Người phụ nữ lãnh đạo công ty tỉ USD

Phương Minh |

Với mục tiêu con người là vốn quý nhất thì mọi xung đột hay rào cản của M&A dễ dàng được hóa giải.

Giọng nói nhẹ nhàng , mái tóc dài chấm lưng , ở chị toát ra sự dịu dàng , đầy nữ tính . Nhưng ít ai ngờ, chị Nguyễn Thị Trà My , Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN , đang lãnh đạo một loạt công ty có tên tuổi trên thị trường với doanh thu hằng năm lên đến gần tỉ USD.

Tập trung vào hai mũi nhọn là nông nghiệp và thực phẩm, chị My đang dẫn dắt Tập đoàn PAN đặt mục tiêu trở thành công ty hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn cho bất kỳ thị trường khó tính nào trên thế giới.

. Tại sao PAN lại phát triển kinh doanh trong ngành nông nghiệp và thực phẩm bằng chiến lược M&A, thay vì xây dựng từ đầu, thưa chị?

+ Đối với ngành nông nghiệp và thực phẩm, nếu khởi động từ đầu sẽ cần thời gian rất dài để có được vị thế một doanh nghiệp lớn.

Chẳng hạn, nếu xây dựng một công ty giống từ đầu, để có được những bộ giống tốt cần có sự đầu tư nghiên cứu và phát triển, cùng với đó là hình thành đội ngũ nhân lực có chuyên môn cao, với phòng thí nghiệm và đồng ruộng để thực nghiệm và cả hệ thống phân phối nữa thì thời gian có thể kéo dài nhiều năm.

Vì vậy, thông qua các thương vụ M&A, PAN đã sở hữu được các công ty có thương hiệu, có nguồn nhân lực tốt và có thị trường rộng lớn.

Nền tảng ấy đã giúp PAN, trong thời gian ngắn, xây dựng được chuỗi giá trị, sản xuất sản phẩm đủ sức đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời thiết lập được nền tảng vững chắc trong ngành nông nghiệp, thực phẩm, phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

. Như vậy là PAN đã khá khôn khéo khi chủ yếu M&A các công ty hàng đầu trên thị trường?

+ Đúng là những doanh nghiệp mà PAN thực hiện M&A đều nằm trong tốp đầu của thị trường, mạnh về sản phẩm, thương hiệu, hệ thống phân phối. PAN được hưởng lợi ngay các giá trị và kết quả kinh doanh từ các công ty này.

Tuy nhiên, quan điểm của PAN về M&A không chỉ là tài sản, dòng tiền, doanh thu hay lợi nhuận của các công ty PAN nắm vốn chi phối mà trên tất cả chúng tôi có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chính con người mới là điều kiện tiên quyết thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh nhanh, bền vững của các doanh nghiệp khi trở thành một thành viên của tập đoàn.

. Hậu M&A chưa bao giờ là đơn giản. Vậy bằng cách nào, chị với vai trò người đứng đầu có được sự hợp tác và chấp nhận về “mái nhà chung” từ các công ty được M&A trên thị trường mà không vấp phải sự phản ứng?

+ Thách thức thông thường của một thương vụ M&A là sự xung đột giữa người cũ và người mới. Mua thành công một công ty đã khó, quản trị công ty sau M&A càng không dễ dàng.

Sự xung đột này rất dễ hiểu vì người ta lo lắng về sự thay đổi chiến lược kinh doanh, nhân sự, văn hóa công ty, kể cả việc có thể mất các lợi ích cá nhân từng có.

Tuy nhiên, với PAN thì khác, khi chọn M&A, PAN luôn nhắm đến các công ty kinh doanh minh bạch, người đứng đầu công ty đó có tâm, có tầm, sẵn sàng cùng hợp tác, dám thay đổi để thúc đẩy doanh nghiệp vươn đến tầm cao mới.

Thực tế, sau khi giữ vai trò chi phối, PAN không thay đổi bộ máy nhân sự các công ty mình sở hữu. Chúng tôi dựa vào lực lượng tại chỗ, đưa thêm người vào hội đồng quản trị để hỗ trợ nâng cấp hệ thống quản trị, hoạch định chiến lược kinh doanh và gọi vốn từ các công ty đầu tư.

Qua đó nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh và khai thác hết tiềm năng sẵn có của công ty cũ.

Cơ chế của PAN sau M&A là mở cho công ty hoạt động linh hoạt nhằm phát huy tối đa nội lực, giúp nhân sự trong công ty có động lực cống hiến vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, trong đó có lợi ích của chính họ. Với mục tiêu con người là vốn quý nhất thì mọi xung đột hay rào cản của M&A dễ dàng được hóa giải.

. PAN đang có những nỗ lực đầu tư mạnh cho nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, trong khi đầu tư vào lĩnh vực này không đơn giản. Chị đang có bài toán chiến lược ra sao?

+ Ngành nông nghiệp đang có những chuyển đổi mạnh hướng đến ứng dụng công nghệ cao và thay đổi phương thức sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng. Để tạo ra ngành nông nghiệp hiệu quả cần rất nhiều yếu tố, như khả năng đầu tư, hiệu quả đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực, thị trường,...

Chúng tôi xác định chỉ các doanh nghiệp có khả năng phát triển chuỗi cung ứng khép kín mới có thể giữ được tốc độ tăng trưởng dài hạn và sở hữu các thương hiệu quốc gia, có khả năng vươn ra cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong khu vực và thế giới.

Cách tiếp cận nông nghiệp của PAN là đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng chấp nhận mới từng bước phát triển quy mô và quảng bá thương hiệu.

. Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) vừa đầu tư 35 triệu USD để mua 10% cổ phần của PAN, cuộc hợp tác này sẽ đem lại lợi thế nào cho tập đoàn?

+ Để đi đến cái bắt tay giữa hai bên, Sojitz đã mất gần hai năm tìm hiểu về PAN trước khi quyết định rót vốn đầu tư. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện một công ty nước ngoài đầu tư theo kiểu tài chính đơn thuần vào công ty Việt Nam, mà là mối quan hệ hợp tác kinh doanh, cùng nhau nâng tầm chất lượng nông sản, thực phẩm Việt Nam.

Bằng kiến thức, công nghệ Nhật và sở hữu mạng lưới kinh doanh toàn cầu, Sojitz sẽ hỗ trợ PAN cải thiện năng suất cây trồng, vật nuôi, thiết lập chuỗi giá trị thực phẩm, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng, hệ thống phân phối.

Điều này có nghĩa rằng PAN không đơn thuần là thông qua hệ thống phân phối của Sojitz để bán hàng ra thị trường quốc tế, dù doanh thu, lợi nhuận là quan trọng, thể hiện tính hiệu quả của công ty.

Điều chúng tôi muốn thúc đẩy chính là xây dựng được thương hiệu Việt cho nông sản phẩm, thực phẩm Việt Nam, dựa trên hợp tác với Sojitz.

. Chị có thể cho biết chiến lược kinh doanh của PAN trong thời gian tới?

+ Về sản phẩm, PAN sẽ luôn xuất phát từ thị trường và nhìn thấy sớm xu hướng để đáp ứng, nhất là chất lượng, sự độc đáo, tính sáng tạo và sức khỏe cho người tiêu dùng để thu hút người mua.

Chúng tôi tiếp tục kế hoạch mua cổ phần chi phối một số công ty có thế mạnh trong ngành nông nghiệp và thực phẩm để thúc đẩy chuỗi giá trị sản xuất nhiều mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam.

Trên nền tảng này, PAN kỳ vọng doanh thu sẽ cán mốc 1 tỉ USD và lợi nhuận trước thuế từ 95 đến 100 triệu USD muộn nhất là vào năm 2022.

. Xin cám ơn chị.

Bằng chiến lược M&A, PAN đang nắm giữ Công ty Cổ phần Giống cây trồng trung ương (Vinaseed - NCS), Công ty Cổ phần iống cây trồng miền Nam (SSC), Công ty Cổ phần Bibica (BBC), Công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco - LAF), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (AquatexBentre - ABT), Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (a VN - FMC),…

Qua đó dần hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín theo mô hình Farm - Food - Family, kỳ vọng đến năm 2022 sẽ đưa doanh thu cán mốc 1 tỉ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại