Người phụ nữ Nga có 81 con

H.K |

Ngoài 2 người con ruột, trong 30 năm qua, bà Tatiana và chồng đã nhận 79 đứa trẻ làm con nuôi.

Ngôi nhà của gia đình Sorokin nằm ở làng Rassvet (vùng Rostov, miền nam nước Nga) trông giống như bất kỳ ngôi nhà nào khác trong vùng. Đó là một tòa nhà hai tầng, bao quanh bởi một khu vườn có cổng sắt.

Thoạt nhìn, chẳng ai có thể tưởng tượng rằng, đó lại là nơi sinh sống của một đại gia đình lớn nhất ở Nga với hơn 80 đứa trẻ.

Người chủ gia đình, bà Tatiana Sorokina, 67 tuổi cho biết, hiện tại bà sống với 15 đứa con (11 con trai và 4 con gái). Trong số đó có ba con đang học ở học viện, hai chàng thanh niên 18 và 20 tuổi đang học đại học, còn những người khác đã lập gia đình và cùng sinh hoạt trong đại gia đình.

30 năm nuôi dạy 81 đứa trẻ, lúc đông nhất là quãng thời gian từ 1991 tới 1993 có tới 23 người cùng sống trong nhà. Điều gì đã xảy ra và tại sao? Người mẹ anh hùng đã chia sẻ câu chuyện của mình.

Mọi việc bắt đầu vào năm 1968 ở Makhachkala, cộng hòa Degestan, cách Moscow 1.893 km về phía nam.

Khi 18 tuổi, bà Tatiana gặp người chồng tương lai Mikhail Sorokin, 23 tuổi. Mikhail lớn lên trong một trại trẻ mồ côi vì thế đối với ông lập gia đình là điều rất quan trọng.

Người phụ nữ Nga có 81 con - Ảnh 1.

Vợ chồng bà Tatiana và cô con gái đầu lòng năm 1970.

Họ sinh con gái đầu lòng Anna vào năm 1970 và ít lâu sau cậu con trai Ivan ra đời vào năm 1973. Thật không may, Ivan mắc bệnh hiểm nghèo, cộng thêm lỗi của các bác sỹ, cậu bé trở thành trẻ tàn tật.

Mặc dù hai vợ chồng không có ý định nhận con nuôi, nhưng số phận đã định đoạt. Trong nỗ lực tìm công việc mới, gia đình Sorokin rời thành phố Makhachkala để chuyển tới Volgodonsk. Trên đường đi, họ dừng lại thuê nhà nghỉ ở thị trấn Tsimlyansk.

Người phụ nữ chủ nhà cạy cục gia đình Sorokin chăm sóc đứa con gái một tuổi của mình để cô ấy có thể ra đi “tìm kiếm cuộc sống mới tốt đẹp hơn”.

Năm năm sau, người phụ nữ đó quay lại với ý định đưa cô gái của mình vào một trại trẻ mồ côi. Lúc này gia đình Sorokin quyết định sẽ nhận nuôi đứa bé.

Đó mới chỉ là khởi đầu. Trong những năm sau, gia đình Sorokin không những chỉ nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi mà còn cả trẻ khuyết tật, trong đó có ba bé trai cần phẫu thuật chỉnh hình mặt và ba cô bé bị nhiễm độc phóng xạ.

Năm 1989, với 2 người con ruột và 11 người con nuôi, gia đình Sorokin trở thành một trong những gia đình đầu tiên ở Liên Xô nhận được cái gọi là tình trạng "Gia đình trẻ mồ côi", một sáng kiến của liên bang để cho trẻ em có cơ hội sống trong một thực tế gia đình hơn là trong một trại trẻ mồ côi, và quan trọng hơn là không phải trải qua thủ tục nhận nuôi chính thức.

Khó khăn vất vả, con cái đều thành đạt

Chính quyền địa phương và Quỹ Nhi đồng Nga cũng đã hỗ trợ gia đình Sorokin bằng nhiều cách. Năm 1990 gia đình chuyển từ một căn hộ ba phòng sang một căn nhà riêng và được quỹ tặng một xe buýt nhỏ.

Năm 2002, họ có xe mới và đổi lấy một chiếc xe tám chỗ. Thật không may, sau vụ va chạm giao thông năm 2015 chiếc xe buýt nhỏ không còn sử dụng được nữa.

Bà Tatiana cho biết:"Chúng tôi cần một xe buýt nhỏ để có thể cùng nhau đi đây, đi đó. Vì ở trong làng, lũ trẻ chẳng có gì để chơi trong những ngày nghỉ. Tôi đã mua cho chúng một số trang thiết bị thể thao, ở nhà chúng chơi bóng bàn, ở trường thì được chơi bóng đá.

Nhưng sẽ rất tuyệt vời khi đi câu cá, tham gia vào những chuyến dã ngoại hoặc đến thăm các gia đình khác có con nuôi."

Cả đại gia đình phải lăn lưng để kiếm sống. Tất nhiên, theo chương trình “Giai đình trẻ mồ côi” họ vẫn nhận được hỗ trợ tài chính của liên bang cho 15 đứa trẻ, với mức mỗi trẻ được hỗ trợ khoảng 9.458 rúp (140 USD) mỗi tháng.

Tuy nhiên, toàn bộ số tiền này chỉ đủ chi tiêu cho 8 trẻ.

Với số tiền rất ít ỏi, đại gia đình Sorokin chủ yếu chỉ dành để chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu nhất: thực phẩm, quần áo, thuốc men, học phí, vv… Khó khăn càng trở nên trầm trọng hơn khi vài năm trước, ông Mikhail qua đời.

Người phụ nữ Nga có 81 con - Ảnh 3.

Được nuôi dưỡng trong điều kiện khó khăn đó, nhưng tất cả những người con nuôi của gia đình Tatiana trưởng thành. Đa số đã tốt nghiệp đại học, có việc làm, kết hôn và bắt đầu xây dựng gia đình riêng của mình.

Tất cả họ đều gọi bà Tatiana là mẹ và luôn giữ liên lạc cũng như ủng hộ bà. Theo bước người mẹ, người con gái ruột của bà cũng nhận con nuôi.

Người mẹ anh hùng Tatiana cho biết thêm: “Vấn đề ở đây không phải là số lượng trẻ được nhận nuôi nhiều hay ít, mà là tình thương của cha mẹ dành cho chúng như thế nào.

Nếu vì lợi nhuận, bạn nhận nuôi để rồi sau đó chuyển những đứa trẻ đó về các gia đình khác, bạn sẽ thấy chúng bị tổn thương như thế nào.

Đó là lý do mà tại sao những năm gần đây, chúng tôi chỉ nhận nuôi những đứa trẻ hoàn toàn bị bỏ rơi. Nói ra thì có vẻ dễ, nhưng trên thực tế lại là một điều hoàn toàn khác.

Trẻ em không những chỉ cần tình thương, tình yêu và những từ đại loại như thế. Chúng cũng cần bánh mì và súp”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại