nguyền" (vai Dậu), "Thời con gái đã xa" (vai Diễm), "Bão không mua" (vai Băng Tâm)...
Đang lúc tên tuổi rần rần, chỉ cần thêm vài bước chân nữa là chạm tới đỉnh vinh quang thì bỗng nhiên Đàm Loan im lặng biến mất khỏi sân khấu. Đó là một quyết định khó khăn không phải trong một sớm một chiều, một ngày một tháng.
Đàm Loan tạm lui về vun vén gia đình, chăm sóc con cái theo lời đề nghị của chồng. Bởi lẽ, mỗi lần dựng vở, làm phim chồng cô đi biền biệt vài tháng mới về. Đàm Loan không thể làm khác hơn vì các con cần người chăm sóc, ngôi nhà cần được giữ ấm.
Nhưng sự im lặng biến mất ấy không đồng nghĩa với việc Đàm Loan có những ngày sống thanh thản. Hay nói đúng hơn, có những lúc cô bị trầm uất nhìn thời thanh xuân và đam mê trôi qua với bao tiếc nuối.
Đó là quãng thời gian khó khăn nhất nhưng cũng tự hào nhất khi nhìn lại cuộc đời mình của NSƯT Đàm Loan.
Rất khó khăn để chấp nhận mong muốn của chồng là thôi diễn, ở nhà nhưng khi nghĩ lại quyết định ấy, Đàm Loan tin mình đã chọn đúng, dù có lúc quyết định ấy dẫn cô đến sự bế tắc.
Đàm Loan bỏ qua cơ hội tỏa sáng trong nghề nhưng bù lại cô có một gia đình hạnh phúc - điều mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng tìm kiếm, thậm chí phấn đấu cả đời để có được.
Phần thưởng dành cho sự hy sinh thầm lặng của Đàm Loan chính là danh hiệu NSND của chồng, sự thành đạt của hai người con và cả những cống hiến cho nghề nghiệp của bản thân được ghi nhận qua danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, qua các thế hệ học trò thành đạt ngày hôm nay mà cô giảng dạy.
Đàm Loan và Tiểu Bảo Quốc trên sân khấu, vở "Tình mẫu tử".
Trở lại...
Sau gần 10 năm lui về vun vén gia đình, năm 1995, Đàm Loan trở lại làm nghề. Đó là một cảm giác không gì diễn tả nổi. Chỉ biết rằng, Đàm Loan trân quý từng phút giây trên sân khấu để thỏa cái khát khao diễn bị kìm nén bấy lâu.
Sự nhiệt tình quá của Đàm Loan bị bạn diễn "góp ý" vì tập dợt mà cô bung hết lực như diễn thật.
Mặc dù NSND Trần Ngọc Giàu từng ví von "đưa Đàm Loan lên sân khấu như đem con cá thả về với nước" nhưng khi trở lại, cô không được giao đóng vai chính. Đàm Loan buồn, luyến tiếc nhưng cô chấp nhận và thích nghi.
Nhiều người nghĩ, có chồng là một đạo diễn nổi tiếng, một Nghệ sĩ nhân dân, một người có chức quyền trong nghề hẳn Đàm Loan được nương nhờ nhiều lắm. Thực chất không phải vậy.
Từ thời trẻ, để tạo điều kiện cho chồng phát triển sự nghiệp, Đàm Loan chấp nhận lui về chăm sóc con cái. Để phù hợp với hoàn cảnh gia đình, khi trở lại, Đàm Loan theo học khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TP.HCM và tốt nghiệp với hạng xuất sắc để rồi trở thành giáo viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.
Khi chồng cô làm Giám đốc Nhà hát, Đàm Loan phải nhận những vai "xương" nhất. Cả Đàm Loan và đạo diễn Trần Ngọc Giàu đều không muốn mọi người nghĩ chồng làm quan, vợ cậy quyền.
Vừa đi dạy, NSƯT Đàm Loan vừa tham gia biểu diễn tại sân khấu Thế Giới Trẻ cùng với nhiều học trò của mình.
Cô vừa diễn vừa dìu dắt và lấy chính mình làm tấm gương để các diễn viên trẻ noi theo. Diễn với cô giáo, họ không dám qua loa mà phải chăm chút cho từng vai diễn và tôn trọng bạn diễn của mình. Đó cũng là một cách để Đàm Loan dạy học trò về nghề, về cách ứng xử trong cuộc sống.
NSƯT Đàm Loan trên sân khấu với học trò.
Niềm vui của cô là được từng ngày thấy học trò của mình diễn chắc nghề hơn, được khán giả yêu thương hơn.
Sau hơn 15 năm giảng dạy bộ môn Tiếng nói Sân khấu tại trường Đại học Sân khấu điện ảnh TPHCM, NSƯT Đàm Loan đã chính thức nghỉ hưu. Dù vậy, cô vẫn được nhà trường mời đứng lớp và tiếp tục giảng dạy.